Trước đại dịch, hô hào suông nhường chỗ cho tinh thần sắp sẵn

12/02/2020 - 06:43

PNO - Câu chuyện bộ sinh phẩm phát hiện chủng 2019-nCoV có thể được sản xuất ngay trong tháng Hai này được tạo ra bởi thế “chân vạc” gồm quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu và đơn vị ứng dụng. Tất cả đã ở trong tư thế sẵn sàng từ trước đó rất lâu, hệt như phản ứng trong quy trình “báo động đỏ”, một khi đã bật lên, các khâu cứ thế ráp vào… chạy!

Thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt kinh phí để Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) phối hợp với một đơn vị trong nước thực hiện nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm phát hiện nhanh và sàng lọc vi-rút Corona chủng mới (2019-nCoV) phục vụ công tác phòng, chống dịch, khiến dư luận cả trong lẫn ngoài nước hết sức quan tâm. Đồng thời, ít ai biết rằng, trước nguy cơ dịch Corona bùng phát, để có được ứng phó khá kịp thời và hết sức quan trọng cho công tác kiểm soát sự lây lan vi-rút, các bên tham gia đã lập “đội hình” nhuần nhuyễn qua các công trình nghiên cứu trước đó.

Những bộ kit đầu tiên sẽ được cung ứng trong tuần này

Học viện Quân y cùng Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Q. Phú Nhuận, TPHCM) được giao trong hai tuần, kể từ ngày 7/2, nghiên cứu sản xuất 10.000 bộ sinh phẩm (kit test) phục vụ công tác chẩn đoán, phát hiện vi-rút Corona chủng 2019-nCoV hầu cung cấp cho các cơ sở y tế trong cả nước.

Quá trình nghiên cứu để đưa vào sản xuất bộ sinh phẩm xét nghiệm vi-rút corona 2019-nCoV tại phòng thí nghiệm của Công ty Việt Á - Ảnh: Quốc Ngọc
Quá trình nghiên cứu để đưa vào sản xuất bộ sinh phẩm xét nghiệm vi-rút corona 2019-nCoV tại phòng thí nghiệm của Công ty Việt Á 

Giải thích về nhiệm vụ “nóng hổi” này, thạc sĩ Nguyễn Thụy Dạ Thảo - Trưởng phòng Sản xuất Công ty Việt Á - cho biết, bộ kit được sản xuất bằng kỹ thuật sinh học phân tử RT-PCR và real-time RT-PCR, dựa trên các thông tin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố. Học viện Quân y chịu trách nhiệm nghiên cứu và chuyển giao quy trình cho Công ty Việt Á. Nội trong tuần này, công ty sẽ có những sản phẩm đầu tiên.

“Năng lực phối hợp của Học viện Quân y và Công ty Việt Á có thể hoàn toàn thực hiện để có kit sớm hơn, vì cả hai bên đã có những sự chuẩn bị từ trước tết nhưng vì lệ thuộc nhiều nguồn nguyên vật liệu gồm hóa chất, sinh phẩm nhập từ nước ngoài đang chậm hơn bình thường do dịch. Thông thường sau hai ngày đặt hàng là có và khi có nguyên liệu thì hai ngày sau chúng tôi có thể sản xuất các bộ kit”, bà Thảo nói.

Trả lời thắc mắc của chúng tôi, trước khi có các bộ kit nói trên, đến thời điểm hiện tại, các trung tâm của Việt Nam vẫn có thể phát hiện 15 ca dương tính với 2019-nCoV? Bà Thảo cho hay, các cơ sở lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng dựa trên các thông tin về trình tự primer (mồi) và list nguyên liệu của WHO, CDC để có thể tạm thời tự pha các test kit để sử dụng.

“Quy trình của chúng tôi được chứng nhận ISO-13485 là tiêu chuẩn dành cho sản xuất sản phẩm y tế. Ngoài bảo đảm sự ổn định, chuẩn mực, bộ kit còn đáp ứng sự tiện dụng "ready to use". Ngoài ra, trăm hay không bằng tay quen, chúng tôi đã có kinh nghiệm sản xuất các bộ sinh phẩm trong nhiều năm, cung cấp cho nhiều cơ sở y tế tại Việt Nam và một số nước lân cận. Việc sản xuất hằng ngày, dây chuyền luôn sẵn có, nguồn nguyên liệu lớn có thể cùng lúc cho ra hàng ngàn kit test, như vậy chất lượng đồng đều, ổn định và giá thành giảm đi nhiều”, bà Thảo giải thích.

Hiện chi phí xét nghiệm có thể lên đến khoảng 1 triệu đồng/test thì với bộ kit của Học viện Quân y và Công ty Việt Á sản xuất, chi phí chỉ còn 300.000 - 600.000 đồng/test, đồng thời, tối thiểu hóa sai sót do tính tiện dụng "ready to use".

Một số nhà khoa học trong nước cho rằng việc sản xuất bộ kit là không có gì mới. Bà Thảo gật gù: “Đối với kỹ thuật cao, nói Việt Nam làm được cái gì đó mà thế giới chưa làm được là chuyện không dễ. Như tôi đã nói, các guideline của WHO và CDC đã luôn đi trước, chúng ta có thể dựa vào đó để thực hiện và cố gắng tinh chỉnh cho tốt hơn, phù hợp với điều kiện Việt Nam”.

Chung vai với Việt Á, Công ty TNHH một thành viên Sinh hóa Phù Sa (Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ) cũng được giao phối hợp cùng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ và Viện Pasteur TPHCM nghiên cứu, chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng 2019-nCoV gồm 65 thiết bị xét nghiệm kèm 20.000 bộ kit tương tự.

Ông Ngô Quốc Nam - Giám đốc Công ty Phù Sa - cũng khẳng định, nguyên lý kỹ thuật đã có nhiều năm trước. Mới ở đây là hệ thống máy và bộ hóa chất lần này hoàn toàn do Việt Nam sản xuất. Thiết bị của công ty cho phép lấy mẫu bệnh phẩm (máu, đờm, nước bọt…) để phát hiện mầm bệnh. Và không chỉ áp dụng cho vi-rút Corona mà cho tất cả vi-rút nào cần tầm soát trên đối tượng có mang vật di truyền. Muốn tìm siêu vi nào, sẽ có bộ sinh phẩm tương ứng. Điều này còn giúp ứng phó với dịch ẩn đằng sau Corona là cúm gia cầm H5N1 đang có khả năng quay lại.

“Dịch bệnh ngày càng nhiều, ngày càng nguy hiểm. Việc có một hệ thống chẩn đoán bệnh tự sản xuất, tự cung ứng ở trong nước để không lệ thuộc nước ngoài do kinh phí cao, thiếu chủ động là hết sức cần thiết”, ông Nam nhận định.

Công ty Phù Sa sẽ sản xuất cuốn chiếu, để trong một tháng nữa có thể giao dần thiết bị và sinh phẩm. Trong hai tháng, sẽ giao đầy đủ cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Giá thành của 65 thiết bị và 20.000 bộ kit rẻ hơn 5-10 lần so với việc nhập từ nước ngoài, tức nhà nước chỉ cần bỏ ra 5-10 tỷ đồng, thay vì 30-40 tỷ đồng.

Xung lực lớn từ cơn đại dịch

Có thể thấy, đây không phải thời khắc bình thường cho cái thói quen “nộp đề tài nghiên cứu để kiếm tiền”. Cả nước đang đứng trước nguy cơ dịch bùng phát. Nhận trọng trách vào lúc này là một dũng khí. Bởi nó có thể một “lên mây xanh”, hai “xuống địa ngục” nếu chỉ một mảy may sơ suất.

Bên cạnh đó, niềm vui và hãnh diện không còn là của riêng các doanh nghiệp tư nhân như Việt Á hay Phù Sa, nó là sự kỳ vọng của cả xã hội vào hình mẫu cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu và ứng dụng.

Bà Thảo cho hay, phản ứng nhanh chóng giữa ba bên gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y và Công ty Việt Á không phải là “phát lệnh” mới xảy ra khi có dịch. Họ đã đồng hành và hài hòa cùng nhau qua nhiều công trình, dự án nghiên cứu trước đó. “Tư thế của chúng tôi phải nói là sắp sẵn mọi thứ. Phản ứng rất nhanh của ba cơ quan này không phải đùng một cái là có thể tạo ra thế kiềng ba chân như thế. Chúng tôi đã luôn trong tư thế sẵn sàng như một phản ứng trong quy trình báo động đỏ, khi bật lên là các khâu ráp vào chạy thôi”, bà Thảo nói.

Nếu không có sự sẵn sàng tạo ra thế chân vạc vừa linh hoạt, vừa vững chắc nói trên, theo bà Thảo, thì việc có thể sản xuất bộ kit xét nghiệm corona trong hai tuần là điều không tưởng.

Đồng quan điểm trên, ông Nam thừa nhận, nhờ có sự quyết liệt trước khủng hoảng dịch bệnh, bên cạnh sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan chức năng khác cũng vào cuộc tích cực. Thủ tục hải quan cho việc nhập cảng các linh kiện, hóa chất, sinh phẩm hiện đã rút ngắn đáng kể. Việc thông quan rất nhanh chóng.

Trong “đêm đen” dịch bệnh, tia sáng mang lại hy vọng lại là điều tích cực hiếm hoi dù đã được kêu gọi bấy lâu nay: hợp tác công tư. Từ đó cho thấy, nếu bất cứ nhiệm vụ nào nhằm phục vụ nhân dân, luôn được đẩy lên ngang bằng tinh thần chống dịch với tất cả sự quyết liệt, uyển chuyển và nhận thức trách nhiệm cao, ắt sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất cho đất nước trên mọi lĩnh vực. 

Việc phân lập vi-rút không mang ý nghĩa xét nghiệm

Ngày 7/2, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công vi-rút Corona chủng mới trong phòng thí nghiệm. Kết quả này được cho rằng sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm 2019-nCoV, như một số báo nêu, là chưa chính xác.

Theo các nhà chuyên môn, việc nuôi cấy, phân lập vi-rút là nhằm nghiên cứu về dịch tễ học, cơ chế lây nhiễm, tiền đề để tìm ra vắc-xin, giúp công tác dự phòng và tìm phương pháp điều trị trong tương lai. Các bộ sinh phẩm phục vụ công tác chẩn đoán, phát hiện có ý nghĩa lớn trong giai đoạn bùng phát dịch. Nó giảm thời gian phát hiện vi-rút. Ví dụ các bộ kit của Công ty Việt Á có thể cho kết quả trong bốn giờ từ lúc lấy mẫu, thay vì kéo dài nhiều ngày.

Tranh cãi RT-PCR hay RT-LAMP, test “nhanh” hay... “chậm”?

Theo các nhà chuyên môn, test nhanh chủ yếu dựa trên cơ chế protein, tức các chỉ dấu miễn dịch. Phải nghiên cứu rõ hoạt động cũng như quá trình lây nhiễm của vi-rút. Corona 2019-nCoV là chủng mới, nên chưa hiểu rõ về nó được.

Hơn nữa, bản chất của test nhanh là sàng lọc nên chỉ phát huy hiệu quả khi có bệnh, độ nhạy test nhanh thấp, không phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Như vậy, cho đến nay, đối với Corona, xét nghiệm dựa trên gen bằng kỹ thuật sinh học phân tử là lựa chọn duy nhất, bởi có thể phát hiện vi-rút rất sớm ngay từ lúc xâm nhập với độ nhạy rất cao và độ đặc hiệu gần như 100% - những vấn đề hết sức hệ trọng để tránh lây nhiễm.

Hiện có tranh cãi dùng kỹ thuật sinh học phân tử RT-PCR hay RT-LAMP cho kiểu gen RNA của vi-rút Corona 2019-nCov? Theo các nhà chuyên môn, các kỹ thuật này đều có thể có cách để rút ngắn thời gian, phát hiện nhanh. Tuy nhiên, thời gian và độ chính xác luôn tỷ lệ nghịch.

Chưa kể, có một thực tế, LAMP hay RT-LAMP ra đời cách đây tròn 20 năm, nhưng đến nay chưa hề được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán thường quy và chưa được các tổ chức uy tín chấp nhận. Trong khi đó, RT-PCR và real-time RT-PCR đã được ứng dụng rộng rãi hơn 10 năm nay và cũng được các tổ chức uy tín nhất thế giới như FDA Mỹ cấp chứng nhận dùng trong chẩn đoán thường quy (IVD), cũng như WHO và CDC Mỹ đưa vào guideline

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI