Trung tâm Ghép tạng trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2: Hy vọng lớn cho bệnh nhi

30/04/2024 - 06:10

PNO - Sau 20 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) đã thực hiện ghép gan, thận, tế bào gốc cho hơn 70 bệnh nhi.

Tỉ lệ sống đạt hơn 90%, tương đương tỉ lệ của các trung tâm ghép tạng trên thế giới. Sắp tới đây, TPHCM sẽ khánh thành Trung tâm ghép tạng trẻ em, mang lại cho các bệnh nhi hy vọng về một phép màu của sự sống.

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 thực hiện ca ghép gan cho bệnh nhi
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 thực hiện ca ghép gan cho bệnh nhi

"Vẽ" lại cuộc đời cho bệnh nhi

19 năm kể từ khi được ghép gan, cô bé Lê Ngọc Xuân Quý nhỏ xíu, yếu ớt, vàng vọt ngày nào nay đã trở thành sinh viên năm thứ ba Trường đại học FPT, yêu thích thể thao và mơ ước trở thành họa sĩ chuyên nghiệp.

Nhìn con từng ngày khỏe mạnh, năng động, vui tươi và đang dần hiện thực hóa ước mơ của mình, cha mẹ em cảm nhận rõ rệt phép màu của cuộc sống. Ông Lê Văn Thuận - (54 tuổi) cha của Xuân Quý - thường nhắc về giáo sư Trần Đông A, bác sĩ Trần Thanh Trí… của Bệnh viện Nhi Đồng 2 một cách đầy biết ơn khi đã mang lại cuộc đời mới cho con gái mình.

Ông kể, khi Xuân Quý được sinh ra, em bị teo đường mật bẩm sinh. 4 tháng tuổi, con gái đầu lòng của ông đã phải chịu đựng cuộc phẫu thuật đầu tiên, sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Gia đình trở nên tuyệt vọng khi bác sĩ cho biết nếu không được ghép gan, em chỉ có thể cầm cự được đến 3 tuổi.

Thời điểm đó, ghép gan còn quá mới mẻ. Cho đến một ngày, giáo sư Trần Đông A thông báo cho gia đình Xuân Quý sẽ là em bé đầu tiên được phẫu thuật ghép gan tại Việt Nam.

Kết quả của nhiều lần xét nghiệm, kiểm tra cho thấy em chỉ có thể nhận gan từ mẹ. Năm 2005, hơn 60 y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Bỉ đã vỡ òa hạnh phúc khi thực hiện thành công ca ghép gan từ người mẹ cho Xuân Quý.

Trước Xuân Quý 1 năm, em Nguyễn Huỳnh Nhật Trúc (12 tuổi) bị suy thận mạn tính cũng đã trở thành bệnh nhi đầu tiên tại Việt Nam được ghép thận thành công từ người cho là mẹ ruột. Cô bé đen sạm, nhỏ xíu ngày nào đã không còn những cơn thở hắt, mệt mỏi, ủ rũ.

Sự quyết tâm, mạnh mẽ của người mẹ cùng nỗ lực không ngừng từ các bác sĩ đã “vẽ” lại cuộc đời của cô bé một cách ngoạn mục. Nhật Trúc luôn vui vẻ, yêu đời xứng đáng với tình yêu thương mà mọi người đã trao tặng.

Từ thành công của Xuân Quý, Nhật Trúc, đến nay Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã ghép gan, thận thành công cho hơn 60 bệnh nhi. Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết: ngoài ghép gan, thận, các bác sĩ của bệnh viện cũng thực hiện thành công 10 ca ghép tế bào gốc tự thân, tỉ lệ sống của các bé sau ghép cao hơn 90%, tương đương nhiều trung tâm ghép trên thế giới.

Với đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo bài bản, tay nghề cao, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại, vật tư y tế đầy đủ… Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tự tin ghép tạng cho trẻ em mà không có sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài.

Giám đốc bệnh viện cho biết thêm: “Hiện nay, bệnh viện đang liên kết với Bệnh viện Đại học y dược TPHCM trong ghép gan và Bệnh viện Chợ Rẫy để ghép thận cho trẻ. Bệnh viện hoàn toàn có thể làm chủ được các kỹ thuật ghép gan, thận và tế bào gốc. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ nỗ lực làm chủ các kỹ thuật ghép tạng mới như ghép tim, ghép tủy xương và ghép tế bào gốc dị ghép”.

Hình ảnh mô phỏng Trung tâm Ghép tạng trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2
Hình ảnh mô phỏng Trung tâm Ghép tạng trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2

Sẽ sớm đưa trung tâm vào hoạt động

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành quyết định công nhận Bệnh viện Nhi Đồng 2 là cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận, gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não. “Đây cũng là tiền đề để bệnh viện thành lập Trung tâm Ghép tạng trẻ em đầu tiên tại phía Nam” - bác sĩ Trịnh Hữu Tùng chia sẻ.

Được sự quan tâm của UBND TPHCM và Sở Y tế, tòa nhà Điều trị kỹ thuật cao tại bệnh viện đang được xây dựng tới tầng 9, cuối tháng 4/2024 cất nóc và dự kiến khánh thành vào ngày 30/4/2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Sau khi hoàn thành, bệnh viện sẽ sớm đưa Trung tâm Ghép tạng trẻ em tại đây vào hoạt động. Khi đó, ngoài việc mở rộng cơ sở vật chất, bệnh viện sẽ đầu tư phát triển đồng bộ về nhân sự, trang thiết bị... Việc ghép gan, thận và ghép tế bào gốc sẽ trở thành thường quy, nên số lượng ca ghép sẽ tăng lên nhiều so với hiện nay. Ngoài ra, trung tâm sẽ phát triển thêm các kỹ thuật ghép tim, ghép tủy xương...

Đây là tin vui cho các bệnh nhi từ khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là các bệnh nhi đang trong danh sách chờ ghép tạng. Tính riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, có khoảng 100 bệnh nhi bị suy thận mạn tính, gần 200 ca bệnh liên quan về gan đang chờ phẫu thuật ghép.

Với Trung tâm Ghép tạng trẻ em, bệnh viện hy vọng sẽ ngày càng có nhiều bệnh nhi có nhu cầu ghép tạng được thực hiện ngay trong nước mà không phải ra nước ngoài tốn kém.

Bên cạnh những thành quả đạt được, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng chia sẻ việc ghép tạng cho trẻ vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm sự khan hiếm nguồn tạng từ người hiến chết não, vấn đề về pháp lý, đạo đức liên quan đến việc chấp nhận và phân phối tạng, cũng như các vấn đề về chi phí khi thực hiện một ca ghép tạng rất cao.

Sở dĩ 20 năm qua, số ca ghép tạng tại bệnh viện khá thấp bởi hầu hết gan, thận… như 33 ca gan ghép cho trẻ em chỉ được lấy từ người hiến sống, phần lớn từ cha, mẹ hay cô, dì, chú, bác… của bệnh nhi.

Hiện nay, tỉ lệ viêm gan siêu vi trong dân số khá cao (viêm gan B từ 8 - 10% dân số) là một rào cản đối với nguồn gan từ người hiến sống. Đối với ghép thận, bệnh viện thực hiện được 30 ca ghép thận, trong đó có 2 ca từ người hiến chết não, 28 ca từ người hiến sống là người thân.

Về mặt kỹ thuật, các phẫu thuật viên sẽ rất khó khăn khi dùng tạng hay một mảnh mô (gan) của người lớn ghép cho trẻ em bởi các cấu trúc mạch máu, mô tạng phức tạp. Nếu như dùng tạng có cùng kích thước trẻ em ghép cho trẻ em sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, Luật Hiến tạng của Việt Nam quy định không cho người dưới 18 tuổi hiến tạng.

“Vì vậy, bên cạnh áp lực làm sao để ngày càng nhiều bệnh nhi suy tạng được thực hiện ghép tạng nhanh và an toàn nhất, chúng tôi mong muốn Trung tâm Ghép tạng cho trẻ em được nhận nhiều hơn các tạng như gan, thận, tim… từ người cho chết não. Đồng thời, Luật Hiến tạng sửa đổi cho phép người dưới 18 tuổi hiến tạng sẽ mở rộng cho nguồn tạng từ trẻ em chết não để tạo điều kiện cho nguồn tạng phong phú giúp cho trẻ em suy tạng có nhiều cơ hội hơn” - bác sĩ Trịnh Hữu Tùng nói.

Làm chủ kỹ thuật ghép thận, gan và tế bào gốc

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, Bệnh viện Nhi Đồng 2 là một trong các bệnh viện nhi đầu tiên tại Việt Nam tiến hành ghép thận và ghép gan cho trẻ em từ rất sớm. Đây được coi là biện pháp điều trị cuối cùng, mang lại sự sống cho các bệnh suy chức năng tạng giai đoạn cuối, không còn khả năng điều trị bảo tồn như suy thận mạn, một số bệnh gan mạn tính, bệnh chuyển hóa, cũng như các bệnh lý ác tính. Các cơ quan có thể thay thế, cấy ghép như: tim, thận, gan, phổi, ruột, tụy và tủy xương.

“Có thể khẳng định các y, bác sĩ của bệnh viện đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép thận, ghép gan và ghép tế bào gốc đúng theo quy trình tuyển chọn bệnh nhân, tuyển chọn người cho tạng, quy trình chăm sóc điều trị trước, trong và sau ghép, quy trình này đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động thường quy” - ông nhấn mạnh.

Sự thành lập Trung tâm Ghép tạng trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 không chỉ có giá trị khoa học, mà nó còn mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Ngày càng nhiều trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo như suy chức năng gan, thận giai đoạn cuối hay ung thư nguyên bào thần kinh… được cứu sống nhờ vào ghép tạng hoặc ghép tế bào gốc kịp thời.

Bên cạnh Trung tâm Tim mạch trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Trung tâm Ung thư trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, việc thành lập Trung tâm Ghép tạng trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 là minh chứng cho định hướng phát triển chuyên sâu y tế của thành phố.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI