Trung và Tây Phi có nhiều binh lính trẻ em nhất thế giới

25/11/2021 - 16:00

PNO - Hơn 21.000 trẻ đã được các lực lượng chính phủ và nhóm vũ trang tuyển dụng tại Trung và Tây Phi, nơi xảy ra nhiều xung đột, trong 5 năm qua, theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

Trung và Tây Phi hiện đang là khu vực có số lượng binh lính trẻ em cao nhất thế giới, đồng thời khu vực này cũng có nhiều nạn nhân bạo lực tình dục tuổi vị thành niên nhất, theo một báo cáo của UNICEF được công bố hôm 23/11.

Trung và Tây Phi hiện có số lính trẻ em cao nhất thế giới, theo UNICEF
Trung và Tây Phi hiện có số lính trẻ em cao nhất thế giới, theo UNICEF

Báo cáo cho biết, kể từ năm 2016, khu vực này đã bị tác động mạnh bởi xung đột ngày càng gia tăng, trong đó hơn 21.000 trẻ đã được các lực lượng chính phủ và các nhóm vũ trang tuyển mộ.

Ngoài ra, hơn 2.200 trẻ ở Trung và Tây Phi đã được xác minh là nạn nhân của nạn bạo lực tình dục trong 5 năm qua. Khu vực này cũng ghi nhận khoảng 3.500 trẻ bị bắt cóc, trở thành khu vực có số vụ bắt cóc cao thứ 2 trên thế giới, trong khi đã có ít nhất 1.500 vụ tấn công vào trường học và bệnh viện.

Tính chung, UNICEF cho biết, hơn 57 triệu trẻ trong khu vực đang cần hỗ trợ nhân đạo, và con số này đã tăng gấp đôi so với năm 2020 do hậu quả của xung đột và đại dịch COVID-19.

“Cho dù là mục tiêu trực tiếp hay trở thành con tin của các vụ bắt cóc, trẻ em ở Trung và Tây Phi cũng đều đang bị kẹt trong các vụ xung đột, đối mặt với bạo lực và sự bất an. Các bên tham gia xung đột vi phạm nghiêm trọng quyền của các em, và đó là điều không thể chấp nhận được.

Tình trạng này tác động tiêu cực đến khả năng học tập, làm việc, xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa, và đóng góp vào sự phát triển cộng đồng và quốc gia của các em”, ông Marie-Pierre Poirier - Giám đốc khu vực Trung và Tây Phi của UNICEF - lên tiếng.

Theo báo cáo, từ năm 2005, khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã xây dựng một hệ thống giám sát và báo cáo về các vụ vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em (như tuyển dụng cho các lực lượng vũ trang, bắt cóc, hãm hiếp, tấn công các trường học và bệnh viện), cứ 4 vụ vi phạm loại này xảy ra trên toàn cầu thì có 1 vụ ở Trung và Tây Phi.

Tại các quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi xung đột như Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi, Cameroon, Chad, Congo, Mali, Mauritania và Niger, bạo lực đã gây ra những hậu quả tàn khốc về mặt nhân đạo đối với trẻ em và cộng đồng, và đại dịch đã làm tình hình trầm trọng thêm, LHQ cho biết.

“Trẻ em có liên quan đến các nhóm vũ trang thường trở thành nạn nhân của những hành vi “bạo lực ở mức độ không thể chịu đựng được”. Các em thường phải gánh chịu các các hành vi vi phạm như bắt cóc, bạo lực tình dục và xâm hại thể xác trước hoặc sau khi được tuyển dụng vào các lực lượng này”, bà Virginia Gamba - Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Trẻ em và xung đột vũ trang - chia sẻ với hãng tin Associated Press.

LHQ kêu gọi các bên tham gia xung đột ngăn chặn và chấm dứt các hành vi vi phạm đối với trẻ em, và các hung thủ phải chịu trách nhiệm. Cơ quan này cũng đề nghị các nhóm viện trợ tăng cường đóng góp, nhằm phục vụ cho việc thu thập tài liệu liên quan các hành vi vi phạm, cũng như thực thi giải pháp ngăn chặn và ứng phó với các hành vi này.

UNICEF cho biết quỹ này cần hơn 92 triệu USD để bảo vệ trẻ em trong các trường hợp khẩn cấp ở toàn khu vực Trung và Tây Phi, nhưng hiện chỉ mới nhận được một nửa số này từ các nguồn tài trợ.

Nhất Nguyên (theo Al Jazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI