Mẹ chồng chị bị tai biến đã hơn hai tháng, phép dư của năm trước, phép của năm nay chị đã dùng hết sạch, cô bé nhân viên phòng nhân sự còn đùa "chị sắp xài đến phép năm sau rồi", chị cười nếu công ty cho ứng thì chị ngại gì? Cũng may bệnh tình bà chuyển biến khá tốt.
|
Ảnh: Internet |
Chồng chị là con thứ, trên dưới còn chị gái em gái, hai người lấy chồng cũng gần nhà nên thường xuyên chạy qua chạy lại, chỉ chạy thôi, chứ không dừng, nghĩa là tranh thủ vào viện thăm mẹ chút rồi vội về đón con, cơm nước cho "bố con nó". Trong khi chồng chị đi làm về anh tạt vào đón con, hai bố con vào thăm bà nội ít phút rồi mang quần áo dơ về giặt. Anh còn đùa, anh giờ ra ngoài là “sói ca”, về nhà thành… sói trán khi một tay nấu cơm, một tay dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ phơi đồ, nhìn con học, nhắc con đi ngủ và sáng mai đánh thức con dậy cho con đến trường.
Chị cười, giờ mới hiểu vì sao mấy hôm trước anh cứ cầm tay chị, sờ sờ những vết chai trong lòng bàn tay. Thằng con mặt mũi buồn xo vì không được gần gũi mẹ, nói sao ngày nào mẹ cũng ở bệnh viện, mẹ không thương con! Chị đành an ủi chồng con chịu khó ít bữa chờ bà nội đỡ hơn thì xin xuất viện, chứ nằm viện hoài ăn uống tạm bợ, người ra người vào ồn ào, tâm lý không yên rồi nghe mùi bệnh viện càng mệt thêm.
Chị chỉ nói thế mà không hiểu sao lại đến tai của chị, em chồng. Hết giờ làm cũng là giờ thăm bệnh đông đúc, phòng bệnh đầy người thăm, hai người không thèm rào đón nói vỗ luôn: “Cô là con dâu, phải có bổn phận chăm lo cho giang sơn nhà chồng, mẹ chồng ốm mới mấy bữa mà cô than mệt than mỏi.”
Cô em chồng nhẹ nhàng hơn: “Hồi đó nhìn thấy đã cản rồi mà "ổng" không nghe, còn khen tháo vát biết điều...”
Chị ngỡ ngàng, bao ánh mắt nhìn sang chị, kể cả những bệnh nhân và người nhà của họ, những người chị đã quen thân hai tháng nay. Họ ngỡ ngàng, họ kinh ngạc, có người đứng dậy tính lên tiếng nhưng chị đã đi vội ra khỏi phòng bệnh.
Một mình ngồi giữa vườn hoa, chị lắc đầu cười một mình, ngay từ ngày quen anh, chị đã biết mình sẽ phải gánh cả "giang sơn nhà chồng" với hai đạo quân giặc Ngô một lớn một nhỏ. Chị nghĩ mình chưa một ngày xao nhãng, thế mà nay chị bị nhắc nhở về bổn phận và trách nhiệm.
Sáng sớm, lúc bác sỹ thăm bệnh, mẹ chồng chị nằng nặc đòi về nhà mặc chị khuyên, bác sỹ cũng nói bà nên ở lại bệnh viện thời gian nữa để theo dõi, bà không là không, nói bệnh tôi tôi hiểu, bác sỹ không cho thì bà sẽ trốn về, bà còn chỉ chị nói thẳng "đó là con dâu tôi, tôi nói đố cô ấy không nghe?". Bác sỹ đành đồng ý sau khi đã dặn dò kỹ lưỡng.
Ngạc nhiên hơn, vừa về đến cửa chị đã thấy vợ chồng chị hai, vợ chồng cô út cùng chồng chị đã có mặt ở nhà. Trái với vẻ mệt mỏi ở viện, mẹ chồng chị tiến đến ghế sofa, ngồi xuống và bảo đám con cùng ngồi. Không cần lời rào đón, bà nói luôn: “Tôi mời các anh chị đến đây, để nói chuyện này, mong các anh chị suy nghĩ và khi tôi nói, làm ơn đừng ngắt lời!”
|
Ảnh: Internet |
“Các chị, cả con gái con dâu đều từng mang thai chín tháng mười ngày và sinh con, tôi không nói sinh con trai tốt hơn con gái, vì con nào cũng rứt ra từ máu mủ xương tủy mình, con trai vừa sinh ra đời đã gánh trách nhiệm, lớn lên lại làm trụ cột gia đình, con gái chỉ được ở nhà mẹ chừng hai mươi năm rồi sang nhà người. Nhà người ấy không tốn bát cơm cốc nước, không tốn tấm áo manh quần, không tốn viên thuốc quả cam nhưng tự dưng lại được hẳn một cô con dâu. Chỉ vì cô ấy nhẹ dạ yêu con trai nhà người.”
“Người được, ắt có người mất, sao không nghĩ đến tình cảnh người "mất" mà nâng niu trân quý cô con gái nhà người đã thành dâu nhà mình, cô ấy gọi bố mẹ mình là bố mẹ, sinh con cho nhà mình, tự mình làm quen và cáng đáng thứ gọi là "giang sơn nhà chồng". Cô ấy, đáng được ngồi mâm trên, được tôn trọng và nâng niu, chứ không phải là con ở hay người giúp việc không công”.
“Tôi nói thế, để ai nghĩ phận làm dâu phải cong lưng quỳ gối thì nghĩ lại, và bản thân ở nhà chồng chưa được tôn trọng thương yêu thì xem lại. Và nếu có thứ gọi là giang sơn nhà chồng để gánh vác quán xuyến thì cô ấy chẳng có quyền gì quay về nhà mẹ để lên giọng dạy dỗ ai”.
|
Ảnh: Internet |
Ba người đàn ông ngơ ngác, chị gái và em chồng cúi mặt, chị mím môi ngăn mình khỏi rơi nước mắt nhưng mắt cứ cay sè. Phận làm dâu, chị đâu kêu ca một lời vì “thương chồng thương đến mụ gia”. Chị nhấp nhổm định ngăn mẹ chồng đừng nói nữa, nhưng bà chỉ liếc nhìn chị. Hai tháng, chứ ba hay bốn tháng, có phải ứng phép năm sau năm sau nữa hay nghỉ không lương, chị cũng vui lòng chấp nhận, vì mẹ chồng chị, người phụ nữ luôn lành lạnh ít nói đã thấy hết, hiểu hết. Từ ngày chị về nhà, bà có mắng có nhắc nhưng với lời lẽ thủ thỉ bảo ban.
“Hôm nay, tại đây, mẹ thay mặt con trai mẹ xin lỗi con, vì nó làm chồng mà không giúp được gì cho con. Vì mẹ đi đứng bất tiện nên thay vì ban đêm nó ở trong viện canh mẹ thì việc đó lại đẩy cho con. Mẹ cũng thay mặt hai đứa con gái xin lỗi con, vì những hỗn láo và những suy nghĩ thiển cận ngu ngốc của chúng. Hẳn mẹ dạy dỗ hai đứa nó chưa tốt”.
“Mẹ đừng nói nữa, con không sao...”
“Con không sao, không có nghĩa chúng nó không có lỗi, cảm ơn con đã về làm con mẹ, đã vất vả lo toan, dù con còn khá nhiều lỗi lầm, còn vụng về, nhưng hai tháng nay nếu không có con, mẹ không biết sẽ như thế nào. Những gì con làm, con trải qua, mẹ đều biết. Vì trước khi thành mẹ chồng, mẹ từng là con dâu”.
Phạm Khánh Hiền