Trung thu cận kề, nỗi lo pin đồ chơi phát nổ

15/08/2022 - 06:31

PNO - Vụ nổ pin đồ chơi khiến bé trai mười tuổi tại Quảng Ninh phải nhập viện trong tình trạng bị thương khắp người khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại về chất lượng của các sản phẩm cho thiếu nhi, đặc biệt trong dịp tết Trung thu đang cận kề.

Đồ chơi chạy bằng pin chiếm lĩnh thị trường

Còn gần một tháng nữa mới đến tết Trung thu nhưng thị trường đồ chơi cho trẻ em đã sôi động và náo nhiệt. Trên phố Hàng Mã (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) - thủ phủ đồ chơi tại Hà Nội - các món hàng truyền thống như đèn giấy, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi vẫn được bày bán nhưng “lép vế” so với “ma trận” các loại đồ chơi hiện đại.

Đồ chơi gắn pin “chiếm lĩnh” thị trường mùa Trung thu
Đồ chơi gắn pin “chiếm lĩnh” thị trường mùa Trung thu

Chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, các cửa hàng chỉ bán theo thị hiếu của khách hàng. Đồ chơi hiện đại nhập từ nước khác về dù giá cao hơn nhưng vẫn bán được nhiều hơn. Thực tế cũng cho thấy các khách hàng “nhí” chỉ quan tâm tới các loại đồ chơi bắt mắt này. Một số đồ chơi Trung thu đang “hot” hiện nay đều sử dụng pin, như lồng đèn cầm tay, mặt nạ, bờm nhựa có gắn đèn nhấp nháy; các loại đồ chơi dành cho trẻ nam như súng, kiếm phát ra âm thanh và ánh sáng rất bắt tai, bắt mắt.

“Chúng tôi vẫn phục vụ các mặt hàng truyền thống, nhưng do tiêu thụ chậm hơn nên vẫn phải theo xu thế tiêu dùng của “thượng đế”, lựa chọn bán các mặt hàng hiện đại có âm thanh, màu sắc rực rỡ, các loại đèn phát sáng” - chủ cửa hàng nói.

Trên phố Lương Văn Can, tại các cửa hàng đồ chơi, các loại ô tô, máy bay điều khiển cũng đang chiếm ưu thế. Ngoài sử dụng pin tiểu thông thường, các loại đồ chơi điều khiển từ xa có tốc độ cao đều sử dụng pin sạc. Giá của các sản phẩm dùng pin sạc đắt hơn những sản phẩm dùng pin thường.

Một xe ô tô đồ chơi chạy pin thường có giá từ 200.000-300.000 đồng thì các xe dùng pin sạc có giá lên tới 300.000-500.000 đồng. Điều đáng nói là hầu hết các mặt hàng đồ chơi này đều có xuất xứ “made in China”, không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. 

Trên các trang thương mại điện tử, khi tìm kiếm ô tô đồ chơi, hầu hết các sản phẩm đều có bộ điều khiển từ xa và được nhập khẩu từ Trung Quốc với đủ mẫu mã, màu sắc, hình dáng và mức giá rất khác nhau, từ 100.000 đồng tới gần 1 triệu đồng. Các loại phụ kiện như pin sạc cho các món đồ này cũng được bán lẻ, có nhiều loại công suất khác nhau như 3.6V, 7.4V, 11.1V... giá chỉ từ 15.000 - 200.000 đồng.

Cẩn trọng với pin sạc không rõ nguồn gốc

Trong khi thị trường đồ chơi còn hết sức “bát nháo” và “hên xui” về chất lượng thì mới đây, một tai nạn thương tâm do đồ chơi gây ra tại tỉnh Quảng Ninh khiến nhiều phụ huynh hết sức lo lắng. Theo thông tin từ phía Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh), trẻ nam mười tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng vết thương khắp mình.

Các loại pin sạc đồ chơi thường có nguy cơ cháy nổ cao hơn pin tiểu thông thường
Các loại pin sạc đồ chơi thường có nguy cơ cháy nổ cao hơn pin tiểu thông thường

Trước đó, trong lúc trẻ đang chơi đồ chơi thì pin phát nổ. Các mảnh vỡ bóng đèn trong đồ chơi đã văng vào người, găm vào tay, bụng, đùi... của trẻ. Đặc biệt, ở vùng bụng của cháu bé, mảnh vỡ cắm cả vào gan khiến máu chảy nhiều. Các bác sĩ phải phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật tại các vị trí tổn thương, nối gân ngón tay cho trẻ. 

Theo thầy giáo Mai Văn Túc (Đại học Quốc gia Hà Nội), các loại pin tiểu thông thường khá an toàn, ít có khả năng gây cháy nổ do điện trở lớn. Nhưng với pin sạc, điện trở cực nhỏ, đi cùng với công nghệ chế tạo đặc biệt nên chỉ cần chập mạch hay xảy ra các sự cố như nhiệt cao do chạy quá tải, rơi vỡ... thì hóa chất trong pin chảy ra ngoài có thể gây nổ, cháy rất dễ dàng. “Loại pin này cực kỳ nguy hiểm, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ dùng” - vị chuyên gia nói. 

Theo các chuyên gia, các loại pin trôi nổi có thành phần nguyên liệu thường không tinh khiết, không qua kiểm định, đánh giá chất lượng, lẫn tạp chất nên kém an toàn, nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, các sản phẩm chính hãng thường thử nghiệm kỹ, xác suất xảy ra ít hơn.

“Với các món đồ chơi như máy bay điều khiển từ xa hay một số loại có tốc độ cao, các loại pin tiểu thông thường sẽ không đủ công suất mà phải sử dụng pin sạc. Khi lựa chọn cho các con, các phụ huynh nên mua hàng có nguồn gốc rõ ràng, lựa chọn các đơn vị sản xuất uy tín để hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn” - chuyên gia Mai Văn Túc nói.

Ông cũng khuyến cáo, không nên sử dụng đồ chơi quá lâu khiến máy và pin bị nóng, nên để đồ chơi xa các nguồn nhiệt cao nhằm phòng tránh cháy nổ. 

Các bác sĩ của Bệnh viện Bãi Cháy cũng cảnh báo, trên thực tế, có rất nhiều trường hợp trẻ chơi đồ chơi không rõ nguồn gốc, chất lượng kém và phát nổ dẫn đến những tổn thương nặng nề. Không chỉ gặp các chấn thương phần mềm, nhiều bệnh nhân còn để lại di chứng nặng nề như tổn thương thủy tinh thể, mù mắt, cụt ngón, cụt bàn tay hoặc chân, thậm chí tử vong tại chỗ.

Do đó, nếu muốn cho bé chơi những đồ chơi có sử dụng pin như ô tô, trống, kèn, đèn lồng phát sáng… các bác sĩ khuyên nên sử dụng loại có gắn vít ở chỗ lắp pin để bé không thể tự tháo, lắp được. Đồ chơi có pin phải đặt xa những nơi có nguồn nhiệt cao, tránh va đập mạnh, nếu có dấu hiệu hư hỏng cần loại bỏ.

Cha mẹ cũng nên giám sát các thiết bị phải sạc pin, khi pin đầy nên rút dây cắm sạc, tránh sạc quá nhiều đôi khi làm pin quá tải và gây nổ. Phụ huynh cũng cần nhắc trẻ không được vừa sạc pin vừa chơi đồ chơi. 

H.Anh - Bảo Khang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI