Trước căng thẳng ngoại giao với Mỹ, du học sinh Trung Quốc chọn sang Nhật, Hàn Quốc và châu Âu

09/07/2019 - 13:39

PNO - Mắc kẹt giữa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sinh viên Trung Quốc đang tìm kiếm điểm đến du học thay thế, góp phần làm giảm nguồn thu quan trọng cho các trường đại học Mỹ.

Trung Quốc chiếm gần một phần ba số sinh viên nước ngoài tại các cơ sở giáo dục của Mỹ, góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế, nhưng từ tháng 3/2019, số lượng sinh viên gốc Trung Quốc lần đầu tiên suy giảm trong một thập kỷ.

Theo một số chuyên gia tư vấn tuyển sinh và nhiều phụ huynh, học sinh được AFP phỏng vấn, việc trì hoãn visa, lo ngại về khả năng ngừng các dự án nghiên cứu và an toàn cá nhân khiến sinh viên Trung Quốc ngừng mặn mà với sứ xở cờ hoa.

Một cuộc khảo sát của nhà cung cấp giáo dục tư nhân hàng đầu, New Oriental tại Trung Quốc cho biết các cường quốc giáo dục đối thủ như Anh, Úc và Canada là những nơi hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại.

Nhật Bản và Hàn Quốc điểm đến du học truyền thống dành cho giới thượng lưu Trung Quốc, một số khu vực ở châu Âu, đặc biệt là Đức và các nước vùng Scandinavi với những chương trình kỹ thuật mạnh mẽ, cũng bắt đầu có sự gia tăng hồ sơ tuyển sinh từ Trung Quốc.

Truoc cang thang ngoai giao voi My, du hoc sinh Trung Quoc chon sang Nhat, Han Quoc va chau Au
Sinh viên Trung Quốc chiếm 1/3 tổng số du học sinh tại Mỹ, đóng góp hơn 13 tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2018.

Quá trình hạ nhiệt bắt đầu từ giữa năm 2018, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cắt giảm thời hạn visa của sinh viên trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ từ năm năm xuống còn một năm đối với một số trường hợp.

Gu Huini, người sáng lập công ty tư vấn đại học Zoom In nói: "Bây giờ có rất nhiều sự không chắc chắn về việc sinh viên có thể hoàn thành việc học của mình hay không",.

Theo Viện Giáo dục Quốc tế tại New York, hơn một phần ba trong số khoảng 360.000 sinh viên Trung Quốc tại Mỹ nằm trong khối "lĩnh vực STEM", bao gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Nhưng số dữ liệu từ Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ cho thấy lượng sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đã giảm 2% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm trước, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2009.

Melissa Zhang, một học sinh trung học ở Bắc Kinh, cho biết cô đã từ bỏ kế hoạch đến Mỹ và tập trung trau dồi tiếng Đức, với hy vọng tham gia một chương trình chế tạo robot ở thành phố Dresden.

Cô gái 17 tuổi đề cập đến bài kiểm tra tiêu chuẩn cần thiết để vào trường đại học ở Mỹ: "Tôi đã lãng phí một năm để chuẩn bị cho SAT của mình. Nhưng việc đi đến Mỹ có ích gì nếu tôi có thể bị loại khỏi phòng thí nghiệm nghiên cứu, chỉ vì tôi là người Trung Quốc".

Mingyue, mẹ của Melissa, cho biết: "giấc mơ Mỹ đang mất dần hào quang đối với nhiều sinh viên Trung Quốc. Nếu nước Mỹ khiến họ cảm thấy không được chào đón, họ sẽ đi nơi khác ... thế hệ này cảm thấy cả thế giới đều mở cửa cho họ".

Theo NAFSA: Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế, sinh viên Trung Quốc đã đóng góp 13 tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2018, con số bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt,. Các trường đại học hàng đầu của Mỹ bao gồm Yale và Stanford phàn nàn rằng cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng đến việc tuyển dụng tại trường.

Rafael Reif, chủ tịch của Viện Công nghệ Massachusetts, viết trong một bức thư ngỏ vào ngày 25/6 rằng các sinh viên và giảng viên cảm thấy "bị đối xử không công bằng, bị kỳ thị và xa lánh vì họ có nguồn gốc Trung Quốc".

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết quá trình giám sát nghiêm ngặt hơn vì một số lượng lớn sinh viên hoạt động như tình báo nước ngoài trong khi ở Mỹ.

Eric Wang, 25 tuổi, một sinh viên tiến sĩ tại đại học Purdue ở bang Indiana, cho biết anh rất lo lắng về việc phải gia hạn visa hàng năm: "Thật khó để lên kế hoạch cho các dự án nghiên cứu dài hạn hoặc thậm chí nghĩ về việc ổn định với bạn gái của bạn".

Truoc cang thang ngoai giao voi My, du hoc sinh Trung Quoc chon sang Nhat, Han Quoc va chau Au
Nhiều sinh viên và giảng viên gốc Trung Quốc cảm thấy bị phân biệt đối xử, thậm chí không chắc chắn về vị trí của mình trên đất Mỹ.

Tổng thống Trump đã cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi của sinh viên Trung Quốc sau khi đạt được thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào đầu tháng 7, nói rằng họ sẽ được đối xử "giống như bất kỳ ai khác".

Ông cũng đề xuất đặc cách "người thông minh" nhằm giúp những người có trình độ dễ dàng nhận Thẻ xanh cho phép cư trú vĩnh viễn.

Ngược lại, một cảnh báo du lịch của chính phủ Trung Quốc hồi tháng 6/2019 ghi rằng "bạo lực súng và cướp" ở Mỹ khiến học sinh trung học và phụ huynh quan ngại.

Li Shaowen, người tổ chức các chuyến tham quan trường đại học nước ngoài nói: "Truyền thông nhà nước đưa ra các báo cáo về tội phạm ở Mỹ, và các gia đình, đặc biệt là từ các thành phố nhỏ của Trung Quốc cảm thấy nước Mỹ không an toàn".

"Chúng tôi có hơn 250 gia đình đến thăm các trường đại học ở châu Âu và Vương quốc Anh trong kỳ nghỉ hè này, trong khi chỉ có 75 gia đình chọn đến Mỹ. Con số này đảo ngược hoàn toàn so với năm ngoái".

Học sinh và phụ huynh Trung Quốc bắt đầu săn lùng các trường đại học từ hai đến ba năm trước khi hết hạn nộp đơn. Dorothy Mae, một nhà tư vấn đại học độc lập ở Bắc Kinh nói: "Cánh cửa ngày thu hẹp. Các trường đại học Mỹ sẽ ít thấy sinh viên từ Trung Quốc trong vài năm tới".

Ngọc Hạ (Theo Japan Today, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI