Trước hòa đàm Geneva, hàng loạt tên lửa Mỹ biến mất ở Syria

14/03/2016 - 07:07

PNO - Hàng loạt tên lửa do Mỹ sản xuất “biến mất” ở Syria trước đàm phán, vũ khí đã được các bên tập kết sẵn sàng cho mọi khả năng.

Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) hôm 13/3 cho biết, Phong trào Mặt trận Al-Nusra liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã chiếm được nhiều căn cứ và thu giữ vũ khí của nhóm phiến quân Sư đoàn 13 thuộc lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) do Mỹ hậu thuẫn tại tỉnh Idlib, phía Tây Bắc Syria.

Theo báo cáo, 2 xe bọc thép thuộc FSA bị phá hủy và các tay súng buộc phải rời khỏi căn cứ, khiến 6 tay súng thiệt mạng, 40 người bị thương trong khi hàng chục người khác bị bắt làm tù binh, chỉ huy của Sư đoàn 13 cũng mất tích.

Truoc hoa dam Geneva, hang loat ten lua My bien mat o Syria
Phiến quân Al-Nusra đã cướp đi nhiều vũ khí.

Cả hai bên đều cáo buộc đối phương tấn công vào các căn cứ của mình trước. Sư đoàn 13 cho biết phiến quân Al-Nusra đã đột kích các căn cứ của họ và trộm cắp thiết bị vũ khí ở thị trấn Maarat al-Numan, tỉnh Idlib.

Thêm vào đó, Al-Nusra đã đánh đuổi nhóm này ra khỏi 3 thị trấn lân cận và thu giữ các tên lửa chống tăng do Mỹ sản xuất.

Cuộc đụng độ xảy ra chỉ một ngày trước khi các bên tham chiến tại Syria đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán hòa bình mới do Liên Hiệp Quốc làm trung gian diễn ra vào hôm nay 14/3 tại Geneva - Thụy Sĩ.

Việc hàng loạt tên lửa "biến mất" trước cuộc đối thoại hòa bình Syria có thể là một kế hoạch hoàn hảo cho một "kế hoạch B" khi hòa đàm thất bại.

Tại Trung Đông trước đàm phán, các bên cũng đã ngấm ngầm củng cố quân sự sẵn sàng đáp trả mọi động thái của đối phương khi xung đột Nga - phương Tây leo thang.

Theo RT ngày 6/3, khu trục hạm Smetlivy của Hạm đội biển Đen đã rời thành phố cảng Sevastopol ở miền TâyNam nước Nga và tiến ra Địa Trung Hải thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng, tàu khu trục Smetlivy dự kiến sẽ gia nhập lực lượng đặc nhiệm hải quân Nga tại khu vực này vào ngày 7/3.

Được biết, trước khi đến Syria lần này, hồi cuối năm 2015, chiến hạm Smetlivy đã được triển khai tới Địa Trung Hải và hoạt động gần bờ biển của Syria.

Ngoài ra, Nga còn bất ngờ trang bị tên lửa đối hạm Kh-35U cho cường kích Su-34 - một quyết định mang nhiều dụng ý của Nga tại Syria khiến phương Tây bất an.

Việc Nga trang bị tên lửa chống hạm trên Su-34 còn khá bất thường khi các mục tiêu IS ở Syria hoàn toàn nằm trong vùng nội địa và lực lượng này cũng không sử dụng tàu chiến.

Không chỉ Nga tăng cường lực lượng mà lực lượng thân Mỹ tại Syria cũng đã sẵn sàng khai hỏa bất chấp thỏa thuận ngừng bắn tại Syria đang có hiệu lực.

Mới đây, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENCOM) của Mỹ, Tướng Lloyd Austin ngày 8/3 cho biết Lầu Năm Góc muốn khôi phục hoạt động huấn luyện các tay súng đối lập Syria dưới lý do để chiến đấu chống lại IS. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ đưa vũ khí vào Trung Đông.

Theo nhận định của cựu nhân viên cơ quan tình báo MI6 của Anh: “Đây chỉ là một khoảng thời gian tạm nghỉ. Tôi không cho rằng đó là khởi đầu của sự kết thúc, mà là chuẩn bị cho một chương mới.

Các lực lượng do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi hậu thuẫn ở Syria đang sử dụng thời gian ngừng bắn để tập hợp lực lượng, tái trang bị và chuẩn bị cho các đợt tấn công mới.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, ngày 9/3, Lầu Năm Góc đã quyết định triến khai khoảng 100 phương tiện chiến đấu hạng nặng đến các nước Baltic, nhằm tăng cường khả năng "ngăn chặn sự gây hấn của Nga" trong khu vực này.

Như vậy, trước hòa đàm các bên đã sẵn sàng chủ động cho mọi tình huống có thể xảy ra. Bao gồm cả việc chuẩn bị vũ khí, triển khai quân sự.

Nam Nhân (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI