Trưởng ban Kiểm soát SCB gần 40 lần báo vi phạm các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan nhưng bị... ngó lơ

14/03/2024 - 21:00

PNO - Ngày 14/3, luật sư bào chữa cho ông Lưu Quốc Thắng (cựu Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng SCB) đặt cùng 1 câu hỏi cho 3 cựu cán bộ cấp cao SCB để làm rõ việc ông Thắng đã gần 40 lần gửi báo cáo về việc SCB có nhiều vi phạm về cho vay, nhưng bị... ngó lơ, kết quả ông Thắng gây thiệt hại số tiền hơn 344.605 tỉ đồng.

Luật sư Trương Thị Minh Thơ đặt câu hỏi đầu tiên cho ông Bùi Anh Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT SCB: “Ông Thắng được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát SCB năm 2019, tháng nào cũng làm báo cáo gửi SCB cảnh báo về nhiều vi phạm trong các khoản vay, tuy nhiên từ chủ tịch HĐQT đến giám đốc đều không phản hồi là đúng hay không”. Ông Dũng trả lời là ông không nhớ có nhận từ Ban kiểm soát hay không.

Cùng với câu hỏi trên, ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc Ngân hàng SCB - nói rằng, thời điểm ông Thắng về SCB thì ông Văn đã ở vị trí Tổng giám đốc SCB. Ông nói, chức năng Ban kiểm soát được bầu ra để giám sát HĐQT và Ban giám đốc. Nếu Ban kiểm soát có gửi báo cáo, yêu cầu giải trình những vi phạm thì HĐQT sẽ giải trình nhưng ông không nhớ ông Thắng có yêu cầu không.

Ông Trương Khánh Hoàng - cựu TGĐ SCB là cán bộ cấp cao nhưng không nắm rõ Ban kiểm soát có trình
Ông Trương Khánh Hoàng - cựu Tổng giám đốc SCB nói ông không nhớ những kiến nghị mà Ban kiểm soát từng kiến nghị 

Còn ông Trương Khánh Hoàng - cựu Tổng giám đốc SCB - thì nói rằng ông có nhận được báo cáo kiểm toán của ông Thắng kiến nghị kiểm tra, xử lý, ngăn chặn những vi phạm tín dụng tại SCB, sau đó có phân công xuống các cấp dưới để kiểm tra, HĐQT cũng đã tổ chức các cuộc họp liên quan đến các vấn đề này. “Vậy những kiến nghị đó có thì SCB có thực hiện theo và có trình lên Ngân hàng Nhà nước hay không? - luật sư Thơ hỏi tiếp. Ông Hoàng khai: “Anh Thắng làm việc lâu năm hơn tôi nên hiểu hết về SCB, luôn phối hợp xử lý với thái độ rất hợp tác. Nếu báo cáo nào gửi nội bộ thì nội bộ xử lý, còn việc trình báo cáo lên thanh tra Ngân hàng Nhà nước hay không thì tôi không nắm”.

Trước các câu trả lời đều "không nắm, không rõ" của các cựu cán bộ cấp cao trên, luật sư Trương Thị Minh Thơ cho biết, kể từ khi nhận nhiệm vụ tại SCB, tháng tháng ông Thắng cũng làm báo cáo kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, xử lý, ngăn chặn những vi phạm tín dụng tại SCB. Theo nguyên tắc, khi nhận được các báo cáo kiến nghị như vậy thì phía HĐQT SCB phải xem xét, tổ chức họp, tìm giải pháp. Nhưng phía SCB không phản hồi gì cả. Sau đó ông Thắng đã trực tiếp gửi báo cáo lên thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Sau đó luật sư Trương Thị Minh Thơ đặt tiếp câu hỏi với ông Nguyễn Văn Hưng - cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước: “Khi Ngân hàng Nhà nước vào thanh tra SCB, có mặt của Ban kiểm soát không”. Ông Hưng nói, trong quá trình thanh tra hoặc họp thông qua báo cáo thanh tra thì Ban kiểm soát không tham gia, chỉ khi họp thông qua kết luận báo cáo thanh tra thì mới có đầy đủ thành viên Ban kiểm soát.

Trong khi đó, theo cáo trạng thì ông Nguyễn Văn Hưng đã chỉ đạo các đoàn thanh tra làm sai lệch kết quả thanh tra tại SCB trước khi trình lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Quang cảnh phiên toà xét xử bà Trương Mỹ Lan
 HĐXX đang nghe các luật sư hỏi các bị cáo trong phiên toà xét xử bà Trương Mỹ Lan

Còn với ông Lưu Quốc Thắng, theo cáo trạng thì ông đã làm việc tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất từ tháng 3/1998, sau đó tiếp tục công tác tại Ngân hàng SCB cho đến nay, trải qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau, sau đó thay Phạm Thu Phong, giữ chức vụ Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng SCB.

Trong thời gian giữ vai trò Trưởng ban Kiểm soát SCB, từ ngày 17/4/2019 đến ngày 7/7/2022, Ngân hàng SCB đã phát sinh 438 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 652 khoản vay tại Ngân hàng SCB, trong đó các khoản vay của các khách hàng, này còn dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 438.458 tỉ đồng. Ông Lưu Quốc Thắng đã không thực hiện đầy đủ, đúng chức năng nhiệm vụ quy định của Ban kiểm soát và Trưởng ban Kiểm soát trong quá trình SCB cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng thuộc nhóm bà Trương Mỹ Lan theo số liệu như nêu trên nên đã không phát hiện được, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của Ngân hàng SCB trong hoạt động cấp tín dụng này. Dẫn đến các khoản vay còn dư nợ đặc biệt lớn, Ngân hàng SCB không có khả năng thu hồi nợ. Hành vi của ông Lưu Quốc Thắng đã gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 344.605 tỉ đồng.

Bà Phạm Thu Phong - cựu Trưởng ban Kiểm soát (SCB) bị truy tố vì: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại cho SCB hơn 90.317 tỉ đồng. Trước đó, trình bày với HĐXX, bà Phong nói “đi kiểm tra một số chi nhánh nhưng không tiếp cận được hồ sơ kiểm toán nội bộ, không thực hiện được thủ tục kiểm tra…”. Thấy không ổn, bà Phong đã trình bày với Chủ tịch HĐQT SCB đề nghị hỗ trợ cho Ban kiểm soát thực hiện các thủ tục kiểm tra nhưng bà vẫn "không tiếp cận được gì". Sau đó do không thể thực hiện đúng nhiệm vụ nên bà Phong xin nghỉ việc. 

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI