edf40wrjww2tblPage:Content
Trường Tiểu học chuyên biệt Anh Vương, Q.Tân Bình, cửa đóng, then cài
khi phóng viên tìm đến làm việc
Đúng như dự đoán ban đầu, phóng viên rất khó khăn mới tiếp cận được với chủ trường để xảy ra tình trạng GV tra tấn học sinh bằng gậy khi năm lần bảy lượt liên hệ với đơn vị này.
Tiếp chúng tôi với thái độ cực kỳ khó chịu, ông Chu Văn Việt, chủ trường nói cụt lủn: “Mọi việc tôi đã báo cáo giải trình với Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM bằng văn bản. Muốn hỏi gì, các anh lên Sở GD mà hỏi, lãnh đạo Sở GD dặn chúng tôi không được trả lời báo chí”.
Khi chúng tôi yêu cầu cho được đi xem xét tình hình lớp học, thực trạng chăm sóc và nuôi dạy trẻ tự kỷ tại trường, ông Việt thẳng thắn từ chối: “ Các anh thông cảm, giờ không phải lúc chụp hình”.
Tuy nhiên, khi đề cập đến những hình ảnh đầy tính bạo lực mà GV của trường dành cho học sinh, ông Việt ra vẻ bức xúc: “ Thật ra việc quay clip, ghi hình không phải do phóng viên ghi lại mà do một tình nguyện viên xin vào trường tôi làm trước đó 20 ngày ghi lại. Tôi không biết mục đích của hành động đó là gì. Nhưng tôi khẳng định GV của tôi không bạo hành trẻ kinh hoàng đến vậy”.
Lân la tìm hiểu những hàng xóm quanh khu biệt thự nhận nuôi dạy trẻ được thiết kế biệt lập bằng cánh cổng sắt kín cổng cao tường, chị H, chủ một tiệm sửa xe kiêm tạp hóa sát bên trường nhận xét: “Thật tình mà nói, cũng khổ cho GV lắm, nhiều hôm thấy mấy em cứ lao ra giữa sân nằm phơi nắng, la hét, họ ra bế vào thì các em la hét không chịu vào. Chắc vì bất lực với việc giáo dục các cháu nên họ mới dùng biện pháp hù dọa thôi”.
Trái ngược chị Nguyễn Thanh Hương, phụ huynh của một trẻ tại trường lại bức xúc: “Sáng nay đi làm, lướt báo mới biết trường con mình đang gửi xảy ra bạo hành trẻ kinh hoàng như vậy. Vì vậy, tôi đã bỏ việc chạy về trường giữa trưa đón con về nhà ngay. Con tôi gửi ở trường đã hơn 9 tháng, tuy không thấy cháu trong clip bạo hành đang lan truyền trên mạng, nhưng tôi thật sự đau xót khi nhìn những hình ảnh dã man mà GV trường dành cho học sinh. Thật không thể tưởng tượng một cơ sở nuôi dạy trẻ tự kỷ lại có những hành động vô nhân đạo và thiếu tình thương với học trò như vậy”.
Phụ huynh đến trường đưa đón con về
Trao đổi với chúng tôi về những hành động bạo hành gây chấn động dư luận, cũng như cách dạy trẻ tự kỷ đầy bạo lực của GV Trường Tiểu học chuyên biệt Anh Vương, ông Trần Văn Dương, Giám đốc Trung tâm tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em (ATC) nhận định: Những hành động bạo hành trẻ mà GV trường Tiểu học chuyên biệt Anh Vương dành cho học sinh chứng minh rõ một điều, họ bất lực trong việc quản lý hành vi của trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ vốn dĩ đã yếu những kỹ năng ứng xử và hành vi, tổn thương thần kinh, rối loạn về giao tiếp nên nhiệm vụ của người GV cần làm là tạo ra những tình huống giao tiếp, ứng xử từ chính hành vi của trẻ, đấy mới là một cách giảng dạy tốt, có nghiệp vụ.
Đằng này, việc ép trẻ học và ăn bằng đòn roi, “dạy dỗ” trẻ bằng hù dọa, đưa ra những phương thức “giao tiếp” đầy bạo lực, kinh hãi không chỉ mang đến cho trẻ những tổn thương to lớn về tâm lý, mà còn đẩy các em đến những hành vi ức chế . Mặt khác, việc bạo hành trên cơ sở thiếu hụt kỹ năng sẽ đẩy các em đến tình trạng nảy sinh ra những hành vi mới (tiêu cực) từ phương thức giáo dục sai trái của GV. "Tôi thấy rất căm phẫn với cách giáo dục thiếu cái tâm, tình yêu thương trẻ của những GV trường Anh Vương. Môi trường giáo dục thiếu sự tương tác, thiếu sự hậu kiểm với những GV không bằng cấp, thiếu chuyên môn đặt ra cho chúng ta vấn đề về khâu kiểm soát, thành lập trường hiện đang quá lỏng lẻo. Trách nhiệm quản lý của các cấp ban ngành là rất rõ ràng. Nhưng cái tôi băn khoăn là làm sao để kiểm soát chặt chẽ được hơn nữa những đơn vị hoạt động thiếu chuyên môn, thiếu tình thương như trên”, ông Dương nói.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, Trường Tiểu học chuyên biệt Anh Vương hiện đang nuôi dạy khoảng 30 cháu, với nhiều GV không có bằng cấp, nghiệp vụ chuyên môn. Cơ sở nuôi dạy trẻ cũng chỉ là nhà ở tận dụng, cải tạo lại nên rất thiếu các trang thiết bị cần thiết.
Trao đổi với một cán bộ phòng Giáo dục Q.Tân Bình, người này cho biết: Chức năng của Trường Tiểu học chuyên biệt Anh Vương là chăm sóc người già. Nhưng khi kiểm tra, ở đây lại hoạt động theo mô hình trường nuôi dạy trẻ chuyên biệt. Cơ sở này trước đó đã từng bị rút giấy phép hoạt động và giải thể. Chính vì thế, có thể khẳng định, thời điểm trường đang hoạt động là hoạt động chui, trá hình.
Liên hệ với lãnh đạo Sở GD&ĐT để xem hướng giải quyết và xử lý vụ việc thế nào thì ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD mách nước, nhà báo nên liên hệ cô Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT đề nắm thông tin vì cô đã xuống làm việc với cơ sở. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với bà Trần Thị Kim Thanh, bà Thanh nói: “Hiện nay công ty (Trường Anh Vương - PV) chưa làm giải trình. Vì giấy phép hoạt động của công ty do Sở Kế hoạch đầu tư cấp. Vì vậy, chưa thể thông tin gì cho nhà báo”.
Tiến Nguyễn