Ngày hôm qua, 28/9, tại Nghệ An đã xảy ra 1 tai nạn đau lòng. Vào buổi trưa, một người phụ nữ lái ô tô đến trường THCS Thanh Dương, xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương đón con, khi lùi xe quay đầu ra về, đã va vào xe máy của 2 mẹ con phía sau. Vụ va chạm khiến bé gái đang học lớp Sáu tử vong.
Thời điểm xảy ra tai nạn là khoảng 11g30. Lúc này, giáo viên và học sinh trong trường về gần hết. Vì đường hẹp, nữ tài xế lùi xe quay đầu ở khoảng trống trước cổng trường, và tai nạn đau lòng đã xảy ra.
|
Cú lùi xe của người phụ nữ đã gây ra cái chết oan uổng cho một đứa trẻ |
Không hiểu sao người phụ nữ này lại chạy xe vào tận trường, rồi lại lùi xe ở cổng trường cứ làm như đây là chốn không người. Cô có thể đậu xe phía ngoài để vào đón con. Cũng là một người mẹ, đặc biệt là một cô giáo, lẽ nào cô không biết điều tối thiểu này? Cô cũng không biết làm sao để đảm bảo an toàn giao thông?
Dù vì bất cứ lý do nào, thì cô cũng đã tước đoạt mạng sống của 1 đứa trẻ. Sự vô ý thức của cô đã khiến 1 gia đình mất con.
Nếu biết mình lái xe kém, nếu biết mình không cẩn thận, biết mình không thể lùi xe, thì cô có thể đi xe máy, để không gây ùn tắc, không làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của những người trên đường. Trước khi cầm vô lăng lái xe, hãy nghĩ đến sự an toàn của người khác, tính mạng của người khác.
Nam hay nữ đều có thể phạm sai lầm trong quá trình lái xe. Nhưng có thể thấy rất nhiều vụ tai nạn ô tô đau lòng xảy ra mà người cầm lái là phụ nữ. Có rất nhiều lỗi được liệt kê là “những lỗi phụ nữ thường mắc phải khi lái xe”. Có thể về tâm lý phụ nữ thiếu độ nhạy, sự điềm tĩnh hơn. Ngoài ra cũng có thế dễ mắc các lỗi như: quên điều chỉnh gương, ngồi quá gần vô lăng, đi quá gần xe phía trước. Thậm chí, vì 1 sự lơ là nào đó hay có người mang giày cao gót, mặc váy dài lái xe mà không biết rằng đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đạp nhầm chân ga...
Chắc hẳn rất nhiều người còn nhớ vụ tai nạn ở ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TPHCM hồi năm 2018, khi ô tô BMW hất tung 5 xe máy chờ đèn đỏ. Vụ va chạm mạnh khiến 1 người tử vong tại chỗ và nhiều người bị thương trong khi xe ô tô vẫn lao về hướng cầu Sài Gòn và tiếp tục xảy ra va chạm với xe taxi. Nữ tài xế Nguyễn Thị Nga cho biết trước đó đã uống bia, và không làm chủ được tốc độ. Lực lượng chức năng đo nồng độ cồn của bà Nga. Kết quả, 0,94 mg/lít khí thở, vượt gần 4 lần mức cho phép là 0,25 mg/lít khí thở.
Và chắc hẳn cũng rất nhiều người còn nhớ vụ tai nạn liên hoàn ở Hà Nội khi nữ tài xế Vũ Thị Hồng Thái lái xe Mercedes đạp nhầm chân ga, đâm hàng loạt xe máy, xe đạp khiến 1 người chết tại gầm cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ. Nữ tài xế này sau đó cho biết, khi định đạp phanh dừng xe, thì vì mang giày cao gót và mất bình tĩnh nên đạp nhầm chân ga khiến xe tăng tốc, lao thẳng vào các xe phía trước gây tai nạn liên hoàn, 3 xe máy và 1 xe đạp bị cuốn vào gầm, 1 người tử vong.
Do có quá nhiều tai nạn xảy ra mà tài xế là phụ nữ, và nguyên nhân gây tai nạn vẫn thường là đạp nhầm chân ga vì đi giày cao gót, nhiều người có định kiến “bán xăng cho phụ nữ là tội ác”.
Thực ra, việc tài xế là nam hay nữ không quyết định việc người đó có ý thức khi tham gia giao thông hay không, cũng chẳng phải là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Chỉ là phụ nữ có nhiều thứ cần lưu ý hơn khi cầm vô lăng. Vấn đề chung khi xảy ra các vụ tai nạn, dù nam hay nữ cầm vô lăng gây tai nạn phần lớn xuất phát từ sự sự cẩu thả, coi thường tính mạng của người khác. Là phụ nữ hay nam giới, khi đã ngồi sau vô lăng, hãy nhớ rằng, có thể chỉ vì 1 phút thiếu kiểm soát, mất bình tĩnh hay không cẩn thận của mình, cũng có thể dẫn đến hậu quả đau lòng, có thể cướp đi sinh mạng của người khác.
Thanh Vân