Việc dạy học và kiểm tra đánh giá bậc phổ thông hiện đang chuyển hướng tiếp cận năng lực học sinh theo Chương trình GDPT 2018. Thế nhưng, thực tế nhiều địa phương, nhất là những địa phương lớn như Hà Nội, TPHCM lại chưa dám sử dụng kết quả này để làm căn cứ xét tuyển trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10, với lý do là lo sợ sự không công bằng khi kết quả học tập bậc THCS chưa phản ánh đúng thực chất năng lực học sinh.
“Lỗ hổng” kiểm định chất lượng giáo dục bậc phổ thông
|
Kiểm định chất lượng giáo dục bậc phổ thông đang "khuyết" rất lớn |
Tại TPHCM, dễ dàng nhận thấy bài toán phân hóa chất lượng giáo dục thể hiện rõ nét giữa các quận trung tâm và ngoại thành; giữa các trường có sự đầu tư, quan tâm của phụ huynh với những trường ít được phụ huynh chăm lo; giữa các lớp tích hợp, lớp tăng cường với các lớp thường.
Giai đoạn 2009-2011, TPHCM sử dụng thí điểm xét tuyển vào lớp 10 ở một số trường THPT ngoại thành bằng kết quả học tập của học sinh 4 năm THCS để xét tuyển vào lớp 10, ngay sau đó đã phải lập tức quay trở lại hình thức thi tuyển cũ vì các trường được thí điểm kêu than về chất lượng đầu vào khi có sự chênh lệch trong đánh giá học bạ của học sinh. Đến nay, hơn 10 năm đã trôi qua, giáo dục đang chuyển hướng dạy học theo năng lực nhưng kết quả học tập của học sinh tại các nhà trường vẫn chưa thể nào được tin tưởng để sử dụng làm thước đo chất lượng. Ngay trong công tác kiểm tra cuối học kỳ ở bậc trung học, nhiều quận huyện tại TPHCM vẫn chưa dám trao quyền cho các cơ sở giáo dục để đánh giá học sinh.
Lý giải về thực trạng này, phó trưởng phòng GDĐT một quận vùng ven thừa nhận, dạy học theo năng lực, cá thể hóa song đánh giá vẫn phải “cào bằng”, “đổ đồng” vì nếu trao toàn quyền cho từng đơn vị thì kết quả đánh giá sẽ thiên lệch, còn “nặng, nhẹ” khác nhau, tạo ra sự không công bằng trong kết quả đánh giá học sinh.
Theo ông, cái chúng ta thiếu là một đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông một cách độc lập, nôm na là “người ngoài”, để có thể sử dụng chính kết quả đánh giá đó làm thước đo giữa các đơn vị mà không lấn cấn. “Lỗ hổng rất lớn về kiểm định chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông khiến chúng ta chưa thể nào dám mạnh dạn sử dụng chính kết quả đánh giá ở các nhà trường để so với nhau, ngay trong việc xét tuyển vào lớp 10” - ông chỉ rõ.
“Chúng tôi cần một đánh giá độc lập”
Phó hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 nêu, một số nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đang áp dụng hình thức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập cho các trường phổ thông. Đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm ra đề kiểm tra định kỳ cho các cơ sở giáo dục để đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh. Giáo viên, nhà trường sẽ không can dự vào phương thức đánh giá này.
“Nếu chúng ta có 1 cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh giữa các nhà trường, quận huyện sẽ có sự đồng đều bởi vì cùng chung 1 thước đo độc lập. Lúc này thì hoàn toàn có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT. Điều này cũng phù hợp với đổi mới giáo dục” - vị này khẳng định.
Quan tâm đến đánh giá năng lực học sinh, bà Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - băn khoăn, làm sao để sử dụng kết quả bậc THCS để xét tuyển vào lớp 10 bậc THPT.
Theo bà, hiện nay Bộ GDĐT giao cho UBND tỉnh quyết định hình thức tuyển sinh vào THPT, có thể là xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển, thi tuyển. Tuy nhiên, Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện việc phân luồng học sinh sau THCS, việc thi tuyển mang đến tâm lý cho phụ huynh học sinh còn nặng nề hơn cả tuyển sinh đại học.
“Chúng tôi cần một đánh giá độc lập, nếu có một đánh giá độc lập để đánh giá năng lực học sinh THCS, thì địa phương có thể sử dụng kết quả này làm kết quả tuyển sinh vào lớp 10 nữa thì quá hay” - bà thẳng thắn.
|
Cần thiết phải có 1 đơn vị kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục độc lập ở bậc phổ thông |
Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM - đánh giá, nếu được quyền quyết hình thức nào để tuyển sinh lớp 10 thì một trong những cách thức nhẹ nhàng nhất là có 1 đơn vị có kinh nghiệm và công cụ đánh giá khách quan là hợp lý nhất. Việc xét học bạ sẽ dẫn đến một nguy cơ cao là “làm sạch học bạ”, lúc đó sẽ rất khó trong việc phân luồng, xét tuyển. Đánh giá độc lập là hình thức đánh giá mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đều lựa chọn, không vì lý do quen học sinh này, học sinh kia mà nâng đỡ…
“Cần nhìn nhận sự thay đổi trong tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018 là cần thiết và phải có bước chuẩn bị, đón đầu hướng đến các điều chỉnh thích hợp. Đồng thời, cũng nên chú trọng đến các giải pháp quản lý cho các định hướng thay đổi mà đánh giá là một trong những vấn đề cơ bản. Muốn vậy, các nghiên cứu, đánh giá để thay đổi về phát triển giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục, đánh giá giáo dục không thể lùi hơn mà nhất thiết cần được thực thi trong năm 2023-2024 như bản lề quan trọng”- giáo sư Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.
Sao lại “vừa đá bóng, vừa thổi còi” NGƯT Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GDĐT TPHCM - ví von, công tác kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay gần như “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tức là chúng ta tự giảng dạy, tự xây dựng và tự kiểm định lẫn nhau chứ không có 1 đơn vị độc lập, một bên thứ ba nào đứng ra kiểm định. Ông phân tích, công tác này mới thiên nhiều về các tiêu chí cơ sở vật chất, để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trường đạt kiểm định chất lượng. Yếu tố về kiểm định chất lượng đào tạo mờ nhạt, chưa được đề cao. “Việc đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa cần phải đồng bộ với đổi mới kiểm tra, đánh giá. Thực tế đang tồn tại một nghịch lý: việc đánh giá theo năng lực học sinh song lại không dám tin tưởng vào kết quả đánh giá đó để sử dụng. Đã đến lúc cần phải suy nghĩ về việc có một trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập để sử dụng làm phương thức chuẩn, đánh giá học sinh. Điều này là phù hợp và cần thiết với việc kết hợp đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp dạy và đánh giá. Một tổ chức đánh giá độc lập sẽ tạo thước đo chung và thúc đẩy việc dạy và học” - NGƯT Nguyễn Văn Ngai đề xuất. |
Quốc Trung