PNO - Cậu con trai than vãn: "Trung thu thì có gì hay? Con thấy bánh trung thu ăn thì mập, lồng đèn thì cũng chỉ bọn mẫu giáo ưa thích". Tôi đã bối rối nhớ về những tết Trung thu xưa...
Với các con bây giờ tiệc tùng các loại liên miên suốt năm, bánh trái đèn hoa đã quen mắt. Quả thật Trung thu không còn quá đặc biệt.
Tôi luôn nhớ những ngày Trung thu ấu thơ. Với lũ trẻ trong khu tập thể nghèo ven sông chúng tôi, tết Trung thu cực kì đặc biệt. Hiếm nhà có thể sắm sanh một mâm cỗ đầy đủ bánh trái chờ trăng lên, mà thường những đứa nhỏ như thể đã hẹn nhau từ mùa nào đó, góp mỗi đứa một ít bánh trái bố mẹ mua cho từ chiều. Đứa góp na, đứa góp ổi, góp hồng, đứa phong bánh dẻo, đứa gói bánh đậu xanh… Vậy là có hẳn một mâm cỗ đầy đặt ở mảnh sân chung.
Những đêm trung thu trở nên ý nghĩa hơn khi gắn kết tình thân gia đình. Hình: internet.
Hầu như luôn có mặt người lớn đầy đủ các bố, mẹ trong bữa tiệc Trung thu của lũ trẻ. Không nói ra nhưng lũ trẻ ít nhiều có cảm giác mình có một vị trí quan trọng, rất khác so với bình thường. Một hai đứa khéo tay nhất tham gia cùng người lớn bày bánh trái. Này là quả na mắt tròn xoe, quả bưởi biến hình thành chú cún lông xù, những quả hồng khoe làn da căng bóng... Và dĩ nhiên, đứa nào cũng hãnh diện khi đứng trước một mâm cỗ đầy vì chúng nhìn thấy có một phần của mình trong đó.
Đêm Trung thu, các bà mẹ trong khu tập thể gác hết những lo toan thường nhật lại, bỏ luôn những chương trình phim dài tập hấp dẫn đang theo dõi, xúm xít nhau cùng bày trò chơi cho lũ trẻ khi chờ trăng lên. Tôi vẫn nhớ như in những vở kịch chị Hằng chú Cuội mà một mẹ dàn dựng đủ vai cho tất cả lũ trẻ tham gia. Lúc là chị Hằng và chú Cuội đón trăng trong một cánh rừng. Ngoài hai nhân vật chính là chị Hằng và chú Cuội, còn có những nhân vật phụ như sóc - nhảy nhanh nhất rừng, thỏ - xinh đẹp nhất rừng, sư tử - dũng mãnh nhất rừng… Dù là vai phụ nhưng có những cái nhất ấy nên bất kể chỉ chạy qua sân khấu vài vòng đứa nào đứa nấy đều vui lòng khi dù gì cũng được làm "diễn viên".
Trung thu không thể thiếu đèn ông sao. Đủ loại đèn do mỗi bố, mẹ có một cách làm đèn khác nhau để chỉ dạy cho con đã chuẩn bị từ trước đó. Hầu như cách làm đều rất đơn giản: Đèn ông sao chỉ cần buộc, cột theo hướng dẫn, cắt và dán giấy bóng đủ sắc màu lên. Đèn quả trám làm từ lon bia, mấy cậu con trai mạnh tay cắt dọc thân lon và đập dẹp xuống, xâu dây vào là xong.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng hầu hết thành phẩm đều bị… xộc xệch, các bố, mẹ phải sửa lại kỹ lưỡng. Có đứa có ba mẹ khéo tay thì có thêm lồng đèn con cá, con bướm, lồng đèn kéo quân rất bắt mắt. Trời xẩm tối, chờ trăng lên, những lồng đèn được thắp nến lung linh cả một vùng hồn nhiên.
Lồng đèn được lũ trẻ rước đi vòng quanh những dãy nhà cấp bốn trong khu tập thể. Gió sông thổi lên mát rượi. Trăng thu chênh chếch trên cao. Tiếng cười chen tiếng nói khúc khích rộn ràng. Mẹ tôi luôn dành riêng vài trái cây sau khi phá cỗ để cả đám con nít mang qua biếu ông Ngọc.
Ông Ngọc bị khiếm thị do đạp trúng mìn thời bé xíu nên thường chỉ loanh quanh trong căn phòng tầm hơn 10 mét vuông, nhận xay bột cho cả khu tập thể. Ông thổi sáo hay vô cùng. Buổi tối rảnh, ông vẫn thường thổi sáo. Âm thanh lúc réo rắt, lúc nỉ non ngập tràn căn phòng nhỏ, lan xa cả không gian xung quanh. Tôi vẫn mơ hồ cảm giác những đêm trăng sáng tiếng sáo của ông hay hơn thường lệ. Có lúc tôi hình dung ra ánh trăng và tiếng sáo như quyện vào nhau theo gió bay tràn trong không gian mênh mông.
Ông Ngọc thường dành tặng mấy bản nhạc réo rắt tươi vui tặng đám trẻ đến thăm tới tận gần khuya, khi chúng bắt đầu buồn ngủ. Đám trẻ luôn ngạc nhiên vì dù không nhìn thấy nhưng ông luôn nói ông biết trăng hôm nay thật đẹp.
Mỗi Trung thu đến, khi nhìn vầng thu ngọt dịu, hình ảnh những cây đèn xộc xệch giản đơn, tiếng sáo của ông già mù, tiếng cười khúc khích trong veo năm nào vẫn vọng về trong tôi, gần lắm.
Trung thu xưa giản đơn nhưng ấm áp bởi có tình yêu thương, sự chăm chút của người lớn. Ảnh minh hoạ
Hạnh phúc của trẻ vốn đơn giản. Đó là khi chúng cảm thấy rằng mình quan trọng, khi chúng được sẻ chia, được quan tâm… Hết thảy những điều ấy đặc biệt tràn ngập trong những đêm rằm tôi đã có. Không phải cứ mâm cao cỗ đầy, bánh xịn đèn đẹp mới làm nên những đêm Trung thu ý nghĩa. Tôi tin chắc điều đó vì đã đi qua nhiều mùa Trung thu nghèo nàn về vật chất nhưng ấm áp vô cùng.
Lũ trẻ đã lớn lên trong những đắp bồi phù sa yêu thương, sự trân trọng, sự sẻ chia mà người lớn đã cho. Nhưng, điều ấy, giữa cuộc sống dư dả vật chất hôm nay, làm sao cho trẻ hiểu được hết ý nghĩa của tết Trung thu; làm sao để mọi đứa trẻ nhận biết rõ quyền được yêu thương, nâng niu, tôn trọng - không dễ! Nếu chỉ có lồng đèn, bánh kẹo ê hề, thậm chí khu phố thuê diễn viên đóng kịch chị Hằng chú Cuội, hay cha mẹ đủ tiền thuê cả đội trống lân tưng bừng đi nữa, mà người lớn vẫn ôm điện thoại hoặc bận bịu nơi nào xa tít, thì con trẻ cũng vẫn câu than thở: "Trung thu chẳng có gì vui!".