Trung tâm H.O.P.E giữa đại dịch COVID-19: Quyết định đầy tình người

05/04/2023 - 16:44

PNO - “Nếu không có Trung tâm H.O.P.E, không biết con tôi sẽ ra sao giữa đại dịch COVID-19”, một bà mẹ là "cựu F0" chia sẻ.

Chúng tôi tự hào về Trung tâm H.O.P.E

Sáng 5/4, Bệnh viện Hùng Vương đã tổ chức chương trình tri ân Những người có cống hiến tại Trung tâm H.O.P.E, với sự tham gia của PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Phước Lộc - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM… cùng các tình nguyện viên tại Trung tâm H.O.P.E.

Chia sẻ tại chương trình, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết: “Mặc dù dịch COVID-19 đã đi qua gần 2 năm, nhưng khi nhắc lại vẫn còn nguyên cảm xúc, đặc biệt cảm xúc của những người nơi tuyến đầu chống dịch như chúng tôi - nhân viên y tế”.

Chương trình tri ân những người cống hiến cho Trung tâm H.O.P.E, ảnh BVCC
Các em bé được chăm sóc tại Trung tâm H.O.P.E được mẹ đưa đến tham dự chương trình - Ảnh: BVCC

Theo đó, khi dịch bệnh vào giai đoạn phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh, nhất là số ca thai phụ nhiễm COVID-19 gia tăng mỗi ngày, bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Khu tiếp nhận thai phụ F0 ban đầu chỉ có 20 giường, nhưng phải tăng lên 50 giường, rồi 100 giường, 200 giường... vẫn không đủ chổ, không đủ nhân sự để cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ chuyên môn đến hậu cần. Bởi thai phụ phải cách ly, không có người thân bên cạnh.

Bên cạnh đó việc cung ứng thuốc men, vật tư tiêu hao y tế, đến nhu yếu phẩm… đều rất khó khăn vì toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 16 và 16+. Nhân viên bệnh viện chia quân cho các bệnh viện dã chiến, khó khăn chồng khó khăn.

Từ khoảng tháng 7, 8/2021, số lượng thai phụ nhiễm COVID-19 tăng “chóng mặt”, đồng nghĩa số trẻ ra đời từ mẹ F0 cũng tăng “ngùn ngụt”. Lúc bấy giờ, theo khuyến cáo của WHO và của Bộ Y tế phải cách ly mẹ và con, nên em bé phải tạm thời xa mẹ, gửi đến khoa sơ sinh chăm sóc, xét nghiệm COVID-19 cho bé. Nếu bé không bị lây bệnh sẽ được cha hoặc người thân trong gia đình đón về. Đây là một trong những “bài toán khó nhất” của bệnh viện vì hầu như người thân các bé cũng là F0, các khoa phòng và nhân sự từ đó dần quá tải.

Trung tâm H.O.P.E được thành lập lúc cao đỉnh của dịch COVID-19, nhằm chăm sóc cho các bé sơ sinh có mẹ là F0
Trung tâm H.O.P.E được thành lập lúc cao điểm của dịch COVID-19 nhằm chăm sóc cho các bé sơ sinh có mẹ là F0

“Nhìn các con vừa chào đời đã phải rời xa khỏi vòng tay ấp ủ của mẹ, không được bú sữa mẹ, bệnh viện cũng không để đủ cơ sở vật chất, nhân lực để chăm sóc lại càng thiệt thòi hơn. 

Khi ấy, chúng tôi đã “táo bạo” đề xuất UBND TP về giải pháp mượn tạm Trường Mầm non Họa Mi 2 để thành lập Trung tâm H.O.P.E - Trung tâm nuôi dưỡng tạm thời con của các sản phụ nhiễm COVID-19, huy động lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc các con và được đồng ý”, bác sĩ Tuyết nói.

H.O.P.E được thành lập với vô vàn khó khăn, bởi phải đảm bảo các bé được chăm sóc an toàn, những ngày đầu đời phải đủ đầy từ vật chất đến tình yêu thương. Đặc biệt đảm bảo tránh nhầm lẫn con, tránh con bị bắt cóc... rồi đến việc đảm bảo cho các cô bảo mẫu thực hiện “3 tại chổ” yên tâm hỗ trợ…

“Có những lúc các thành viên của bệnh viện, trung tâm tưởng chừng như kiệt sức nhưng với ý chí không lùi bước, tất cả mọi người đã lần lượt cùng nhau vượt qua. Để rồi ngày 1/11/2021 Trung tâm H.O.P.E đã khép lại nhiệm vụ của mình sau gần 4 tháng hoạt động nuôi dưỡng an toàn và hiệu quả cho 259 trẻ sơ sinh có mẹ là F0. Cho đến bây giờ khi nhớ lại, thành lập, vận hành hiệu quả, an toàn Trung tâm H.O.P.E là một trong những hoạt động chống dịch đáng để chúng tôi tự hào và hạnh phúc”, bác sĩ Tuyết xúc động.

Cao điểm đã có hơn 70 bé được gửi đến Trung tâm H.O.P.E cùng lúc và được hơn 40 tình nguyện viên
Cao điểm đã có hơn 70 bé được gửi đến Trung tâm H.O.P.E cùng lúc 

Chúng tôi luôn cầu nguyện cho các bé được người thân đón về

Tình nguyện viên Đặng Thị Loan, giáo viên Trường Mầm non Phù Đổng (Q.12) cho biết: “Khi toàn thành phố đều bị phong tỏa, tôi biết Bệnh viện Hùng Vương tuyển tình nguyện viên tham gia Trung tâm H.O.P.E nên tham gia. Làm giáo viên mầm non nên tôi nghĩ phần nào mình sẽ có kinh nghiệm trong chăm sóc trẻ. Tuy nhiên do tôi chưa lập gia đình, chưa có con nên những ngày đầu vào đây tôi hơi lúng túng trong chăm sóc trẻ sơ sinh. Lúc đó, ban lãnh đạo của Bệnh viện Hùng Vương đã tập huấn, hướng dẫn nhiệt tình, tôi cũng rất muốn chăm sóc các con, nên chúng tôi đã vượt qua”.

Tình nguyện viên Đặng Thị Loan chăm sóc cho em bé có mẹ là F0 tại Trung tâm H.O.P.E trong giai đoạn dịch COVID-19
Tình nguyện viên Đặng Thị Loan chăm sóc cho em bé có mẹ là F0 tại Trung tâm H.O.P.E trong giai đoạn dịch COVID-19

Không giấu được sự xúc động, tình nguyện viên Trần Thị Huyên, hướng dẫn viên du lịch cho biết, trong lúc dịch khó khăn, các công ty du lịch đóng cửa, chị không về quê mà mong muốn ở lại cùng thành phố chống dịch. Một lần đang tìm kiếm các nơi để tham gia chống dịch, chị thấy bài đăng tìm tình nguyện viên cho Trung tâm H.O.P.E trên mạng xã hội của Hội liên hiệp Phụ nữ TP nên đăng ký tham gia.

“Mặc dù được huấn luyện kỹ về chăm sóc em bé, nhưng khi 1 bé, rồi 2 bé, 4 bé, rồi 15 bé… liên tục có em bé được chuyển đến, tôi thật sự hoang mang và cảm nhận rõ rệt đại dịch quá khủng khiếp. Lúc đó, chúng tôi không còn nghĩ ngợi gì khác ngoài quyết tâm chăm sóc các con thật tốt và cầu nguyện cho các con sớm về với ba mẹ. Mỗi một bé được mẹ đón về, chúng tôi đều chia sẻ cho nhau niềm hạnh phúc ấy để tiếp thêm sức mạnh”, chị Huyên nghẹn ngào.

Nghe các tình nguyện viên chia sẻ, những người mẹ của các em bé H.O.P.E không khỏi xúc động. Chị Thanh bật khóc nhớ lại, năm 2021 chị đã lo lắng, sợ hãi khi trở thành F0 trong giai đoạn sắp sinh con, bởi khi ấy dịch quá khốc liệt. Rồi chị chuyển dạ và vào bệnh viện, là F0 nên không có người thân bên cạnh, càng khiến chị áp lực hơn. Lúc ấy, các bác sĩ phải động viên, giải tỏa tâm lý cho chị rất nhiều. 

Em bé được chăm sóc tại Trung tâm H.O.P.E ngày ấy trở lại tham dự chương trình
Em bé được chăm sóc tại Trung tâm H.O.P.E ngày ấy được mẹ đưa đến tham dự chương trình - Ảnh: BVCC

“Tôi cám ơn các y bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương đã giúp cho tôi “mẹ tròn con vuông” và chăm sóc tôi suốt 29 ngày tại bệnh viện.  Đặc biệt, tôi xin gửi lời cám ơn đến các anh chị tình nguyện viên tại Trung tâm H.O.P.E, các cô giáo Trường Mầm non Họa Mi 2 đã chăm sóc con của tôi nói riêng và các bé nói chung trong thời gian chúng tôi không thể ở bên các con. Lúc đó, không chỉ bên cạnh con tôi, mà các cô, các chị thường chụp ảnh bé gửi cho tôi để động viên tinh thần. Thấy con khỏe, tôi cũng yên tâm hơn trong điều trị.

Tôi biết, lúc đó không chỉ là nhiệm vụ, mà phải có tình yêu thương rất lớn thì các cô, các chị mới có thể chăm sóc các bé tốt nhất có thể. Nếu không có Trung tâm H.O.P.E, không biết con tôi sẽ ra sao giữa đại dịch COVID-19”, chị Thanh xúc động.

Cha của một em bé từng ở Trung tâm H.O.P.E cố gắng kiềm nén cảm xúc, anh nhớ lại cả nhà anh đều là F0. Khi vợ phải đi sinh, cũng là lúc cha của anh lại trở nặng, bản thân là F0 nên anh bất lực, chỉ biết chờ đợi thông tin. 

“Tôi chỉ nhớ bệnh viện thông báo con tôi chào đời an toàn, nặng 3,45kg. Mừng lắm nhưng không biết làm sao để thấy con. Chỉ trông chờ từng ngày cho hết bệnh để đón con về, lúc các chị đưa con cho tôi bế, tự nhiên nước mắt cứ chảy. Con tôi khỏe mạnh, tăng cân mặc dù chưa được bú mẹ ngày nào. Đến bây giờ tôi vẫn còn rất biết ơn mọi người”, anh chia sẻ. 

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI