Trước thời hạn kiểm tra: Tranh thủ bán nón bảo hiểm “dỏm”

31/05/2013 - 16:37

PNO - PN - Mặc dầu UBND TP.HCM chỉ đạo các ban ngành liên quan từ ngày 20/5 đến hết tháng 8/2013 tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh nón bảo hiểm (NBH) không đúng quy định, song...

Tại nhiều điểm bán NBH, người bán cho biết tranh thủ “tống” số hàng kém chất lượng còn tồn trước thời hạn kiểm tra.

Một số cửa hàng trên đường CMT8, Nguyễn Trãi, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Kha Vạn Cân… vẫn dành một góc dành cho những loại “NBH đối phó” (không có tem hợp chuẩn, thông tin nhà sản xuất, lớp xốp lót rất mềm…). Nhân viên của một cửa hàng trên đường CMT8, Q.3 lý giải: “Số nón đó đã lỡ nhập về rồi nên vẫn để bán, gỡ được chút vốn nào hay chút đó”. Dù ý thức được rằng bán nón giả bị phạt rất nặng, nhưng chủ một cửa hàng khác cũng trên đường CMT8, Q.10 lại tiết lộ: “Chỉ khi nào khách có nhu cầu mua nón dùng tạm tôi mới lấy nón kém chất lượng, giá rẻ vài chục ngàn ra bán. Nón được trưng bày đều đạt chuẩn và có giấy chứng nhận để cơ quan quản lý đến kiểm tra”.

Truoc thoi han kiem tra: Tranh thu ban non bao hiem “dom”

Nón bảo hiểm không đúng quy định được bày bán tràn lan trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 - Ảnh: Phùng Huy

Mỗi ngày vào lúc trời nhập nhoạng tối, nhiều điểm bán NBH trên vỉa hè bắt đầu “ra quân”. Không còn rầm rộ như trước, những “cửa hàng” di động này chỉ trưng bày khoảng vài chục nón kèm với các mặt hàng như khẩu trang, áo mưa. Số nón có đủ các loại tem được trưng bày ở hàng mặt tiền, còn nón kém chất lượng thì treo ở phía sau. Tuy người bán hàng khẳng định “hàng vẫn có dán tem đàng hoàng”, song trên những con tem có dấu CR đó lại không có tên đơn vị hay nhà sản xuất nào. Nhấn nhẹ tay vào lớp xốp bên trong đã thấy lún xuống. Có lẽ để phục vụ cho nhu cầu mua tạm, dùng tạm nên các gian hàng này tập trung chủ yếu gần các khu vực có lưu lượng người qua lại đông như Bến xe miền Đông, cầu Bình Triệu, trường ĐH Sài Gòn, ĐH Khoa học Tự nhiên, ngã sáu Phù Đổng, ngã sáu Dân chủ, đường Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ...

Hiện nay những loại nón được người bán giới thiệu là đạt chuẩn với đầy đủ tem hợp chuẩn CR, tem chống hàng giả và thông tin về đơn vị sản xuất có giá thành dao động trong khoảng 120.000-250.000đ/chiếc, nếu không có kính. Nếu có thêm kính (trong hoặc phủ màu) thì giá thấp nhất khoảng 245.000 đến trên 300.000đ/chiếc. Đặc biệt, một số nhãn hiệu nón có giá lên đến 2-2,5 triệu đồng/chiếc vì theo giới thiệu của nhân viên bán hàng, bề mặt nón được trang trí hoa văn, phủ sơn mài và miếng đệm ở dây mũ bằng da thật.

Ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng CC QLTT TP.HCM cho biết: “Các đối tượng bán NBH trôi nổi, kém chất lượng mà vẫn có dán tem hợp quy, né lách bằng cách bán ngoài giờ hành chính để trốn lực lượng chức năng kiểm tra nên khó dẹp tận gốc. Đợt này, các lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra ngay cả ngoài giờ hành chính và truy tận gốc nơi cung ứng NBH kém chất lượng. Người tiêu dùng không nên mua loại NBH có giá quá rẻ (chỉ 20.000 - 30.000đ/cái) vì chắc chắn không đạt chất lượng”.

Thực tế, tình trạng gắn tem hợp quy giả lên NBH chưa hợp quy diễn ra rất phổ biến, người tiêu dùng không thể nhận biết. Mới đây, ngày 24/5/2013, Đội QLTT 3A của TP.HCM đã kiểm tra một cơ sở sản xuất NBH tại P.11, Q.10, TP.HCM. Cơ sở này có đăng ký kinh doanh, có chứng nhận hợp quy một nhãn hiệu, còn lại 398 cái NBH hiệu Kitu chưa thực hiện chứng nhận hợp quy. Trước đó, ngày 23/5/2013, Đội QLTT 4A cũng lập biên bản một cơ sở sản xuất NBH tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM đang lắp ráp NBH không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không chứng nhận hợp quy.

 An Hà - Nguyễn Cẩm

Chỉ nên dùng kính màu phủ lớp chống tia UV

Theo BS Diệu Thơ, Bệnh viện Mắt TP.HCM, đối với loại nón bảo hiểm có lớp kính màu, người dùng cần lưu ý chỉ nên sử dụng khi kính đã được phủ lớp chống tia cực tím (tia UV). Thông thường, khi ra ngoài nắng, ta có phản xạ nheo mắt, đồng tử mắt cũng sẽ co lại để ngăn cản tia cực tím tác động lên thủy tinh thể, võng mạc. Khi ta đeo thêm lớp kính có phủ màu, lớp này sẽ làm dịu ánh sáng, mắt không bị nheo, đồng tử giãn ra như bình thường. Khi đó, nếu kính được phủ lớp chống tia UV thì sẽ cản bớt được một phần tia tác động lên mắt. Ngược lại, nếu kính không được phủ lớp chống tia UV, đồng nghĩa với việc mắt ta sẽ phải hứng trọn lượng tia UV mà không có sự phòng ngự nào. Nếu điều này kéo dài, thủy tinh thể và võng mạc của mắt sẽ bị tổn thương, gây nên tình trạng đục thủy tinh thể hay còn gọi là cườm mắt (cườm khô).

Những loại nón bảo hiểm có lớp kính trong thì vẫn có thể dùng vì kính có tính năng cản bụi. Tuy nhiên, nếu đi dưới trời nắng gắt nên đeo thêm kính mát có phủ lớp chống tia UV để bảo vệ mắt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI