edf40wrjww2tblPage:Content
Không đạt chuẩn vẫn xếp hạng nhất
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP thực hiện thường quy các xét nghiệm tìm vi-rút viêm gan B, C, HIV, bệnh giang mai và sử dụng các hóa chất để thực hiện xét nghiệm kiểm tra nguồn nước, thực phẩm cho người dân.
Cơ sở này còn đảm nhận xét nghiệm mẫu bệnh phẩm từ các cơ sở y tế gửi về: tìm ký sinh trùng sốt rét, sốt xuất huyết, các chủng vi-rút gây bệnh cúm (cúm A/H1N1, cúm gia cầm A/H5N1…), vi khuẩn đường ruột E.coli, vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy cấp.
Trong quý I/2014, TT đã xét nghiệm cho hơn 2.000 ca HIV và đã phát hiện trên 800 ca dương tính, gần 40 ca xét nghiệm tìm vi-rút viêm gan B, trong đó có hai ca dương tính và đã lấy mẫu xét nghiệm tìm vi khuẩn gây dịch tiêu chảy cấp xảy ra tại huyện Bình Chánh. Bên cạnh đó, TT cũng thực hiện các xét nghiệm dịch vụ cho các cơ sở y tế như lấy mẫu vi sinh không khí tại bệnh viện (BV)…
Dù khối lượng công việc rất lớn và nguồn nước thải mỗi ngày phải xử lý hơn 10m3 nhưng TT vẫn sử dụng hệ thống xử lý nước thải thông qua bể tự hoại ba ngăn theo tiêu chuẩn cũ, đã lạc hậu so với quy định hiện nay của ngành y tế là quy chuẩn 28:2010/BTNMT (gọi tắt là quy chuẩn 28).
Sở Y tế TP.HCM từng cảnh báo: “Theo quy định, trước khi xả thải vào hệ thống thoát nước công cộng, các cơ sở y tế trong quá trình hoạt động phát sinh nguồn chất thải lỏng cần phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy chuẩn 28”.
Tháng 4/2012, UBND TP đã ra văn bản số 1882/UBND-VX về việc xử lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế. Theo đó, UBND TP chỉ đạo từ tháng 6/2012, tổ công tác liên ngành gồm Sở Y tế, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên môi trường), PC 49 - Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP.HCM) cần tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở y tế tại TP. Cơ sở nào chưa thực hiện xong các hệ thống xử lý nước thải y tế thì nhắc nhở và điều chỉnh.
Thế nhưng, TTYTDP không những không bị nhắc nhở mà ngược lại, tháng 10/2014, TT còn được Sở Y tế xếp đạt hạng 1 theo kết quả xếp hạng lại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP, bao gồm cả tiêu chí cơ sở hạ tầng.
Điều bất ngờ hơn nữa là vào ngày 19/8/2014, Sở Y tế ra công văn số 4802 “về việc tăng cường công tác quản lý chất thải y tế”, giao TTYTDP TP tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn TP và báo cáo Sở nếu phát hiện các cơ sở này vi phạm.
Vậy, nơi nào sẽ báo cáo công tác xử lý nước thải y tế của TTYTDP cho Sở? Hệ thống xử lý nước thải đều “có vấn đề”, nhưng BV Tai Mũi Họng TP bị nhắc nhở, còn TTYTDP lại không.
Nhìn vào “kết quả” mà BV Tai Mũi Họng thải ra môi trường sống của người dân do không vận hành hệ thống xử lý nước thải, nhiều người lo ngại nước thải sau xử lý của BV này có hàm lượng COD (lượng oxy có trong kali bicromat dùng để oxy hóa chất hữu cơ trong nước) vượt 47,8 lần, BOD (lượng oxy cần để oxy hóa các chất hữu cơ trong nước bởi vi sinh vật) là 53,8 lần, TSS (tổng chất rắn lơ lửng trong nước) là 25,1 lần, NH4+ (ammonium) vượt 6,7 lần, S2 (lưu huỳnh) vượt 2,4 lần so với quy chuẩn 28.
UBND TP đã yêu cầu BV này phải xử lý lại hệ thống nước thải trong giai đoạn 2014-2015. Trong khi đó, TTYTDP cũng chỉ sử dụng hệ thống xử lý nước thải cũ, làm sao đảm bảo không thải những chất độc hại ra môi trường?
Không lường được hết nguy hại
Trao đổi với báo Phụ Nữ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TTYTDP TP khẳng định: hệ thống nước thải y tế của TT là bể tự hoại, chưa đạt chuẩn 28, nhưng nguồn nước thải ra bên ngoài đã được xử lý hết, không để lây nhiễm ra môi trường. Nguyên nhân khiến TTYTDP chậm triển khai hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ mới là do thủ tục hành chính khiến mất nhiều thời gian.
Hiện, dự án đã xây dựng, đang nộp hồ sơ, chờ Sở Tài nguyên môi trường thẩm định xong sẽ thi công. Việc xử lý chất thải của TT sẽ thực hiện theo công nghệ mới AAO (xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ bằng vi sinh, đảm bảo xử lý triệt để theo tiêu chuẩn cao nhất đối với nước thải y tế), dự kiến với công suất xử lý 20m3 nước thải/ngày.
Tuy nhiên, một chuyên gia về xử lý nước thải y tế lập luận: “Nói quy trình xử lý nước thải cũ của bể tự hoại không gây ô nhiễm môi trường là không đúng. Nếu đã đảm bảo an toàn thì cần gì thay hệ thống xử lý nước thải mới? Hệ thống xử lý nước thải dạng bể tự hoại ba ngăn là công nghệ vi sinh, lắng lọc chất thải, yếm khí… chỉ mới đảm bảo không tạo nguồn lây bệnh về vi sinh, chứ chưa chú ý đến mùi hôi. Đồng thời, độ lý hóa của nguồn nước thải ra môi trường như: hàm lượng chất sắt, độ pH (tính axít, bazơ), BOD… thì không khắt khe như quy chuẩn 28. Làm sao bể tự hoại có thể phân hủy được hàm lượng chất sắt, BOD…
Do đó, theo chỉ đạo 2038 của Thủ tướng Chính phủ, phải xây dựng lại hệ thống nước thải theo chuẩn mới với nguồn nước y tế thải ra bên ngoài không gây mùi, đảm bảo an toàn với môi trường. Sở dĩ trước đây các cơ sở xây dựng hệ thống bể tự hoại là vì đất rộng nên không chú ý đến mùi hôi của nước thải. Mùi hôi cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hiện nay, phải dùng các công nghệ mới theo quy chuẩn 28 để các chất thải được xử lý tốt hơn nhờ các chất xúc tác, kỹ thuật khuấy lọc mới”.
Cũng theo chuyên gia này, quy chuẩn 28 quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số và các chất gây ô nhiễm trong nước thải y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, có nhiều tiêu chí khắt khe hơn như: phát hiện và đếm vi khuẩn coliform, vi khuẩn coliform chịu nhiệt và E.coli… Nếu TTYTDP không đầu tư ngay mà cứ tiếp tục xử lý nước thải bằng hóa chất sẽ không lường được hết nguy hại cho môi trường.
Nhóm PV CT-XH