Trường “bắt tay” doanh nghiệp để thu hút sinh viên ngành nông nghiệp

01/10/2024 - 06:20

PNO - Trước thực trạng nhu cầu nhân lực ngành nông nghiệp cao nhưng sinh viên học ngành này ngày càng giảm, các trường đại học ở tỉnh Nghệ An đã “bắt tay” với doanh nghiệp, tìm việc làm cho sinh viên ngay sau khi ra trường để thu hút người học.

Thay đổi cách nhìn về ngành học

Kết thúc 3 tháng thực tập tại công ty nuôi tôm ở tỉnh Khánh Hòa, Đậu Thị Vy - sinh viên (SV) Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường đại học Vinh - cho biết: “Sau khi vào học và đi làm việc thực tế, tôi mới có cái nhìn khác về ngành nuôi trồng thủy sản mà mình đang học”. Lớn lên ở xã vùng biển ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nữ sinh này không còn xa lạ với hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, bám trụ ở hồ nuôi tôm, nuôi cá mưu sinh. Bởi thế, khi được chị gái tư vấn thi vào ngành nuôi trồng thủy sản, Vy lắc đầu với lý do “làm việc chân tay đã vất vả, con gái càng khó hơn, sợ không theo được nghề”.

Sinh viên Viện Nông nghiệp và Tài nguyên đi thực tế  tại Công ty De Heus Việt Nam - ẢNH: ĐÌNH VINH
Sinh viên Viện Nông nghiệp và Tài nguyên đi thực tế tại Công ty De Heus Việt Nam - Ảnh: Đình Vinh

Vy quyết tâm theo đuổi ngành sư phạm để trở thành cô giáo. Nhưng khi được đại diện doanh nghiệp (DN) về trường tư vấn hướng nghiệp, Vy mới thực sự hiểu công việc của một kỹ sư nông nghiệp và quyết định “quay xe”, theo học ngành nuôi trồng thủy sản. Vy chia sẻ: “Tôi nhận ra xu hướng nông nghiệp chất lượng cao, ứng dụng khoa học vào nông nghiệp đang phát triển mạnh, nhu cầu về nhân lực rất cao. Công việc khác xa với suy nghĩ trước đây”.

Bùi Công Cường - SV Viện Nông nghiệp và Tài nguyên - cho biết cũng từng đắn đo khi quyết định theo học ngành nuôi trồng thủy sản. “Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ học nuôi trồng thủy sản thì sao không đi học nghề thực tế luôn cho nhanh, cần gì vào đại học. Nhưng khi vào học, nhất là được đến một công ty lớn để thực tập, tôi mới hiểu công việc của một kỹ sư nông nghiệp. Hầu như các anh chị khóa trước đều có việc làm ngay sau khi ra trường. Dù mới đi thực tập, tôi cũng được trả 3 triệu đồng mỗi tháng” - Cường nói.

Tiến sĩ Phạm Mỹ Dung - Trưởng bộ môn nuôi trồng thủy sản, Viện Nông nghiệp và Tài nguyên - cho biết, trong bối cảnh nguồn hải sản tự nhiên ngày một cạn kiệt, hoạt động nuôi trồng thủy sản dần trở thành nguồn cung chính trong tương lai. DN nuôi trồng thủy sản công nghệ cao cần sử dụng lao động có trình độ cao để làm ra nguồn hải sản sạch, phục vụ xuất khẩu. Đây là cơ hội nghề nghiệp rất hấp dẫn cho SV.

Cung không đủ cầu

Tiến sĩ Nguyễn Đình Vinh - Viện trưởng Viện Nông nghiệp và Tài nguyên - cho biết, nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ở các tỉnh miền Trung ngày càng lớn. Số lượng SV ra trường luôn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. SV được DN về tận trường tuyển dụng đi làm ngay sau khi tốt nghiệp hoặc có thể tiếp tục đi học, làm việc tại Ba Lan và Israel. Dù vậy, số lượng SV theo học các ngành nông nghiệp đang ngày càng giảm. Năm học 2024-2025, viện đặt chỉ tiêu tuyển hơn 100 SV nhưng mới chỉ tuyển đạt gần 50%, chủ yếu là các ngành thú y, nuôi trồng thủy sản…

“Nhiều phụ huynh, học sinh vẫn còn suy nghĩ học nông nghiệp ra sẽ phải đi làm xa, làm việc chân tay, kém sang” - ông Nguyễn Đình Vinh nói. Để giúp học sinh hiểu rõ hơn về các ngành nông nghiệp, viện thường phối hợp với một số DN về tận trường phổ thông tư vấn. Viện cũng đang hợp tác với hơn 10 DN trong và ngoài nước. Mỗi năm, DN đặt hàng hàng trăm nhân sự, về tận trường tuyển dụng, mức lương từ 10-12 triệu đồng/tháng.

Trường đại học Kinh tế Nghệ An cũng đang liên kết với nhiều DN tìm việc làm cho SV các ngành nông nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, hiện tỉ lệ SV ra trường có việc làm cao, mức lương ổn định nên việc tuyển sinh các ngành nông nghiệp ở trường gần đây đã khả quan hơn dù vẫn rất khó để tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

“Các bạn trẻ thích học theo hướng kinh doanh, công nghệ hoặc xuất khẩu lao động. Trước thực trạng này, Câu lạc bộ Khối đào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ học phí như ngành sư phạm để thu hút SV các ngành nông nghiệp” - ông Vinh cho biết.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI