Trường ca ‘mang thai hộ’ ở Thái Lan và cái kết không dễ dàng

26/02/2018 - 14:36

PNO - Việc tòa án vị thành niên và gia đình ở Bangkok tuần trước phán quyết cuối cùng vụ án đòi quyền giám hộ của một người đàn ông Nhật Bản đã làm nổi lên vấn đề đạo đức của ngành kinh doanh mang thai hộ.

Tương lai của 13 đứa trẻ được nhà nước chăm sóc từ tháng 8/2014, sau khi nhà chức trách phát hiện các nhũ mẫu nuôi dưỡng các bé tại một căn hộ ở Bangkok, vẫn đứng trước một rủi ro.

Truong ca ‘mang thai ho’ o Thai Lan va cai ket khong de dang
Những đứa trẻ được mang thai hộ là con đẻ của doanh nhân Nhật Bản Mitsutoki Shigeta, ảnh chụp năm 2014 - Ảnh: Reuters

Vào thời điểm đó, nhà chức trách đã điều tra các phòng khám vô sinh ở Bangkok được cho là nơi cung cấp dịch vụ mang thai hộ thương mại – phụ nữ Thái Lan sinh con cho các khách hàng nước ngoài.

Vụ việc bùng nổ còn do phản ứng của người mẹ mang thai hộ người Thái khiếu nại cặp vợ chồng Australia từ chối nhận một trong hai đứa trẻ song sinh vì bé có hội chứng Down, cậu bé được người mẹ đẻ gọi là Gammy.

Cảnh sát Đã đột nhập ít nhất 9 phòng khám vô sinh, một phòng khám tên là All-IVF bị đóng cửa.

13 đứa trẻ thụ thai dưới sự giám sát của Tiến sĩ Pisit Tantiwattanakul, giám đốc điều hành All-IVF. Đáng chú ý, cha đẻ của tất cả 13 đứa trẻ là Mitsutoki Shigeta, một người đàn ông Nhật năm đó 24 tuổi, đã rời khỏi Thái Lan, và từ Nhật Bản cung cấp mẫu DNA để chứng minh rằng ông là cha đẻ của 13 người con ở Thái Lan.

Đó là một người trẻ tuổi, bí ẩn và độc thân, anh ta muốn trực tiếp nuôi dưỡng “những đứa con của mình”.

Cảnh sát Thái Lan bắt đầu điều tra Shigeta vì nghi anh ta phạm tội buôn người.

Năm 2011, Shigeta sử dụng dịch vụ mang thai hộ đầu tiên có của cơ sở New Life có trụ sở ở Gruzia, do bà Mariam Kukunashvili làm giám đốc. New Life đã ngừng giao dịch với Shigeta khi ông ta cho biết kế hoạch muốn làm cha của bao nhiêu đứa trẻ mang thai hộ.

Bà Kukunashvili nói: "Ban đầu, ông Shigeta chọn hai bà mẹ mang thai hộ, cả hai sau đó đều mang thai ngay lập tức. Sau đó, ông Shigeta thông báo với chúng tôi rằng ông muốn có hơn 1.000 đứa trẻ và lên kế hoạch cho 10-20 người mang thai hộ mỗi năm, hoặc hơn”.

Bà giám đốc New Life cho biết “ông nói ông có 10 hộ chiếu và có thể đăng ký cho những đứa trẻ thông qua các sứ quán khác nhau”. New Life lo lắng về sức khỏe của những đứa trẻ được mang thai hộ và nghi ông Shigeta buôn người.

Truong ca ‘mang thai ho’ o Thai Lan va cai ket khong de dang
Cảnh sát phát hiện chín đứa trẻ nghi được mang thai hộ khi đột nhập một căn hộ ở Bangkok năm 2014 - Ảnh: EPA

Trong khi đó, luật sư của Shigeta ở Thái Lan giải thích rằng thân chủ của ông đơn giản chỉ muốn có một gia đình lớn. Vị luật sư cho biết Shigeta là con trai cả của tỷ phú công nghệ Nhật Bản, và ông ta có điều kiện nuôi dưỡng chu đáo những đứa con của mình.

Nhưng  lý do thực sự của Shigeta về việc ông ta muốn thông qua dịch vụ mang thai hộ để có nhiều con như vậy vẫn là một bí ẩn.

Nhà chức trách Thái Lan khi đó xác định hai đứa trẻ ở Campuchia và bốn đứa trẻ ở Nhật Bản là con đẻ của Shigeta. Bây giờ, sau hơn ba năm, tòa án Thái Lan đã trao cho ông quyền giám hộ 13 đứa trẻ còn lại.  

Shigeta không trở lại Thái Lan để thăm các con của mình, có lẽ vì sợ lộ danh tính cũng như khả năng bị truy tố, nhưng mẹ của Shigeta cứ hai tháng lại đến thăm những đứa trẻ một lần.

Tòa án phán quyết trao cho Shigeta quyền làm cha những đứa trẻ nói trên vì ông ta được xác định là cha đẻ của các em này, đồng thời không có bằng chứng cáo buộc ông ta buôn người, không có hồ sơ hình sự, và những phụ nữ mang thai hộ không kiện cáo.

Tòa phát hiện Shigeta đã thành lập các tài khoản ngân hàng dành riêng cho những đứa trẻ này ở Singapore, trả tiền cho người trợ trông coi chăm sóc các em, và chuẩn bị “cho các con mình” một ngôi nhà ở Nhật Bản, cùng với việc chuẩn bị trường lớp học hành.

Shigeta cũng đã mua một căn nhà ở Thái Lan để chăm sóc những đứa trẻ trong khoảng thời gian chuyển tiếp, nơi những đứa trẻ làm quen với các nhũ mẫu sẽ chăm sóc chúng ở Nhật Bản.

Tòa án đã không đề cập đến tham vọng kỳ lạ của ông Shigeta trong việc muốn có có hàng trăm đứa con, nhưng tòa tin rằng tương lai của các em sẽ tốt hơn dưới sự chăm sóc của một người cha giàu có và tận tâm, so với việc các em được nhà nước Thái Lan chăm sóc.

Năm 2015, Thái Lan thông qua một đạo luật mới hạn chế nghiêm khắc việc mang thai hộ cho các cặp vợ chồng người Thái và cấm toàn bộ dịch vụ mang thai hộ thương mại, người vi phạm sẽ đối diện hình phạt 10 năm tù.

Ngành kinh doanh này vượt qua biên giới sang Campuchia, và sau khi bị Campuchia cấm vào năm 2016, nghề này chuyển qua Lào, nơi chưa có quy định cụ thể về việc mang thai hộ.

Tuy nhiên, hoạt động này vẫn được tổ chức lén lút ở Thái Lan, và nước này vẫn là địa điểm lý tưởng để tìm kiếm dịch vụ mang thai hộ, thậm chí khi việc mang thai không thể được thực hiện hợp pháp ở đây.

Nhà chức trách Thái Lan cho biết dịch vụ mang thai hộ nay vẫn bắt đầu ở Thái và tiếp tục cho đến khi hoàn tất ở Lào.

Thanh Vân (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI