PNO - Sau hai đợt bùng phát dịch COVID-19 trong hai năm 2020-2021, số trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM chỉ còn lại 20% so với trước đó. Những con đường có nhiều trung tâm ngoại ngữ ngày nào giờ chỉ còn lại những tấm biển báo cho thuê mặt bằng nằm chễm chệ.
Trước khi được phép mở cửa trở lại vào đầu năm 2022, các trung tâm ngoại ngữ (TTNN) ở TPHCM đã có kỳ “nghỉ đông” kéo dài những tám tháng khiến phần lớn số TTNN đóng cửa hẳn do không còn đủ tiềm lực tài chính để duy trì. Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM - cho biết sau dịch, có khoảng 80% TTNN ngưng hoạt động hoặc giải thể.
Nhiều trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM đối mặt với không ít khó khăn
Không nhà đầu tư nào nỡ cắt phăng đi những cơ sở mà họ đã nhọc công tốn của gầy dựng, nhưng họ không thể kham nổi tiền thuê mặt bằng, tiền lương cho giáo viên, nhân viên. Một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục có yếu tố nước ngoài cho hay: “Sau dịch, có thể thấy rõ, TTNN càng lớn, càng nhiều chi nhánh thì càng dễ chết. Chúng tôi từng tham gia xây dựng chương trình cho một hệ thống TTNN lớn với hàng chục cơ sở trên khắp cả nước nên biết thông tin rằng, hệ thống này đang “giãy chết”. Chi phí để duy trì hệ thống quá lớn nên nhiều TTNN buộc phải trả hàng loạt mặt bằng; giáo viên, nhân viên bỏ đi do bị nợ lương nên sau dịch, không có người dạy. Hàng loạt giáo viên người nước ngoài đã bỏ TTNN, nhảy sang làm việc ở các hệ thống trường quốc tế bởi họ nhận thấy, những hệ thống giáo dục ngoài giờ không thể bền vững. Bởi vậy, các TTNN đã khó càng thêm khó”.
Trước đợt dịch giữa năm 2021, TTNN SAS đã phát triển, phủ khắp nhiều tỉnh, thành, từ TP.HCM đến đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung. Nhưng đến giữa mùa dịch, những cơ sở này bỗng dưng biến mất, đến chủ đầu tư cũng chẳng ai tìm thấy. Học viên hoang mang vì mất tiền, người lao động bị nợ lương mà không biết cầu cứu ai. Giờ đây, những địa chỉ từng có hàng loạt cơ sở của TTNN này ở quận Gò Vấp, quận 12 đã gỡ bảng hiệu, thay vào đó là những tấm biển cho thuê mặt bằng.
TTNN Pixar cũng từng có 3-4 cơ sở ở TPHCM, được nhiều phụ huynh các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú đăng ký cho con em lứa mầm non, tiểu học vào học giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, chủ đầu tư không còn cung cấp dịch vụ giáo dục cho người học như cam kết. Phụ huynh đã khởi kiện chủ đầu tư của TTNN này ra tòa để đòi lại học phí.
Hệ thống TTNN lớn như Apax Leaders cũng lâm vào tình cảnh khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài. Sau đợt dịch, nhiều nhân viên, giáo viên các cơ sở từ Bắc chí Nam của Apax Leaders liên tục gửi thư, hẹn nhau đến trụ sở công ty để đòi khoản lương bị nợ.
Khó tìm lại thời vàng son
Nhìn những biển hiệu của các TTNN dần biến mất, nhiều người tin rằng, TTNN không thể tìm lại thời vàng son, kể cả ở TPHCM - nơi được mệnh danh là đất sống của các TTNN. 80% cơ sở đóng cửa chưa phải là tỷ lệ cuối cùng. Những đơn vị còn duy trì hoạt động hiện vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn.
Nhiều trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM đóng cửa, tháo bảng hiệu, mặt bằng cho thuê - Ảnh: Tiêu Hà
Ông Nguyễn Long - Hiệu trưởng TTNN Dương Minh, trung tâm có tiếng trong hàng chục năm qua - cho hay sau đợt dịch, số lượng học viên đăng ký học lại chưa nhiều, phụ huynh còn e dè, phải lo xử lý vướng mắc trong trường phổ thông trước đã: “Nếu so với lúc chưa có dịch thì số học viên đi học trở lại chưa đến 50%, hẻo lắm. Chúng tôi phải gồng gánh suốt chín tháng và đến nay, có những lớp chỉ còn 3-4 học viên nhưng mình cũng phải giữ, nếu không giữ thì sẽ mất vì khi đã mất rồi thì không hoạt động được nữa. Bù lỗ từ tháng 5/2021, đến tháng 3/2022 mới có thu nhưng vẫn chưa đủ bù chi. Lương của giáo viên, nhân viên được đảm bảo. Trong thời gian dịch, họ vẫn được hỗ trợ tiền để duy trì cuộc sống”.
Ông cho biết, Dương Minh phải đóng cửa một trong 16 cơ sở; số học sinh ở cơ sở trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú sẽ chuyển sang các cơ sở ở quận Tân Bình hoặc quận 6 tùy lựa chọn của phụ huynh. Thường những học sinh cấp nhỏ sẽ đi theo giáo viên, còn người lớn thì khó giữ hơn bởi chỗ nào thuận tiện thì họ đến. Hiện nay, Dương Minh chưa thể bố trí giáo viên người nước ngoài đứng lớp do thù lao cao, sĩ số học sinh lại thấp, phải bù lỗ. Khi sĩ số học sinh ổn định hơn, trung tâm mới bố trí giáo viên nước ngoài đứng lớp.
Từ tháng 3/2022, số ca mắc COVID-19 không ngừng tăng lên khiến các TTNN vừa có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 2 lập tức chững lại. Hiện nay, số đông phụ huynh vẫn chọn phương án chờ, chưa cho con tham gia các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường như trước đây khiến số lượng học viên đến các TTNN chỉ lác đác.
Đại diện hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) thông tin, VUS vẫn duy trì được 43 cơ sở và chuẩn bị có thêm một cơ sở nữa, nhưng cũng gặp không ít khó khăn bởi phụ huynh chưa sẵn sàng cho con đi học. Trong mùa dịch, VUS mất đi một lượng học viên. Khi trường mở cửa trở lại, số mắc COVID-19 khá nhiều nên học sinh cũng chưa dám vào học.
Ngoài những khó khăn trên, các TTNN còn phải đối mặt với nhiều vấn đề, một trong số đó là khan hiếm giáo viên người nước ngoài. Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn - Giám đốc điều hành Tập đoàn Giáo dục Equest - nguồn giáo viên, đặc biệt là các giáo viên nước ngoài, đang thiếu trầm trọng. Đó là do suốt nhiều tháng qua, các TTNN giảm bớt nhân sự, nhiều giáo viên nước ngoài trở về nước. Trong khi đó, thủ tục nhập cảnh cũng như sự đãi ngộ chưa hấp dẫn khiến họ ngại trở lại Việt Nam.
Chủ đầu tư một tổ chức chuyên cung cấp chương trình dạy tiếng Anh tại TP.HCM cho hay, chi phí và thủ tục nhập cảnh cho một giáo viên nước ngoài về Việt Nam hiện nay khá cao và nhiêu khê. Nhiều đơn vị nhỏ sẽ không có quota để tuyển đủ giáo viên cần thiết nên sẽ đi chiêu mộ người của đơn vị khác, tạo nên một cuộc cạnh tranh trong tuyển dụng giáo viên bản ngữ. Đó là chưa kể, sau đại dịch, không ít giáo viên chưa sẵn sàng quay lại làm việc sau khi trở về nước.
Cần thời gian và cách thức mới
Trả lời câu hỏi “TTNN có thể hưng thịnh trở lại không”, kể cả những nhà đầu tư cũng nghĩ rằng không thể. Nhưng thị trường giáo dục này sẽ phát triển bằng một hình thái khác so với cách thức giáo dục truyền thống. Những TTNN truyền thống sẽ dần thu hẹp lại bởi qua đại dịch COVID-19, nhà đầu tư nhận ra rằng, chẳng có gì ổn định, chắc chắn.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn nhận định, sau dịch, các TTNN sẽ có biến đổi mạnh mẽ; số lượng trung tâm sẽ giảm đáng kể, tính cạnh tranh về địa điểm, cơ sở vật chất cũng sẽ giảm theo. Các TTNN cũng sẽ bớt phụ thuộc vào việc phải dạy trực tiếp. Hình thức dạy kết hợp giữa online (qua mạng) và offline (tại trung tâm) sẽ phổ biến hơn. Học viên và phụ huynh sẽ dần nhận thấy không nhất thiết phải đến trung tâm mới có thể giỏi ngoại ngữ. Về dài hạn, trung tâm nào chuyển đổi số nhanh với chi phí đột phá và thuận tiện cho người học sẽ chiến thắng trong cuộc đua mới. Khi đó, cái khó về việc “sở hữu” giáo viên nước ngoài cũng không như hiện nay, không bị bó hẹp bởi điều kiện địa lý, họ có thể ở tại bản quốc và dạy cho học sinh ở Việt Nam hay bất cứ đâu.
Đại diện VUS chia sẻ, hiện nay, VUS vẫn tiếp tục dạy và học bình thường trên môi trường trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Việc chuyển đổi từ trực tuyến về trực tiếp cũng được thực hiện như lúc chuyển đổi ban đầu, sẽ từ từ và khoa học. Kể cả khi đã có thể dạy 100% trực tiếp, VUS cũng cung cấp giải pháp linh hoạt cho phụ huynh và học viên chọn giữa trực tuyến và trực tiếp. Trước khi có dịch, số hóa là xu hướng mà nhiều tổ chức giáo dục theo đuổi. Từ khi dịch xảy ra, tiến độ số hóa được đẩy nhanh hơn. Chương trình, giáo trình cũng được thiết kế trên nền tảng có thể giảng dạy được bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Nhiều trung tâm ngoại ngữ đóng cửa, người học thiệt thòi
Trước đây, tôi ghi danh cho con học tiếng Anh ở TTNN SAS tại quận Gò Vấp. Học được hai tháng, tôi thấy khả năng phát âm tiếng Anh của con tốt hơn nhiều so với mấy năm học tiếng Anh tăng cường trong trường. Con tôi thích lắm vì đi học vui, thầy cô nói hay, dễ hiểu. Cứ chiều thứ Hai, Tư, Sáu là con thích thú chuẩn bị đi học; khi về, con tíu tít kể về thầy cô nước ngoài dạy hát như thế nào, cho chơi trò chơi ra sao. Dịch xảy ra, con ở nhà nên quên gần như sạch sẽ. Sau đợt dịch, trung tâm đó dóng cửa, nhiều trung tâm khác gần nhà cũng không còn nên giờ mà muốn cho con đi học thì phải đi xa hơn, học phí cũng cao hơn.
Anh Nguyễn Thanh Hiếu (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp)
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...