Trưa 8/3, lách qua khu vực nhà ga quốc nội đông nghịt người, tôi tiến đến ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Trước khi vào bên trong khu nội bộ ghi nhận tình hình kiểm soát dịch ở khu vực cửa khẩu, kẻ đang đội cả trưa nắng mùa khô bỗng lạnh toát người, bước vội khỏi sảnh ga đến, đang vắng vẻ đến khó tin.
|
Ga quốc nội tại sân bay Tân Sơn Nhất,TPHCM trưa 8/3 vẫn tấp nập kẻ đến người đi sau thông tin Việt Nam có những ca nhiễm mới - Ảnh: Quốc Ngọc |
Tờ khai dựa trên tinh thần… tự giác
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, cho biết, đến chiều 6/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và Bộ Y tế đã có công văn số 1097/BYT-DP yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện áp dụng tờ khai y tế đối với khách nhập cảnh từ hoặc đi qua các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Campuchia tại tất cả các cửa khẩu. Tính từ 0g ngày 7/3 đến chiều 8/3, cửa khẩu Tân Sơn Nhất tiến hành khai báo y tế điện tử cho khoảng 20.000 hành khách nhập cảnh.
Việc khai báo, theo ông Tâm, có thể áp dụng một trong hai hình thức, qua tờ khai theo mẫu phát sẵn (địa chỉ để lấy tờ khai qua internet: http://baocaokdyt.com) hoặc khai báo điện tử.
“Khách có thể sử dụng các thiết bị di động quét mã QR để truy cập vào giao diện tờ khai điện tử hoặc gõ đường link như truy cập website và có thể tiến hành khai báo ngay tại nơi xuất phát trước khi lên máy bay, trong lúc ngồi chờ chuyến bay.
Sau khi khai báo đầy đủ, khách ấn nút nộp tờ khai và nhận lại một mã số của riêng mình. Khi máy bay đáp xuống Việt Nam, khách trình mã cho nhân viên kiểm dịch y tế mặt đất kiểm tra trên hệ thống. Ai đã khai đầy đủ xem như đạt yêu cầu. Đối với khách chưa kịp hoàn thành trước đó, chúng tôi đã bố trí sáu máy tính phục vụ khai báo tại chỗ”, ông Tâm nói.
Khái niệm “vùng dịch” đến lúc này đã khá rộng về mặt địa lý, với hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm COVID-19. Theo ông Tâm, hiện duy trì kiểm soát “người về từ vùng dịch” hòng có thể áp dụng kịp thời các hình thức cách ly theo nhiều cấp độ khác nhau. Ví dụ, ai về từ vùng dịch mà có triệu chứng thì chắc chắn phải vào viện cách ly triệt để và làm xét nghiệm ngay tại cửa khẩu.
“Tại đây, chúng tôi còn có bác sĩ ở các cơ sở y tế hỗ trợ khám sàng lọc để điều tra kỹ hơn nhằm áp dụng mức độ cách ly và xử lý những người liên quan. Còn khai báo thì thống nhất trên toàn quốc để nắm thông tin của tất cả hành khách về Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế. Các dữ liệu từ tờ khai sẽ chuyển về các địa phương để quản lý tất cả những người nhập cảnh vào ngày nào, di chuyển ra sao, ngồi cùng ai, đi chung với ai… cần truy xuất thì ra liền các thông tin đó”, ông Tâm cho hay.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, việc thực hiện tờ khai lại hoàn toàn dựa trên tinh thần tự giác của hành khách. Các cơ quan chức năng cũng thừa nhận, có nhiều thông tin do chính người đó khai trung thực mới bảo đảm đầy đủ và chính xác. Cực kỳ khó nếu ai đó đã cố tình “giấu” tình trạng sức khỏe hoặc lịch trình đi lại.
Có thể thấy ngay trước mắt một dẫn chứng từ ca nhiễm thứ 17. Cô gái N.H.N. (P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) đã về Việt Nam từ Anh ngày 2/3. Lúc này, giả dụ ban chỉ đạo quốc gia đã cho thực hiện tờ khai y tế thì việc “phát hiện” cũng khó khả thi nếu người bệnh giấu lịch trình. Đến lúc này, chúng ta chỉ biết N. có qua Ý nơi đang bùng phát dịch COVID-19. Một điều cũng hết sức lo ngại, khi hiện tại, các thách thức nói trên đến từ các chuyến bay quốc tế đang được quan tâm, còn các chuyến bay quốc nội vẫn tấp nập và hầu như chưa có biện pháp khả dĩ trong kiểm soát, theo dõi.
Các ca đi chung với “bệnh nhân 17” đã vào TPHCM và các tỉnh trên các tuyến vận chuyển trong nước. Tại P.Cầu Kho, Q.1 (TPHCM) có ít nhất hai người liên quan đang phải cách ly tập trung, nhiều người khác phải tự cách ly tại nhà kèm theo dõi sức khỏe. Đáng chú ý khi chủ tịch phường này cho hay, trong danh sách những người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân N.H.N. mà phường nhận được từ ban chỉ đạo chống dịch không có người Việt mang quốc tịch Úc hiện đang cách ly (?). Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM thì khẳng định, đã căn cứ trên danh sách của chuyến bay để gửi về địa phương.
|
Hoạt động khai báo y tế bắt buộc tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM - Ảnh: Quốc Ngọc |
Dịch bệnh chuyển sang giai đoạn hai?
Theo dõi ca nhiễm thứ 21 tên N.Q.T. - người ngồi cùng dãy ghế với “bệnh nhân 17” trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Hà Nội ngày 2/3, lịch trình và số người gặp trực tiếp hoặc có tiếp xúc gần với ông T. cho đến khi ông này được phát hiện dương tính vào ngày 7/3, sẽ thấy dù cho có lạc quan đến mấy, chúng ta cũng khó có thể nghĩ rằng các trường hợp nhiễm tiếp theo sẽ dừng lại. Theo lý thuyết, nếu xuất hiện ca bệnh không có bất cứ điểm liên quan nào đến ca thứ 17, nghĩa là chúng ta đã có bệnh nhân từ cộng đồng, tức dịch sẽ chuyển sang giai đoạn hai.
Có thể hiểu ba giai đoạn như sau. Giai đoạn một, chỉ xuất hiện ca bệnh có yếu tố dịch tễ rõ từ vùng dịch như hiện tại. Giai đoạn hai, có ca bệnh cộng đồng như tại Anh và Mỹ, lúc này vẫn còn có thể kiểm soát. Và giai đoạn ba “outbreak”, số ca bùng phát và mất kiểm soát như Hàn Quốc, Ý và Iran hiện nay.
Về mặt dịch tễ, các đánh giá mới nhất của bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM) - một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trên mặt trận chống dịch bệnh càng cho thấy khó khăn chồng khó khăn. Theo ông, việc xét nghiệm những người tiếp xúc gần với ca thứ 17 chỉ có giá trị cách ly những người này sớm hơn một chút mà thôi. Âm tính không có nghĩa là không còn nguy cơ, bởi hết nguy cơ phải qua ngày thứ 15.
Một số bệnh viện tại TPHCM đã chủ động triển khai nhanh các biện pháp kiểm soát dịch ở mức độ “cao hơn thông thường”. Tại Bệnh viện Nhân Dân 115, các máy tầm nhiệt đã được triển khai theo hình thức “hai lớp”, tức tại các cổng bệnh viện và tại các khoa phòng. Điều này giúp cho việc sàng lọc, cách ly kịp thời.
Cả nước, nhất là ngành y tế, đang làm hết sức mình để chống lại cơn ác mộng mang tên corona biến chủng này. Thái độ trung thực từ người dân, đến các cấp quản lý, chính là thái độ của thời dịch COVID-19. Bên cạnh các biện pháp và kỹ thuật giúp kiểm soát tình hình lây lan, cách ly, điều trị, chúng ta sẽ chiến thắng như đã “thắng trận đầu tiên” nếu biết cậy vào sức mạnh không mất tiền mua, đó là trách nhiệm trung thực trước bản thân, gia đình và Tổ quốc.
Bộ Y tế chính thức xác nhận Việt Nam có 30 ca nhiễm COVID-19
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 18g40 ngày 8/3, thế giới đã ghi nhận 106.346 trường hợp mắc bệnh COVID-19 tại 101 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 3.600 trường hợp tử vong (Trung Quốc: 3.097 và ngoài Trung Quốc: 503). Số trường hợp mắc ghi nhận tại Trung Quốc là 80.695 tại 31/31 tỉnh, thành phố. Số mắc tại các quốc gia khác là 25.651 trường hợp (trong đó Hàn Quốc: 7.313, Iran: 5.823, Italia: 5.883, Pháp: 949, Đức: 847).
Tại Việt Nam, tính đến 19g30 ngày 8/3 ghi nhận 30 trường hợp mắc, trong đó có 16/30 trường hợp đã điều trị khỏi và ra viện; 14 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện. Tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ 2.062; tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly: 100 (trong đó: số mới trong ngày: 85, số cũ đang theo dõi, cách ly: 15). Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 18.497 (trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện: 531, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.144, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 9.882). Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 2.168 (số mẫu dương tính: 30, số mẫu âm tính: 2.138).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc sau:
Họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 8/3; chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và các địa phương điều tra dịch tễ các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính, xác minh người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính, khoanh vùng xử lý ổ dịch và cách ly theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc; tiếp tục triển khai khai báo y tế điện tử với tất cả hành khách nhập cảnh Việt Nam.
|
Quốc Ngọc