Trường cao đẳng kỹ thuật Lý Tự Trọng: Nợ tiền phụ trội giáo viên

25/04/2013 - 14:25

PNO - PN - Sắp hết năm học 2012-2013 mà vẫn chưa được thanh toán khoản tiền phụ trội của năm học 2011-2012 là vấn đề đang gây “tâm tư” với nhiều cán bộ, giáo viên của trường cao đẳng lớn nhất TP.HCM.

Sở dĩ có tình trạng nêu trên là do đầu tháng 11/2012 Trường CĐ kỹ thuật Lý Tự Trọng thay đổi hiệu trưởng (HT): ông Đỗ Kỳ Công - HT cũ về hưu, ông Văn Công Sang được điều từ Sở GD-ĐT TP.HCM về làm HT. Thời điểm đó, nhà trường vẫn chưa thanh toán khoản tiền phụ trội của năm học cũ 2011-2012 cho giáo viên (GV). Chuyện cũng đã không thành vấn đề nếu cách tính khoản tiền phụ trội cho GV được thống nhất giữa hai “triều đại” cũ và mới. Theo cách tính đã được nhà trường triển khai trước đó, số giờ tiêu chuẩn trong năm của một GV là 280 giờ, trong khi theo cách tính của ông HT mới thì số giờ nói trên tăng vọt lên 548 giờ, cao gần gấp đôi. Giờ phụ trội là giờ giảng vượt ngoài số giờ tiêu chuẩn và được trả thù lao bằng 150% giờ dạy tiêu chuẩn, nên theo cách tính mới, GV phải chịu nhiều thiệt thòi, có trường hợp tiền phụ trội giảm một nửa. Vì thế, GV khó mà chấp nhận. Trong khi đó, ông HT thì một mực cho là cách tính như trước sai, phải tính lại theo cách của ông mới đúng.

Truong cao dang ky thuat Ly Tu Trong: No tien phu troi giao vien

Việc chậm thanh toán tiền phụ trội khiến không ít giáo viên tâm tư

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách tính giờ phụ trội cho GV được các trường ĐH, CĐ dựa vào Thông tư 50/2008/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC liên bộ GD và ĐT - Nội vụ - Tài chính ngày 9/9/2008 quy định về chế độ làm thêm giờ. Tuy nhiên, cách tính của các trường lại không giống nhau, tùy vào tình hình thực tế của từng trường. Ngay tại Trường CĐ kỹ thuật Lý Tự Trọng, cách tính của từng năm cũng có sự khác nhau: năm học 2011-2012 số giờ tiêu chuẩn của GV được tính là 280 giờ, nhưng năm học trước đó là 396 giờ. Chính vì sự nhập nhằng “hiểu sao cũng được” đó, nên gần đây liên bộ nói trên ban hành Thông tư 07/2013/TTLB-BGDĐT-BNV-BTC thay thế cho Thông tư 50.

Do thực tế phức tạp và nhập nhằng như vừa nêu nên GV của trường CĐ kỹ thuật Lý Tự Trọng kiến nghị: “Những gì của năm học cũ cứ giải quyết theo quan điểm đã được toàn trường thống nhất. Nếu muốn thay đổi thì hãy bắt đầu từ năm học mới 2012-2013”. Ông Đỗ Ngọc Mỹ - Trưởng khoa Khoa học cơ bản của trường - khẳng định: “Quy định về khoản tiền phụ trội là thỏa thuận tập thể nên nó phải được thực hiện”. Trước đó, trong một văn bản, ông Văn Công Sang cũng hứa sẽ trả dứt điểm khoản tiền phụ trội cho GV trước Tết Nguyên đán nhưng đến nay lời hứa ấy vẫn chưa thành hiện thực.

Tiếp xúc với phóng viên Báo Phụ Nữ chiều 18/4, ông Văn Công Sang cho rằng, sở dĩ ông hứa trả là vì lúc đó ông mới về trường, chưa nắm hết các quy định. “Trước mắt tôi sẽ chi trả theo mức tôi đã tính, đồng thời xin ý kiến Bộ và Sở. Công văn tôi đã gửi đi. Bộ và Sở trả lời thế nào tôi sẽ làm thế ấy. Còn thiếu thì tôi sẽ trả bù” - ông Sang khẳng định.

Chưa biết kết quả của việc “xin ý kiến cấp trên” như thế nào, nhưng chuyện chậm trễ thanh toán khoản tiền phụ trội đang gây ra nhiều “tâm trạng” cho gần 150 GV tại bảy khoa của trường. Lãnh đạo một khoa nói với chúng tôi: “Lương GV rất thấp nên làm đến đâu “xào nấu” đến đó, may thì dư ra khoản tiền dạy phụ trội. Nhiều cặp vợ chồng cùng giảng dạy tại trường đã vay mượn để xây nhà, sắm sửa, ổn định cuộc sống và chỉ nhắm đến khoản phụ trội cuối năm để trả nợ, giờ tâm trạng của họ rất bất ổn. Một số GV đã quyết định đi tìm “bến” mới”. Ông Đỗ Ngọc Mỹ quả quyết: “GV đang chán nản nên chỉ giảng dạy với tinh thần đối phó. Mọi hậu quả rồi HS-SV sẽ lãnh đủ”.

 Minh Nhật 

Bên cạnh 8,4 tỷ đồng tiền phụ trội (nếu tính số giờ tiêu chuẩn trong năm là 280 giờ) thì hiện Trường CĐ kỹ thuật Lý Tự Trọng còn nợ GV khoản tiền vượt khối lượng hoạt động chuyên môn khác (360 giờ/năm). Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng tại Khoa Khoa học cơ bản (có 51 cán bộ GV), khoản tiền này cũng lên đến hơn 300 triệu đồng.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI