“Nổ cả ngày lẫn đêm”
Sau khi phản ánh tình trạng Tập đoàn ThaiGroup nổ mìn khai thác đá khiến đá lăn xuống phía sau khu dân cư (đã có bài đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM ngày 22/5), một lần nữa người dân thôn Thạnh Mỹ 2 lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị tập thể đến cơ quan chức năng vì vấn đề cũ chưa giải quyết đã tiếp tục nổ mìn liên tục, làm nhà dân nứt toác.
|
Người dân thôn Thạnh Mỹ 2 (huyện Nam Giang, Quảng Nam) phản ánh việc Tập đoàn ThaiGroup liên tục nổ mìn để khai thác đá ở ngọn núi ngay phía sau khu dân cư |
Theo đơn kiến nghị tập thể của người dân thôn Thạnh Mỹ 2, việc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiGroup (ThaiGroup) nổ mìn khai thác đá ngay trên đỉnh đồi nằm sát nhà dân để phục vụ cho Nhà máy xi măng Xuân Thành khiến họ luôn sống trong lo âu, thấp thỏm.
“Trước đây, khi chúng tôi chưa có đơn phản ánh thì tuần nổ 1 lần. Giờ thì nổ cả ngày lẫn đêm, không kể giờ giấc. Mà cứ mỗi lần nổ là rung chuyển cả một vùng, người dân lại túa ra đường vì chẳng ai dám ở trong nhà nữa”, chị Trần Thị Thanh Tâm (thôn Thạnh Mỹ 2) bức xúc.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2021, những người dân ở đây đã từng gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng về việc Công ty ThaiGroup nổ mìn làm đá rơi xuống từng mảng lớn ở khoảng đất phía sau nhà của họ, kèm theo đó là rung lắc dữ dội.
“Khi người dân phản ánh, huyện và tỉnh đã đến kiểm tra. Lúc đó doanh nghiệp có dừng lại một thời gian nhưng khoảng một tháng nay họ đã cho nổ mìn trở lại. Tưởng tỉnh lên kiểm tra thì doanh nghiệp sẽ ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho bà con, ai ngờ tần suất nổ mìn lại nhiều hơn trước nữa”, anh Nguyễn Trọng Tú (36 tuổi, thôn Thạnh Mỹ 2) nói.
|
Người dân cho rằng, việc công ty liên tục nổ mìn trong những ngày qua khiến nhà cửa bị nứt toác |
Bà Vương Thị Sử (53 tuổi) rất lo lắng khi mùa mưa bão sắp tới, trong khi đó việc nổ mìn phá đá trên đầu nhà dân sẽ khiến đất bị rạn nứt, nhiều tảng đá lớn bị hỏng chân, nằm cheo leo trên đỉnh đồi khi mùa mưa đến sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra sạt lở và có thể cả quả đồi sẽ ập xuống vùi lấp tài sản, tính mạng người dân.
“Chúng tôi không biết họ đánh bao nhiêu tấn mìn nhưng tiếng nổ và độ rung chấn rất là kinh khủng. Doanh nghiệp phải có cách nào đảm bảo tính mạng, tài sản cho bà con chúng tôi chứ đánh mìn phá đá kiểu đó người dân chúng như đang gánh họa trên đầu”, bà Sự lo lắng.
Có cùng nỗi bức xúc, ông Huỳnh Tấn Tài cho rằng, khi đã bán đất, thu thuế đất của người dân ở khu vực này thì chính quyền cần phải đảm bảo quyền được sống yên ổn của người dân. “Không ai có thể yên tâm khi sống dưới một quả núi đá đang lơ lửng trên đầu. Nhà bị rung lắc khiến cho các mối liên kết hở ra, nứt toác thì thử hỏi làm sao không sợ cho được”, ông Tấn nói.
Cần đảm bảo quyền lợi cho dân
Ngày 4/6 vừa qua, Sở Công thương Quảng Nam đã có báo cáo về việc kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh của người dân. Tại báo cáo này, Sở Công thương kết luận có tình trạng đá rơi vào đất rẫy của ông Trần Ngọc Tuấn (tổ 2, thôn Thạnh Mỹ 2), rơi từ đỉnh núi cạnh nhà ông Tuấn (có cao độ +260m).
Công ty đã nhận trách nhiệm và cam kết sẽ phối hợp với người dân, chính quyền địa phương kiểm kê, bồi thường thiệt hại do đá rơi. Tuy nhiên, tảng đá này rơi do việc thi công bóc tầng phủ, chưa đủ cơ sở kết luận đá rơi do nổ mìn gây ra.
|
Bà Vương Thị Sử (53 tuổi) rất lo lắng khi mùa mưa bão sắp tới, việc nổ mìn liên tục sẽ làm mất liên kết đất đá |
Kiểm tra công tác an toàn trong quá trình nổ mìn khai thác, Sở Công thương kết luận khu vực được nổ mìn khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản số 46/GP-BTNMT ngày 26/3/2021 là 31,02ha; trong đó có khu vực đỉnh cao độ +260m là khu vực gần nhà dân và đường Hồ Chí Minh. Khoảng cách từ ranh giới mỏ đến nhà ở của hộ dân gần nhất khoảng 250m, cách đường Hồ Chí Minh khoảng 290m.
Qua kiểm tra thực tế khu vực đỉnh cao độ có độ dốc cao, không đảm bảo an toàn khi nổ mìn khai thác ở khu vực này.
Sở Công thương đề nghị chủ đầu tư xây dựng phương án khai thác cụ thể, phân kỳ thi công hợp lý để đảm bảo an toàn trong sản xuất, an toàn cho người dân xung quanh và thực hiện các giải pháp theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và bổ sung các giải pháp an toàn trong thiết kế cơ sở, thiết kế thi công.
Ngoài ra, đề nghị chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy định đối với việc đề nghị thu hồi đất để xây dựng kè chắn đá đã được duyệt trong dự án. Tăng cường thông báo, cảnh báo, cảnh giới an toàn khi thi công, rà soát các quy định về nổ mìn, thiết kế cơ sở toàn dự án để kiểm soát an toàn thi công…
|
Đại diện Tập đoàn ThaiGroup cho rằng, sau khi người dân phản ánh việc nổ mìn làm đá rơi thì họ đã dừng việc nổ mìn tại khu vực này |
Trao đổi về vấn đề này, ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, hồi cuối tháng 5 vừa rồi, sau khi các hộ dân phản ánh, huyện đã kiểm tra và đề nghị Công ty ThaiGroup phải xây kè chắn đá ở phía sau nhà của người dân để đảm bảo an toàn. Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với địa phương cùng ThaiGroup lập thủ tục liên quan theo quy định thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với diện tích nằm ngoài phạm vi an toàn trong quá trình thi công, khai thác.
“Dự kiến sẽ thu hồi khoảng 6ha đất của 14 hộ dân để xây dựng kè chắn, hào chống đá lăn nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong quá trình nổ mìn khai thác đá. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ các hộ dân ảnh hưởng do ThaiGroup chi trả. Quan điểm của huyện là nếu đúng công ty nổ mìn làm nứt nhà dân thì công ty phải chịu trách nhiệm đền bù cho họ”, ông Sơn thông tin.
|
Huyện đã kiểm tra và đề nghị Công ty ThaiGroup phải xây kè chắn đá ở phía sau nhà của người dân để đảm bảo an toàn |
Ở một diễn biến khác, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, đại diện của Tập đoàn ThaiGroup cho biết, hồi cuối tháng 5 vừa rồi, khi người dân tố công ty nổ mìn khai thác khiến đá lăn xuống rẫy nhà dân thì từ đó đến nay công ty đã dừng thi công tại khu vực đỉnh 260 (nơi người dân phản ánh nổ mìn cả ngày lẫn đêm). “Hiện chúng tôi đang thu hồi đất, đền bù cho dân để xây dựng kè chắn, hào chống đá lăn để đảm bảo an toàn. Việc người dân nói chúng tôi cho nổ mìn khai thác đá làm nứt nhà là không đúng thực tế”, người này cho biết.
Nguyễn Dương