Trước tết lo thiếu, sau tết lo dư

04/02/2022 - 16:14

PNO - Phải chăng cách dạy con, nhất là con gái trong các gia đình người Việt khiến họ luôn canh cánh nỗi lo với trọng trách là người giữ lửa trong nhà.

Hồi nhỏ, bao giờ cũng vậy, mấy ngày sát Tết, cứ thấy mẹ tất bật đi chợ hoài dù đồ ăn đầy ắp tủ lạnh, tủ bếp.

Ngày thường, mẹ đi chợ mỗi ngày một lần. Tuần sát Tết, có ngày mẹ đi hai, ba lần. Mẹ bảo, đi chợ ngày tết là một thú vui chứ không áp lực phải mua gì, nấu gì như ngày thường vì mấy ngày cận tết nhìn gì cũng muốn mua, mua rồi lại muốn mua thêm.

Cắm hoa chưng tết, tôi lại nhớ mẹ trong những cái tết xưa
Cắm hoa chưng tết, tôi lại nhớ mẹ trong những cái tết xưa

Sáng ba mươi tết, năm nào cũng vậy, khi những thứ thiết yếu cho mấy ngày tết đã được mẹ mua từ mấy ngày trước, mẹ vẫn bươn bả ra chợ. Thức ăn vào ngày này chẳng còn mấy thứ ngon vì mọi người đã mua hết, người bán cũng không lấy hàng mới về thêm. Ai nấy đều chuẩn bị về cúng giao thừa. Mẹ đi mua vét mớ trái cây đã hết đẹp, mớ rau củ không còn tươi hay vài bó hoa đã bớt rực rỡ. Chẳng phải mẹ đợi giờ chót để mua đồ rẻ mà mẹ muốn mua giúp mấy người đó để họ về sớm.

Còn nhớ, chị em tôi hay trách mẹ mua chi mấy thứ chẳng còn ngon lành gì, có khi phải bỏ hoặc không dùng được bao nhiêu. Vậy mà, qua tay mẹ, mấy thứ rau củ bị vạt mất những chỗ dập vẫn nấu được tô canh ngon lành. Mấy bó cúc đại đoá, cát tường, hoa lys sau khi loại bỏ lá bị úa, mấy cánh bị dập, mẹ vẫn cắm được những bình xinh xắn. Hoa đẹp mua từ sớm mẹ chưng phòng khách, bàn thờ ông bà. Hoa "dạt" mẹ chưng khắp nơi, trong bếp, trên đầu tủ lạnh, kệ, tủ... Nhìn hoa lá khắp nhà thật mát mắt, thấy ngưỡng mộ cái tâm hay thương người và tài vén khéo của mẹ, luôn chăm chút cho ngôi nhà của mình từ những điều giản dị.

Tôi nhận ra mình đang lặp lại thói quen của mẹ ngày trước. Dù đã lên danh sách những thứ cần mua cho mấy ngày tết để không bị sót, tôi vẫn không ngăn nổi mình dạo chợ nhiều lần những ngày sát tết, có khi chỉ để ngắm phố sá và cảm nhận không khí tết chứ chẳng mua gì.

Kể từ sau mùa dịch, tôi có thêm thói quen mua đồ vì tội nghiệp người bán. Một cụ già với rổ rau cỏn con trước mặt chẳng biết cách tính tiền, chị phụ nữ trông chẳng giống người bán hàng chuyên nghiệp, cứ giấu mặt sau chiếc khẩu trang chẳng dám mời chào rổ trứng bé tẹo, hay người đàn ông khắc khổ với mớ trái cây lèo tèo hẳn là chủ một gia đình nào đó với bầy con nheo nhóc phía sau... Gặp những người bán kiểu ấy, tôi dễ mủi lòng, lắm khi mua mà chẳng lựa chọn, mặc cả, tính toán xem có thực sự cần thiết không.

Chỉ khi bớt lo lắng vào mấy ngày tết thì phụ nữ mới có được cái tết thảnh thơi, nghỉ ngơi đúng nghĩa (ảnh minh hoạ)
Chỉ khi bớt lo lắng vào mấy ngày tết thì phụ nữ mới có được cái tết thảnh thơi, nghỉ ngơi đúng nghĩa (ảnh minh hoạ)

Dù khá kỹ tính trong việc mua sắm, chi tiêu lúc bình thường nhưng không hiểu sao mấy ngày cận tết, tôi cứ thích mua dư, mua thêm đồ, nhất là đồ ăn dù nhà đã đầy ắp. Tôi (và có lẽ không ít bà nội trợ khác) cứ lo nhà sẽ bị thiếu, lo khách đến mà không có thức để đãi, lo hàng quán, chợ búa không bán lại đủ khi mình cần nên mua rồi vẫn muốn thêm vì không muốn đầu năm mà thiếu món này món nọ.

Để rồi năm nào cũng vậy, sau tết tôi lại thu dọn mớ đồ ăn dư cũ. Trái cây mua nhiều loại đến lúc chín phải ăn cùng lúc, không là sẽ hư. Nhà ít người, ít khách nhưng món gì cũng phải nấu một nồi. Bánh mứt chỉ mua cho có, mỗi thứ một ít hoá ra cũng thành nhiều với một nhà toàn người lớn kiêng ngọt còn trẻ con bây giờ cũng chẳng mặn mà.

Để thanh lý mớ thực phẩm tồn sau tết, những người đầu tiên tôi nghĩ đến là nhân viên đổ rác của khu phố, là người nhặt ve chai lớn tuổi và cô giúp việc theo giờ. Từ đòn bánh tét chưa kịp ăn do nhỏ em cho quá nhiều, trái bưởi vườn nhà bạn gửi lên hay mấy hộp bánh kẹo mua trong siêu thị được chia sẻ là cả người nhận vui mà người trao đi cũng nhẹ nhõm.

Chẳng biết có ai rơi vào cái vòng tâm lý luẩn quẩn như tôi không, trước tết lo thiếu, sau tết lo dư. Hay phải chăng cách dạy con, nhất là con gái, trong các gia đình người Việt khiến họ luôn canh cánh nỗi lo với trọng trách là người giữ lửa trong nhà. Lo con thiếu cái ăn ngon, lo chồng không được mặc đẹp, lo nhà cửa không gọn ghẽ, sau trước không vẹn tròn, lo khách chê cười, xóm giềng thị phi... Những bức ảnh khoe nhà cửa với đủ món ngon, khoe bánh trái, hoa quả... sắp đặt đủ đầy tràn ngập Facebook những ngày này phải chăng phản ánh tâm trạng này của các bà, các chị?

Có lẽ chỉ khi nào họ, những phụ nữ đa đoan bớt lo lắng vào mấy ngày tết, lo thiếu hụt trước tết rồi lại lo giải quyết sự thừa mứa sau tết thì họ mới có được cái tết thảnh thơi, nghỉ ngơi đúng nghĩa.

Đỗ Thu Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI