|
Khóa học nghề may công nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tương Dương - Ảnh: Nguyễn Phương |
Khó tuyển sinh, giữ chân người học
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hóa khang trang với 3 dãy - nhà học, nhà thực hành, nhà bán trú. Thế nhưng hiện tại, cả trung tâm có tổng cộng chưa tới 60 học sinh.
Năm học 2022-2023, trung tâm tuyển được 10 học sinh lớp Mười. Năm 2021-2022, trung tâm có 22 học sinh theo học. Nhưng lên lớp Mười một, số học sinh còn lại chỉ vỏn vẹn 8 em. Năm học trước nữa (2020-2021), lần đầu tiên liên kết với Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn (Thanh Hóa) để đào tạo 3 ngành nghề may thời trang, hàn, điện công nghiệp; Trung tâm GDNN-GDTX Mường Lát tuyển được 88 học sinh - con số “kỷ lục” của trung tâm trong 10 năm qua.
Ông Trần Ngọc Hòa - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát - cho biết, theo Quyết định 53/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, học sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn - tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được hưởng chính sách nội trú. Tuy nhiên, chỉ học sinh theo học tại trường nghề mới được hỗ trợ, học sinh học nghề theo chương trình liên kết thì không; nên chỉ sau 1 học kỳ, 53/88 em đã bỏ.
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cũng trong tình trạng tương tự. Với 6 dãy nhà kiên cố, trung tâm có thể đáp ứng nhu cầu học tập của hàng trăm học sinh mỗi năm. Thế nhưng suốt nhiều năm qua, 15-20 học sinh là con số bình quân mà trung tâm tuyển được ở mỗi mùa tuyển sinh. Riêng năm học 2018-2019, trung tâm tuyển được đến 49 học sinh.
Nhưng đa số là bí thư chi bộ, trưởng bản từ các xã đến học để lấy bằng tốt nghiệp THPT hệ GDTX. Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) có những năm còn không tuyển được học viên. Từ năm 2020, giáo viên của trung tâm phải xin chuyển đến những nơi... có học sinh để dạy. Người chuyển đến huyện khác, người may mắn hơn thì được huyện phân về các trường THCS đang thiếu giáo viên.
Năm học 2022-2023, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) không có học sinh lớp Mười hai. 3 năm trước, trung tâm tuyển được 12 học sinh lớp Mười. Sau 1 năm, còn 4 em học lên lớp Mười một. Nhưng rồi các em cũng bỏ, dù quan điểm của trung tâm là dù chỉ còn 1 học sinh cũng dạy. Đồng cảnh, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) cũng nhiều năm chỉ tuyển được trên dưới 10 học sinh mỗi khóa...
Quản lý chồng chéo
Đã 8 năm kể từ khi thực hiện chủ trương sáp nhập các trung tâm GDNN, trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp..., trung tâm GDNN-GDTX chịu sự quản lý trực tiếp từ UBND huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, các trung tâm GDNN-GDTX chịu sự quản lý chuyên môn từ Sở GD-ĐT và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Thực tế triển khai từ đó đến nay, không ít bất cập đã nảy sinh. Ngoài khó khăn trong tuyển sinh - yếu tố khách quan đến từ người học; còn không ít nguyên nhân đến từ sự duy lý, thiếu đồng bộ trong đầu tư cơ sở vật chất, thiếu đồng bộ trong công tác quản lý.
Mỗi năm, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) vẫn tuyển được 6-7 lớp. Trung tâm không thiếu học sinh, nhưng lại thiếu giáo viên. Nhiều năm, cả trung tâm chỉ có 1 giáo viên ngữ văn, không có giáo viên lịch sử. Phó giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bảo Thắng, bà Nguyễn Thị Tuyết vốn là giáo viên dạy lịch sử, sau sáp nhập, bà phải đi học chứng chỉ dạy nghề may, để khi thiếu giáo viên là có thể đứng lớp.
Bà Tuyết cho biết: “Trước sáp nhập, hệ GDTX do Sở GD-ĐT quản lý; nên sở có thể sắp xếp, điều chuyển giáo viên giữa các trung tâm, hoặc từ các trường THPT để đảm bảo đội ngũ giảng dạy cho toàn bộ trung tâm trong cả tỉnh. Nhưng sau sáp nhập, trung tâm chịu sự quản lý trực tiếp của UBND huyện. Mà mỗi huyện chỉ có 1 trung tâm GDNN-GDTX, nên việc điều chuyển như trước đây là không thể”.
Ngoài ra, người đứng đầu trung tâm như bà Tuyết còn phải báo cáo đồng thời cả UBND huyện, Sở GD-ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội - trong khi 1 năm học có rất nhiều báo cáo phải thực hiện. “Quá nhiều đầu việc, trong khi thực tế đang có không ít khó khăn” - bà Tuyết nói.
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) cũng gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên. Trung tâm có 16 giáo viên, trong đó 3 môn của GDTX không có giáo viên nào. Bà Phạm Thị Xuân - Giám đốc trung tâm - cho biết, với GDNN, trung tâm có thể sử dụng giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng để giải quyết bài toán thiếu hụt; song với giáo viên văn hóa, điều này không đơn giản. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đang gặp khó khăn về trang thiết bị phục vụ chương trình mới.
Bà Xuân chia sẻ: “Trước sáp nhập, Sở GD-ĐT quản lý trung tâm GDTX nên sở phụ trách và quyết định toàn bộ việc đầu tư trang thiết bị. Phía trung tâm đề xuất cũng dễ dàng hơn. Nhưng hiện nay, các trung tâm GDNN-GDTX đều phải phụ thuộc vào nguồn kinh phí của huyện. Việc trình giá gói các thiết bị như yêu cầu của huyện, cũng nằm ngoài khả năng của các trung tâm”.
Tiến sĩ Lê Đông Phương - Viện Khoa học giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cho rằng, vấn đề chính nằm ở sự quản lý nhà nước. Bởi trước hết GDNN, GDTX đang chịu sự quản lý của 2 hệ thống luật khác nhau: Luật Giáo dục và Luật GDNN. Mục đích, ý nghĩa của GDNN cũng hoàn toàn khác GDTX. Nếu có sự thống nhất giữa 2 bộ, 2 ngành - đưa GDNN vào hệ thống quản lý giáo dục đào tạo chung chứ không tách riêng, thì việc sáp nhập mới thực sự có ý nghĩa; và mô hình học song bằng cũng sẽ tốt hơn. Bằng không, “các trung tâm GDNN-GDTX sẽ phải chịu nhiều hệ quả của sự khác biệt trong tư duy quản lý, cách thức điều hành” - tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh.
Nhiều trung tâm GDNN-GDTX của các huyện miền núi Thanh Hóa nhận định, lượng học sinh giảm hẳn trong nhiều năm gần đây, một phần do tâm lý muốn thi vào các trường THPT công lập rồi thi tiếp lên cao đẳng, đại học. Những em có hoàn cảnh khó khăn, muốn theo học GDNN-GDTX thì nhà lại cách xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn. Như Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát cách tỉnh lỵ Thanh Hóa đến 250km, 100% học sinh thuộc các cộng đồng thiểu số, các em đi học trong điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhà cách xa trường trên dưới 40km.
Các em học sinh nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn học GDNN-GDTX lại không được hưởng chính sách như các em cùng hoàn cảnh theo học ở cả trường nghề lẫn trường THPT. Vì những nguyên nhân kép đó, mà số học sinh tuyển được của các trung tâm ngày càng ít đi. Do đó, cần bổ sung để các em được hưởng hỗ trợ như học sinh các trường trung cấp, cao đẳng nghề.
Cơ cấu ngành nghề chưa thu hút được người học Một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nghề cho rằng, trung tâm GDNN-GDTX khó hút học sinh, còn bởi số nghề đào tạo của các đơn vị cùng chức năng GDNN đang chồng chéo nhau. Việc tìm hướng phát triển nghề đặc trưng của đơn vị mình cũng hầu như chưa được quan tâm. Việc liên kết với các doanh nghiệp ngay tại địa phương cũng còn đang bỏ ngỏ. Đội ngũ giáo viên, có thể có những người rất giỏi chuyên môn, nhưng lại không bắt kịp những thay đổi, nhu cầu của đương đại; dẫn đến nội dung giảng dạy nặng lý thuyết, chưa sát thực tế, chưa chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho người học… Tiến sĩ Lê Đông Phương phân tích: Việc đào tạo nghề ở các trung tâm GDNN-GDTX hiện nay mới dừng lại ở chương trình sơ cấp, trung cấp. Trong khi nhiều đơn vị đào tạo trình độ cao đẳng đang đẩy mạnh tuyển học sinh đã học hết lớp Chín. Do đó, sự cạnh tranh tuyển sinh là rất lớn. Chưa kể trước sáp nhập, cả hai trung tâm này đều không tạo được sức hút đối với học sinh. Việc dạy nghề sau sáp nhập cũng như trước sáp nhập, chỉ gồm những nghề đã có từ lâu như cắt may, hàn…; trong khi cơ cấu lao động hiện nay được phân bổ ở rất nhiều ngành nghề. |
Minh Tuệ