Trước khi 'ném đá' thầy cô, xin hãy chậm lại vài giây…

18/09/2018 - 06:00

PNO - Đó là lời thỉnh cầu của một nhà giáo thâm niên khi mà nghề giáo bị bủa vây tứ phía, từ mạng xã hội đến đời thực.

Thầy kể, mở mạng lên sẽ thấy người ta rủa sả, mạt sát từ ông thầy đến trường lớp. Trên mặt báo ra đến ngoài đường phố cũng chỉ toàn nói chuyện xấu của làng giáo. Mà nghề giáo có phải chỉ toàn chuyện xấu đâu? Vốn dĩ không có nghề nào xấu, chỉ có người làm nghề trở nên méo mó, nhưng đâu phải là tất cả. Nước ta có cả triệu giáo viên, nên đừng để tất cả phải nghi ngờ cái nghề cao quý.

Truoc khi 'nem da' thay co, xin hay cham lai vai giay…
"Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương".

Bất kỳ ai cũng có quyền lên án cái chưa tốt nhưng xin đừng mạt sát, đạp đổ. Đừng làm tổn thương người thầy của con em mình. Trước khi nặng lời, hãy chậm lại vài giây để mà cân nhắc xem, thực tế có thật sự tệ như bạn nghĩ?

Mới đây, một một phụ huynh của trường tiểu học ở quận 5 than thở về việc "bất đắc dĩ nổi tiếng". Chuyện là đầu năm, vị phụ huynh này có mua giấy bao, tập, nhãn dán, bút, kéo, thước... của lớp. Tất tần tật hết 70 ngàn đồng. Thế rồi câu chuyện bị đẩy lên thành trường bắt buộc mua, bắt ép “đồng phục” cả bìa bao tập. Sự việc bị đẩy lên tới cấp quản lý ngành khiến giáo viên bị nhắc nhở.

Truoc khi 'nem da' thay co, xin hay cham lai vai giay…
Nghề nào cũng có người xấu người tốt, nhưng phần đông thầy cô giáo vẫn hàng ngày tận tuỵ với công việc

Vị phụ huynh "bất đắc dĩ nổi tiếng" cho biết: “Tôi chạy ra nhà sách, họ chỉ bán cả xấp bìa bao tập 10 hoặc 20 bìa, không có bán lẻ. Trong khi con tôi chỉ xài có 4 bìa, tính toán tới lui thì thấy mua trong trường tiện hơn, đủ cả bộ đồ dùng lắt nhắt cho con. Với lại, bản thân tôi không có điều kiện để đi nhà sách hoài, nên thấy tiện thì làm. Có thể ở trường nào đó bắt buộc nhưng tôi không bị. Phụ huynh lớp con tôi nhiều người cũng tự đi mua vì họ có nhiều con đang đi học, có thể chia nhau xài. Hơn nữa, thầy cô đi mua về dùm có chênh lệch vài nghìn cũng không đáng để bị lên án”.

Một vị hiệu trưởng vừa mới nghỉ hưu, khi “nghiền ngẫm” lại quá trình làm nghề, vẫn còn ám ảnh khi bị canh me tứ phía. Cô chua chát nói "sợi dây kinh nghiệm thật sự dài, rút hoài không hết". Chẳng là năm vừa rồi, trường không dám bán thứ gì đầu năm học vì sợ bị phản ánh, để phụ huynh tự ra ngoài mua từ bút mực, tập, sách và cả ghế nhựa cho học sinh ngồi dự các buổi lễ trong năm học… Giáo viên và trường chỉ đề xuất một số nhãn hàng, chủng loại. Thế nhưng lên mặt báo, nó trở thành chuyện lớn. “Gạch đá” bay tới tấp và hiệu trưởng là người phải đứng mũi chịu sào.

Truoc khi 'nem da' thay co, xin hay cham lai vai giay…

Làm gì để nụ cười còn mãi trên môi các thầy cô giáo là trách nhiệm của mỗi chúng ta 

Giờ đây khi đã nghỉ hưu, cô mới có dịp giãi bày: “Tôi được lợi gì khi mà phụ huynh tự đi mua bên ngoài, làm sao cửa hàng biết phụ huynh đó ở trường nào để chiết khấu cho tôi? Chẳng là tôi nghĩ nếu tất cả học sinh đều ngồi trên những dãy ghế giống nhau, bằng nhau thì sẽ đẹp mắt nên khuyến khích phụ huynh mua cùng loại; tập loại kẻ ô li nhỏ dễ cho học sinh tập viết nên mới đưa vào danh mục… Nhưng không ngờ nó trở thành bài học quá lớn cho tôi!”.

Không có nghề xấu, chỉ có người làm nghề trở nên méo mó. Nghề giáo cũng vậy, họ cần sự tin tưởng và vị tha của xã hội. Sự lên án cần đúng người đúng việc, có chừng mực. Cho nên, nếu muốn “ném đá”, xin bạn hãy chậm lại vài giây để bình tâm mà cân nhắc xem họ có thật sự tệ như bạn nghĩ?!

Thức Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI