PNO - Sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM ngày 21/3 có bài Trung tâm ngoại ngữ có còn đất sống? phản ánh 80% cơ sở ngoại ngữ phải đóng cửa, giải thể và những khó khăn sau dịch, nhiều nhà sư phạm, quản lý trung tâm ngoại ngữ đã “hiến kế”, góp ý để thị trường này có thể hồi phục.
Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh: Chủ động, đừng phụ thuộc!
Câu chuyện vừa qua có thể thấy rằng chúng ta quá bị động, với lệnh “không mở cửa” thì gần như hoạt động giáo dục của các trung tâm ngoại ngữ (TTNN) bị đứt gãy suốt chín tháng. Qua đó, có thể thấy rằng giải pháp bắt buộc là phải linh hoạt hơn trong việc tổ chức dạy và học tiếng Anh. Các TTNN hiện nay dù đã được mở cửa song với viễn cảnh những biến chủng mới liên tục xuất hiện, số ca mắc có thể tăng trở lại thì cần phải luôn có kế hoạch dự phòng cho những tình huống đó. Đó là linh hoạt kết hợp giữa các hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến.
Vì sao phải có kế hoạch và luôn trong trạng thái sẵn sàng chuyển đổi? Bởi chúng ta biết dạy học trực tuyến trong thời gian qua được thực hiện như một giải pháp đối phó tình huống nên chất lượng và hiệu quả không cao. Việc dạy trực tuyến chỉ thực sự hiệu quả khi giữa thầy trò tạo được sự kết nối và chương trình làm cho người học tập trung, hứng thú. Muốn như vậy thì ngay từ những ngày “thời bình” như hiện nay, cần chuẩn bị, tập huấn cho giáo viên và học sinh làm quen dần…
Ngoài ra, sau dịch có thể thấy cái khó không chỉ đến từ việc TTNN thiếu vắng người học mà còn đối diện với thực trạng khan hiếm giáo viên, nhất là giáo viên bản ngữ. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta buộc phải chủ động hơn với nguồn giáo viên. Chúng ta, kể cả người dạy lẫn phụ huynh, phải thay đổi suy nghĩ cho rằng chỉ có giáo viên bản ngữ đến từ các nước phát triển, nước nói tiếng Anh mới dạy tiếng Anh hiệu quả. Trong khi đó, chất lượng người thầy phụ thuộc vào năng lực ngôn ngữ, kỹ năng sư phạm và trình độ (chứng chỉ, bằng cấp) của họ chứ không phải quốc tịch. Thực tế, có rất nhiều giáo viên đến từ các nước tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ đang giảng dạy tiếng Anh ở nhiều nước khá tốt. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đào tạo giáo viên nội địa để về lâu dài sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào sự “nhập khẩu” giáo viên ngoại.
Học viên trở lại học tại Trung tâm ngoại ngữ Care English Center (thuộc Care Education)
Bà Nguyễn Thị Thủy, nhà sáng lập Care Education: Thay đổi để giữ chân người học Ở giai đoạn đầu, tôi ở trong group các chủ cơ sở ngoại ngữ của TP.HCM mới chứng kiến hết sự khó khăn, hàng loạt chủ cơ sở phải trả mặt bằng, thanh lý từng chiếc bàn, rao bán cơ sở… rất đau! Ở thời điểm đó, trung tâm vừa và nhỏ như chúng tôi cũng đối diện với khó khăn vì mất đi một lượng học viên đáng kể. Từ mùa dịch 2020, trung tâm chuyển sang dạy trực tuyến nhưng có những bất cập vì chuyển đổi số quá nhanh nên giáo viên, học viên không thích nghi kịp. Khi tạm hết dịch, chúng tôi bắt buộc giáo viên phải xem giải pháp tình huống đó là xu hướng, cho đi học, tập huấn chuyển đổi số, xây dựng bài giảng online, dạy học theo dự án…
Đến mùa dịch 2021 thì việc chuyển đổi nhuần nhuyễn hơn, ý thức được công nghệ không thể thay thế con người nên chuyển sang chăm sóc từng em, đề ra mục tiêu và lộ trình cho từng học viên. Giáo viên có nhiệm vụ giảng dạy, trợ giảng sẽ quản lý và hỗ trợ học viên. Trong thời gian “xa mặt” này, chúng tôi tạo ra những giá trị khác cho người học trên không gian mạng, đó là dự án mỗi tuần một quyển sách, bắt buộc cha mẹ cùng các em đọc sách, truyện tiếng Anh để tăng kết nối. Rồi tour trực tuyến du lịch vòng quanh thế giới, các em xem clip, đọc thông tin về các nước, cách thức xin visa… rồi làm thành dự án báo cáo bằng tiếng Anh. Còn người học gặp khó khăn tài chính thì trung tâm giảm học phí, quá khó khăn thì cho học online miễn phí…
Giai đoạn sau tết được mở cửa trở lại nhưng chúng tôi vẫn duy trì hai hình thức online - offline song hành vì số giáo viên, học viên thành F0 không ít. Trong tương lai, điều này nhiều khả năng vẫn còn tiếp diễn. Trung tâm tập trung phát triển đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ người học theo từng mục tiêu và lộ trình cụ thể. Bình thường, lớp học ở trung tâm có khoảng 10 - 12 em thì khi dạy online phải chia nhỏ hơn nữa theo hướng cá thể, lớp có thêm trợ giảng để dõi theo sự phát triển của từng em. Đó là kinh nghiệm rút ra từ cái khó thời gian qua để không mất người học.
Bà Lê Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc SEAMEO RETRAC: Dù công nghệ phát triển, người học vẫn cần thầy Trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, SEAMEO RETRAC đã triển khai giải pháp dạy và học trực tuyến một số chương trình để đảm bảo duy trì việc học. Trung tâm đã tăng cường tập huấn và hướng dẫn cho giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tiếng Anh. Tuy nhiên, khâu giám sát người học và sự toàn vẹn của lượng kiến thức được học là thử thách không nhỏ.
Đại dịch đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Thu nhập của người học và phụ huynh cũng bị ảnh hưởng do giảm thu nhập, mất việc làm… đã tác động không nhỏ đến quyết định đầu tư cho bản thân hoặc con em tham gia các lớp tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Anh vẫn là sự đầu tư cần thiết trong việc nâng cao năng lực tiếng Anh, đạt điểm tiếng Anh trong các kỳ thi chứng chỉ quốc tế để có nhiều cơ hội nghề nghiệp cũng như nhiều sự chọn lựa vào các bậc học cao hơn.
Ngày nay, có rất nhiều nguồn để người học có thể tiếp cận các phương pháp nâng cao kỹ năng tiếng Anh cũng như có rất nhiều ứng dụng và các trang dạy tiếng Anh trực tuyến, tuy nhiên vai trò của giáo viên rất cần thiết và người học vẫn phải dựa vào giáo viên để được hướng dẫn và hỗ trợ việc học, ngay cả khi điều đó thực hiện qua màn hình máy tính hoặc các hình thức khác. Người học cần đến lớp để kết nối, giao tiếp với bạn bè, giáo viên để có thể tự tin trong giao tiếp tiếng Anh; chia sẻ và học hỏi để phát triển về mặt xã hội trong cộng đồng. Giáo viên cần cập nhật thường xuyên các phương pháp giảng dạy tiếng Anh linh hoạt, sinh động tạo động lực và thu hút người học.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.