Vụ án gây bức xúc dư luận này đã được Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử sơ thẩm (ST) ngày 25/8. Một số bị cáo cũng đã làm đơn kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt.
|
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Quốc Ngọc |
Án sơ thẩm quá nhẹ và bỏ sót hành vi phạm tội
Thực tế, trong suốt quá trình điều tra, xét xử ST vụ án VN Pharma dư luận đã có những phản ứng gay gắt, đặc biệt là về vai trò, trách nhiệm của Cục Quản lý dược (QLD), Bộ Y tế. Cho nên, chỉ sau phiên ST chưa đầy 1 tháng, ngày 22/9, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đã ban hành quyết định số 20/QĐ-VC3-V1 kháng nghị bản án hình sự ST.
Kháng nghị cho rằng, bản án 306/2017/HSST xử phạt các bị cáo về tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là chưa đầy đủ, chưa toàn diện và chưa phản ánh đúng bản chất vụ án; có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và kẻ phạm tội. Từ đó, dẫn đến hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Theo kháng nghị, vụ án còn nhiều vấn đề cần được điều tra làm rõ để xử lý toàn diện, đúng người, đúng tội, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân. Cụ thể trong vụ án, Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường đã cùng bàn bạc, cung cấp và làm giả một loạt giấy tờ chứng nhận giả xuất xứ lô thuốc H-Capita 500mg của Canada cũng như làm giả các giấy tờ từ phía Việt Nam.
Các bị cáo ý thức rõ việc làm và sử dụng giấy tờ giả, con dấu giả để nộp cho Cục QLD là nhằm được cấp giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, tòa ST chỉ xem xét hành vi buôn lậu mà không điều tra, truy tố, xét xử Hùng, Cường, Nguyễn Trí Nhật, Phan Cẩm Loan, Ngô Anh Quốc và Lê Thị Vũ Phương tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là đã bỏ lọt tội.
Làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của lãnh đạo Cục Quản lý dược
Việc giám định của Bộ Y tế, theo kháng nghị, là có mâu thuẫn và không phù hợp quy định pháp luật. Giám định cho rằng thuốc H-Capita “không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”; nhưng lại kết luận đó chỉ là thuốc kém chất lượng, không kết luận là thuốc giả. Vì thế, cần thiết phải trưng cầu giám định lại, với thành phần hội đồng giám định khác để bảo đảm tính khách quan và chính xác.
Kháng nghị cũng đặt vấn đề trách nhiệm của các cán bộ Cục QLD trong việc thẩm định hồ sơ và cấp phép nhập khẩu lô thuốc; cho rằng cấp ST chưa làm rõ trách nhiệm trong quá trình cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita và 3 lô thuốc khác vào Việt Nam của Cục QLD: “Chính sự tắc trách của Cục QLD đã tạo điều kiện cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Cần điều tra rõ hành vi thiếu trách nhiệm của tổ thẩm định và lãnh đạo Cục QLD để xử lý theo quy định pháp luật”.
Ngoài ra, các bị cáo còn khai nhận đã chi 7,5 tỷ đồng hoa hồng (trong khi giá trị lô 9.300 hộp H-Capita chỉ khoảng 5,3 tỷ đồng) cho các bác sĩ bệnh viện. Cho nên, cần làm rõ số tiền này có còn chi hoa hồng cho những lô thuốc nào khác không vì tiền mua thấp hơn tiền hoa hồng là vấn đề phải có câu trả lời thỏa đáng. 10.000 USD các bị cáo đã chi cho Nguyễn Quang Huy (57 Láng Hạ, P.Thành Công, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) để sử dụng “pháp nhân hết hạn” của Công ty Austin Hồng Kông cũng phải được xác định là khoản thu lợi bất chính do thực hiện hành vi phạm tội mà có; tòa ST không tuyên tịch thu, sung công quỹ là thiếu sót.
Trao đổi với chúng tôi ngày 17/10, luật sư Trần Hải Đức - Công ty luật TDL, thành viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Á Châu, cho biết, kháng nghị trên là hoàn toàn đúng quy định pháp luật và đúng thẩm quyền: “Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp là căn cứ để hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét lại bản án hình sự ST.”
Tại phiên ST, Tòa án nhân dân TP.HCM đã áp dụng điểm a, khoản 4, điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử các bị cáo về tội buôn lậu:
1. Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma, 12 năm tù.
2. Võ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và hàng hải quốc tế H&C, 12 năm tù.
3. Nguyễn Trí Nhật, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma, 5 năm tù.
4. Ngô Anh Quốc, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma, 4 năm tù.
5. Phan Cẩm Loan, nguyên Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty CP VN Pharma, 3 năm 6 tháng tù.
6. Lê Thị Vũ Phương, nguyên kế toán trưởng Công ty CP VN Pharma, 3 năm tù.
Tòa cũng áp dụng khoản 3, điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử các bị cáo về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức:
7. Bùi Ngọc Duy, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty CP VN Pharma, 1 năm 6 tháng tù.
8. Phạm Văn Thông, dược sĩ, 2 năm tù cho hưởng án treo, thử thách 4 năm.
9. Phạm Anh Kiệt, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco), 2 năm tù cho hưởng án treo, thử thách 4 năm.
|
Quốc Ngọc