Trung tâm giáo dục thường xuyên khẩn trương “nâng chất” cho trò

09/01/2025 - 06:24

PNO - Từ năm 2025, học viên hệ giáo dục thường xuyên không còn được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước tình hình này, các trung tâm đã chủ động xây dựng chiến lược “nâng chất” cho học viên.

Việc bỏ điểm cộng là bình thường

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Ngoài việc giảm số môn thi và buổi thi, bộ quyết định bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Trước đây, bằng tốt nghiệp trung cấp loại xuất sắc và giỏi được cộng 2,0 điểm; loại khá và trung bình khá được cộng 1,5 điểm; loại trung bình cộng 1 điểm. Chứng chỉ ngoại ngữ hoặc tin học được cấp theo quy định của Bộ GD-ĐT được cộng 1,0 điểm/chứng chỉ. Theo Bộ GD-ĐT, thay đổi này nhằm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng vì học viên tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung 1 loại bằng tốt nghiệp.

Ông Lưu Thanh Tòng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX quận Tân Phú, TPHCM - đánh giá: học viên GDTX thi cùng đề với học sinh THPT đã từ lâu, nên việc bỏ điểm cộng rất bình thường. Thời gian tới, trung tâm sẽ họp phụ huynh để xin ý kiến, thống nhất các kế hoạch ôn luyện cho học viên nhằm đáp ứng kỳ thi.

Học viên lớp Mười hai của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An trong 1 tiết học môn ngữ văn
Học viên lớp Mười hai của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An trong 1 tiết học môn ngữ văn

Còn ông Trần Thiện Hùng - Phó giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận 12 - nhận định, những năm trước, điểm khuyến khích có thể xem là một giải pháp cho những học viên có kết quả thi tốt nghiệp THPT chưa tốt. Việc bỏ điểm cộng có thể ảnh hưởng đến một số học viên. Do đó, trung tâm đã làm công tác tư tưởng với học viên rằng thay vì trông chờ vào điểm cộng, các em hãy ra sức học tập để vượt qua kỳ thi. Trung tâm cũng tổ chức họp phụ huynh định kỳ, thông báo kế hoạch hoạt động, để phụ huynh đồng hành trong việc học tập của con.

5 năm trở lại đây, học viên đăng ký vào học tại Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5) đều được giáo viên tư vấn rất kỹ rằng việc học trung cấp nghề cần phải song song với việc học kiến thức THPT. Những chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là kỹ năng cần thiết để có nhiều cơ hội việc làm hơn, lương cao hơn… Do đó, theo ông Đỗ Minh Hoàng - Giám đốc trung tâm - thay đổi lần này không gây xáo trộn về tâm lý cho học viên. Hằng năm, tỉ lệ tốt nghiệp của trung tâm dao động từ 97 - 98%, có năm xấp xỉ 99%. Trong số này, có một số học viên nhờ điểm khuyến khích mới đủ điều kiện tốt nghiệp THPT nhưng rất ít, chỉ khoảng dưới 5 em.

Không thể tiếp tục cầu may

Sau khi có thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX Tân Bình - đã lên kế hoạch tổ chức họp toàn thể giáo viên để tìm ra giải pháp giảng dạy phù hợp. Theo ông, đa phần học viên của trung tâm có năng lực không bằng học sinh THPT nên cần tăng cường ôn tập để đáp ứng cho kỳ thi tốt nghiệp. Ông nói rõ: “Các em học chương trình mới từ năm lớp Mười nên đã quen với kiến thức, cách ra đề. Sau tết Nguyên đán, trung tâm sẽ tổng kết tình hình đăng ký môn thi tốt nghiệp để bắt đầu ôn tập chuyên sâu cho học viên. Trước đây, học viên GDTX thi đề riêng, mấy năm nay thi đề chung, dù có khó khăn nhưng cũng đã thích nghi được. Vậy thì lần thay đổi này cũng sẽ tương tự”.

Ông Trần Thiện Hùng cũng cho biết, năm học 2024-2025, trung tâm có 27 lớp Mười hai với tổng cộng 1.292 học viên. Giáo viên lớp Mười hai đều là những người có nhiều kinh nghiệm, thường xuyên khuyến khích học viên tự khám phá và nghiên cứu kiến thức qua phương pháp học theo dự án, tình huống và lớp học đảo ngược. Các công cụ học tập trực tuyến cũng được sử dụng để tạo ra môi trường học tập tương tác và linh hoạt hơn. Đồng thời, trung tâm cũng sắp xếp lớp học theo năng lực, nguyện vọng của học viên để bố trí thời lượng ôn tập, bổ sung kiến thức hợp lý.

Cô Hoàng Thị Lan - Tổ trưởng tổ ngữ văn, Trung tâm GDTX Chu Văn An - cho biết, sau khi có thông báo bỏ điểm cộng, cô đã thông tin ngay cho học trò rằng từ nay, việc đậu tốt nghiệp hoàn toàn dựa trên kết quả học tập. Do đó, học viên phải có kế hoạch học tập và nỗ lực nhiều hơn chứ không thể cầu may. Cô chia sẻ: “Tôi thường tổ chức nhiều hoạt động như sân khấu hóa, thuyết trình, giới thiệu tác phẩm yêu thích, sáng tạo poster, ứng xử tình huống… để học viên yêu thích môn văn. Trung tâm cũng xây dựng các bài kiểm tra trên ứng dụng Megaschool - nền tảng dạy học trực tuyến để nắm bắt được tiến trình học tập của học viên. Nếu học viên có thắc mắc ngoài giờ học, tôi sẵn sàng trao đổi, giải đáp cho các em mọi lúc, mọi nơi”.

Trung tâm GDTX Chu Văn An hiện có hơn 450 học viên lớp Mười hai. Ông Đỗ Minh Hoàng cho biết, khoảng 80% trong số này chọn các môn khoa học xã hội cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện tại, học viên vẫn học bám sát chương trình và tăng cường một số tiết học ngữ văn, toán vào 1 buổi chiều. Khoảng tháng Ba đến tháng Sáu, trung tâm sẽ mở các lớp ôn tập, học viên nào có nhu cầu thì đăng ký tham gia. “Năm nay, các em chỉ thi 4 môn nên sẽ nhẹ nhàng hơn những năm trước. Mọi kế hoạch đều đã được thầy cô chuẩn bị sẵn, các em chỉ cần đi học đều, làm đủ những gì thầy cô dặn dò thì chắc chắn sẽ vượt qua kỳ thi” - ông động viên các học viên.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI