Trước chữ “dâu” là chữ “con”

24/02/2025 - 07:23

PNO - "Trước chữ dâu là chữ con. Mà đã gọi là con thì đứa nào cũng thương như nhau. Mình quan tâm, chăm sóc con dâu thì con mới có sức khỏe để dựng xây tổ ấm riêng..."

Theo dõi trên mạng xã hội hoặc trong các cuộc trò chuyện thường ngày, tôi bắt gặp nhiều tình huống vợ chồng lục đục vì mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Các nàng dâu thường nói mẹ chồng cổ hủ, khó tính và bênh vực con trai. Ngược lại, phía mẹ chồng lại chê con dâu sống quá ích kỷ, ham chơi, không biết nấu ăn, lười chăm sóc chồng con.

Giữa những thông tin tiêu cực ấy, tôi lại được chứng kiến những mối quan hệ cha mẹ chồng và con dâu hết mực yêu thương nhau. Sự yêu thương ấy không bằng những lời nói bóng bẩy hay cho vàng bạc, đất đai, nhà cửa, mà từ những điều giản đơn nhất.

Tôi nhớ cô Kim Loan kể về con dâu của cô: “Trước chữ dâu là chữ con. Mà đã gọi là con thì đứa nào cũng thương như nhau. Mình quan tâm, chăm sóc con dâu thì con mới có sức khỏe để dựng xây tổ ấm riêng, nhìn con hạnh phúc mình cũng yên lòng”.

Nghĩ như vậy nên từ ngày đầu đón chị Nguyễn Trinh về làm dâu, cô Kim Loan chưa từng gọi chị dậy sớm. Cô nói, công việc chị đi làm vất vả, cô ở nhà chỉ quanh quẩn việc nhà, vườn tược nên cứ để chị ngủ cho ngon giấc. Đến giờ dậy, chị chỉ việc ăn sáng rồi mang theo hộp cơm cô chuẩn bị sẵn cho buổi trưa dùng tại cơ quan.

Thi thoảng cuối tuần, cô đi chợ mua thêm vài món ngon mà chị đặc biệt thích. Vào mỗi dịp lễ, không chỉ để con dâu tặng quà mà cô luôn chuẩn bị cho chị những đồ dùng thiết thực, như đặt cho con dâu chiếc khăn len choàng cổ, mua vài bộ quần áo mặc nhà hoặc đôi găng tay chống nắng mà cô thấy chị mang đã cũ sờn.

Cô kể, mỗi lần đi đâu, chị Nguyễn Trinh đều khen mẹ chồng là số 1 khiến ai cũng vui lây. Và cô biết niềm vui ấy đến từ những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống hàng ngày.

Vợ chồng cô Kim Loan (rìa phải) hạnh phúc cùng con cháu
Vợ chồng cô Kim Loan (rìa phải) hạnh phúc cùng con cháu

Hay như lần về quê chồng cùng cô em đồng nghiệp Ngọc Chi tại miền Tây, tôi không khỏi xúc động với hình ảnh bác Chín - ba chồng của Ngọc Chi. Ông lấm lem bùn đất khi vừa lội dọc mương ruộng hái bình bát chín vì biết con dâu thích ăn loại quả này.

Ngọc Chi kể, thi thoảng cha mẹ chồng lại chuẩn bị gạo, thịt, rau quả, trái cây mang ra bến xe, gửi lên thành phố cho vợ chồng em. Đợt nào gia đình nhỏ về thăm nhà, ông bà lại tất tả sáng sớm ra chợ mua cá lóc hay xuống ruộng hái rau đắng về nấu món cháo mà em thích nhất rồi chơi cùng hai đứa cháu để vợ chồng em có khoảng thời gian riêng.

Hễ nghe tin cháu bệnh đau, ông bà đóng cửa nhà, khăn gói lên thành phố phụ chăm sóc để con yên tâm làm việc.

Ông Chín - cha chồng của Ngọc Chi bên con cháu ( ảnh tác giả cung cấp)
Ông Chín - cha chồng của Ngọc Chi (thứ hai từ trái sang) bên con cháu (ảnh tác giả cung cấp)
Ngọc Chi và mẹ chồng của em (ảnh tác giả cung cấp(
Ngọc Chi và mẹ chồng (ảnh tác giả cung cấp)

Ngọc Chi chia sẻ, 10 năm về nhà chồng, chưa một lần em có cảm giác mình là con dâu. Cha chồng là người kiệm lời, chẳng bao giờ Chi nghe cha tức giận, mắng la con cháu. Nhớ một đợt Chị bị cảm cúm, trong khi mẹ chồng nấu nồi cháo thịt bằm nóng hổi để em ăn mau lại sức thì cha chồng xách xe đạp đi một vòng quanh xóm để hái lá xông. Từ lá bưởi, lá hương nhu, ngũ trảo, lá tre... đến cây sả, củ gừng… ông gom lại rồi nhóm lửa, nấu một nồi lá thơm ngát cho con dâu xông giải cảm.

Những tình cảm ấy khiến Ngọc Chi luôn thoải mái khi về quê chồng mà không phân biệt nhà mình hay nhà chồng.

Thiết nghĩ mối quan hệ nào cũng vậy, luôn cần vun bồi từ đôi bên. Trước chữ “dâu” là chữ “con” và trước chữ “chồng” là chữ “mẹ”. Việc 2 thế hệ sống hòa hợp không hề dễ dàng, nhưng vì xem nhau là ruột thịt và từ những sự quan tâm, trò chuyện, sẻ chia hàng ngày sẽ giúp những thành viên trong gia đình thấu hiểu, gắn kết để yêu thương nhau...

Ngọc Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI