|
Trung tá Nguyễn Chí Thành tranh thủ mấy ngày nghỉ phép để dọn dẹp nơi làm việc |
Hạnh phúc xuất hiện giữa tang thương
Ngày thứ hai sau khi trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ, trung tá Nguyễn Chí Thành vẫn đến cơ quan dù được đơn vị cho nghỉ phép. Anh dành thời gian dọn dẹp hồ bơi và chăm sóc những chậu rau xanh trồng khắp các ban công đơn vị. Những mảng da cháy nám trên khuôn mặt anh bắt đầu bong ra. Vết trầy xước nơi hai bàn tay đang mọc da non. Anh nói, 10 ngày làm việc trong cái lạnh -6oC giữa trùng trùng khói bụi, phần lớn các anh em trong đoàn bị viêm chân lông.
“Trong thâm tâm chúng tôi, lúc nào cũng mong mình thất nghiệp” - anh bắt đầu câu chuyện. “21 năm làm công tác cứu hộ cứu nạn, chứng kiến bao cảnh tượng đau lòng, nhưng lần này đau thương ngoài sức tưởng tượng. 6 tỉnh và 10 thành phố của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ gần như bị chôn vùi trong đổ nát” - anh lắc đầu như để xua đi những hình ảnh đau thương.
Trung tá Thành cho biết, trước đó, theo dõi tin tức qua báo đài, biết được lời kêu gọi sự giúp đỡ quốc tế từ Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, anh và một số đồng đội đã “hườm hườm” ý nghĩ, mong muốn được góp một phần sức lực của mình để hỗ trợ nước bạn trong giai đoạn khó khăn. Do đó, khi PC07 nhận lệnh triệu tập gấp rút của Bộ Công an, anh nhận nhiệm vụ trong tâm thế sẵn sàng, nhưng vẫn không khỏi lo lắng bởi công việc lần này rất khác với những gì anh đã trải qua dù không ít lần, công tác cứu nạn cứu hộ đặt anh giữa lằn ranh sinh tử.
Đặt chân lên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, chứng kiến nỗi đau của người dân nước bạn, anh cùng đồng đội không còn những lăn tăn và quên đi những điều kiện làm việc khắc nghiệt dưới cái lạnh -6oC, không điện, không nước, thiếu lương thực, thực phẩm.
Anh tâm sự: “Trước đau thương, mất mát, không có chỗ cho sự phân biệt biên giới, quốc gia, dân tộc mà chỉ có tình người. Chúng tôi dốc 200% sức lực để làm sao cho nhanh, kịp thời mà an toàn nhất với mong muốn cứu được nhiều người nhất và đưa được nhiều thi thể ra ngoài để giảm bớt nỗi đau cho các gia đình, thân nhân của các nạn nhân”.
Và “màu xanh hạnh phúc” đã xuất hiện giữa màu xám tang thương khi các chiến sĩ đoàn cứu nạn Việt Nam cứu được một thiếu niên 14 tuổi khỏi đống đổ nát sau 6 ngày xảy ra thảm họa. Ngày 11/2, tại hiện trường đầu tiên trên đường 531, TP Adiyaman, các chiến sĩ Việt Nam làm việc liên tục từ 8 - 18g với tất cả trang thiết bị hiện đại nhất từ Việt Nam đưa sang.
Vào lúc đoàn chuẩn bị kết thúc ngày làm việc thì phát hiện dấu hiệu của sự sống phát ra từ máy dò sóng siêu âm. Những mệt nhọc, rã rời bị xua tan khi tín hiệu ngày càng rõ. Sau khi xác định vị trí nạn nhân bị mắc kẹt, trung tá Thành cùng đồng đội cho ngưng máy xúc, tập trung đào tay để tiếp cận nạn nhân an toàn. “Vừa đào, tôi vừa lên tiếng “Hello” thì nghe bên trong đáp lại “Hello”. Cứ đào được một lát, tôi lại hỏi “How are you?” thì bên trong đáp lại “I’m fine” dù giọng rất yếu ớt”.
Sau khi đào được 7m bê tông thì các anh tiếp cận được với căn phòng của nạn nhân. Được sự phối hợp của đội Pakistan, sau 2 giờ, các chiến sĩ đã rơi nước mắt khi cậu bé 14 tuổi được đưa ra ngoài. Cùng với đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của người thân.
Một hình ảnh khác khiến các chiến sĩ không thể nào quên là khi phát hiện thi thể của 4 người trong 1 gia đình ôm chặt lấy nhau, người vợ 1 tay ôm lấy đứa con gái khoảng 4 tuổi, người chồng ôm con trai, 2 tay còn lại họ ôm chặt lấy nhau. Một số đoàn cứu hộ đã tìm cách đưa họ ra ngoài nhưng không được.
“Cảnh đau lòng đó khiến tôi nhớ đến hình ảnh 2 mẹ con ôm chặt lấy nhau nằm sâu 30m dưới đáy sông Sài Gòn trong vụ chìm phà Dìn Ký, hay hình ảnh 2 mẹ con ôm chặt lấy nhau trong những vụ cháy mình từng tham gia cứu nạn. Tôi tình nguyện vào đưa họ ra. Tôi thì thầm khi đứng trước gia đình họ: “Tôi ở Việt Nam đến đây, muốn giúp đỡ các bạn. Hãy để tôi đưa các bạn ra ngoài”.
Sau đó, tôi tách được từng người và lần lượt đưa họ ra ngoài. Lúc làm nhiệm vụ, chúng tôi không biết sợ là gì. Nhưng đến khi đưa được người ra, quay lại nhìn hiện trường, tôi mới tự hỏi sao mình dám làm điều đó” - trung tá Thành nhớ lại.
|
Chiến sĩ PC07 tham gia công tác cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ |
Bài học lớn từ nghĩa vụ quốc tế
Là chiến sĩ trẻ nhất đoàn với 30 tuổi tròn và 5 năm làm công tác chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, thượng úy Nguyễn Nhật Phương cho biết anh rất sốc khi tiếp cận hiện trường, bởi qua truyền thông, không thể hình dung mức độ tàn phá của động đất. Xung quanh hiện trường cứu nạn cứu hộ, lúc nào cũng có thân nhân của những người mất tích ngóng đợi với ánh mắt đớn đau và hy vọng.
“Những lúc chúng tôi ra ngoài giải lao, bao giờ họ cũng đến bên để hỏi thăm và mong chúng tôi giúp đỡ. Vì khác biệt ngôn ngữ, chúng tôi chỉ giao tiếp với họ qua ánh mắt và nhờ sự trợ giúp của phần mềm dịch tiếng trên điện thoại. Cảm giác rất đau lòng” - thượng úy Phương nói.
Theo chia sẻ của thượng úy Phương, tham gia chuyến cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, với anh ban đầu chỉ là thực hiện trách nhiệm của đất nước, đơn vị giao phó, nhưng sau đó anh nhận thấy đó là niềm vinh dự và là một bài học lớn trong đời người lính. Vinh dự là bởi, anh cùng đồng đội đại diện cho đất nước để hai tiếng “Việt Nam” được người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế biết đến nhiều hơn trong những ngày vừa qua.
“Khi chúng tôi đến sân bay chuẩn bị về nước, đi đến đâu, người dân, các nhân viên trong sân bay đều đứng lên cúi đầu và đặt tay lên ngực trái, rồi vỗ tay cảm ơn rất nhiều. Họ đồng thanh hô vang “Việt Nam! Việt Nam!”. Trước đó, đoàn đi đến quán ăn. Khi tính tiền, không biết ông chủ quán nói gì mà mọi người xung quanh đứng dậy vỗ tay, họ nói chúng tôi từ Việt Nam đến giúp đỡ đất nước họ nên họ không lấy tiền. Gác nỗi đau sang bên, người dân Thổ Nhĩ Kỳ rất hòa đồng, hiếu khách” - thượng úy Phương kể.
Còn bài học lớn với anh là được chứng kiến, học hỏi kinh nghiệm cứu nạn, cứu hộ của nhiều nước cùng đến Thổ Nhĩ Kỳ tham gia nghĩa vụ quốc tế. Ngoài tinh thần, trách nhiệm luôn được đặt lên hàng đầu thì nơi đây còn tập trung các phương tiện cứu hộ tiên tiến nhất của thế giới.
Phương cũng chia sẻ, sau khi trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ, anh luôn suy nghĩ, phải cố gắng hoàn thiện bản thân, không ngừng tập luyện để nâng cao thể lực, kỹ thuật, chiến thuật để khi có sự cố xảy ra, người làm công tác cứu hộ có thể đến nhanh nhất, thực hiện động tác chuẩn nhất để có thể cứu người và giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.
Khẳng định nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng quốc tế, tình hữu nghị, tình người chính là chỗ dựa vững chắc nhất để người dân Thổ Nhĩ Kỳ gượng dậy trước thiên tai, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đoàn công tác cứu nạn Việt Nam đã tổ chức đi thăm hỏi người dân gặp nạn, tài trợ đồ ăn thức uống và 2 tấn thiết bị y tế.
“Hiện nay, các tổ chức quốc tế cũng kêu gọi tiếp tục hỗ trợ vật chất cho Thổ Nhĩ Kỳ để họ tái thiết đất nước. Một thế giới phồn vinh luôn đầy trắc ẩn, cần sự hỗ trợ, tương thân tương ái. Nhưng đứng trước mọi thiên tai, sức mạnh lớn nhất vẫn là sức mạnh nội sinh, do đó, chúng tôi mong mỗi người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phát huy sức mạnh tự thân, chung sức, chung lòng, đoàn kết vượt qua mất mát để bước vào giai đoạn tái thiết đất nước” - đại úy Nguyễn Trường Nam - thành viên đoàn cứu nạn Việt Nam vừa trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ - chia sẻ.
Huấn luyện cứu nạn cứu hộ phải được nâng cao và mở rộng ra những vấn đề quốc tế Sau chuyến cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi nhận thấy, trách nhiệm của người lính cứu nạn, cứu hộ phải được nâng lên để sẵn sàng cho những mối nguy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cả lực lượng, phương tiện và công tác huấn luyện cứu hộ, cứu nạn của chúng ta không nên chỉ xoay quanh những vấn đề trong nước mà cần mở rộng hơn những vấn đề mang tính quốc tế để không bị động khi thảm họa xảy ra. Tôi mong trong thời gian sắp tới, bài học cứu nạn cứu hộ động đất, núi lửa… sẽ được thêm vào các chương trình huấn luyện cho các lực lượng kế thừa. Trung tá Nguyễn Chí Thành |
Thu Lê