Phát biểu góp ý tại Hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số (CĐS) và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TPHCM (HCM LGSP) sáng 22/7, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là lúc phải xác định dữ liệu quý như là “dầu mỏ”, trí tuệ nhân tạo (TTNT) là “công cụ khai thác” và đổi mới thể chế.
Đẩy mạnh đổi mới thể chế
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, CĐS chủ yếu liên quan đến chuyển đổi mô hình thể chế để chấp nhận cái mới là “data thị trường” mà thôi.
Ông cũng cho rằng, bên cạnh đầu tư dài hạn về nghiên cứu các công nghệ dữ liệu phục vụ CĐS như TTNT và big data, Chính phủ nên chi tiêu nhiều hơn cho CĐS.
“Chi tiêu vào đâu thì chỗ đó phát triển. TPHCM cũng nên chi tiêu nhiều hơn cho CĐS, làm kích hoạt ban đầu cho CĐS. Các quốc gia phát triển như Hàn Quốc đều thành công và đứng đầu về chính phủ điện tử. Họ đã chi một khoản ngân sách lớn cho quyết tâm này”, ông nói.
|
Hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số (CĐS) và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TPHCM ngày 22/7 - Ảnh: Quốc Ngọc |
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ, chính quyền thành phố luôn đề cao ý thức rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động toàn diện đến các mặt của đời sống kinh tế xã hội, thì CĐS chính là cơ hội biến nguy thành cơ. Từ đó cho thấy yêu cầu thành phố phải nỗ lực nhiều hơn, đưa chương trình CĐS trở thành yếu tố quan trọng trong việc hoàn thành “mục tiêu kép”.
Ông cho rằng xu thế chung ở châu Á, kinh tế số (KTS) đã chiếm 25% GDP vào năm 2019 và dự kiến sẽ lên đến 60% GDP vào năm 2021.
“Tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, với nhiều lợi thế trong phát triển KTS, đây là thị trường mới nổi, tăng trưởng bình quân 40%/năm và có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu Đông Nam Á”, ông Phong cung cấp thông tin.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, KTS của thành phố đạt 25% GRDP, đến năm 2030, con số này sẽ 40% GRDP của TPHCM. Đồng thời, thành phố xác định sẽ tập trung vào 10 lĩnh vực trọng tâm phát triển KTS là y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực.
Cùng với đó, TPHCM sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ và thúc đẩy CĐS tại các doanh nghiệp (DN), đặc biệt DN công nghệ thông tin và truyền thông trong tiên phong nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ số.
Đối với chính quyền số, lãnh đạo thành phố cho biết đã tích hợp nhiều dịch vụ số hoá phục vụ người dân và DN, ứng dụng TTNT để hỗ trợ ra quyết định dựa trên xử lý dữ liệu lớn và dữ liệu tích hợp trên toàn thành phố.
“Ngoài ra, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh kho dữ liệu chung, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở. Đây là kênh thông tin chia sẻ tài nguyên, dữ liệu giúp người dân, DN tìm kiếm và cập nhật nhằm phục vụ cho cuộc sống, công việc kinh doanh và đầu tư của mình”, ông Phong nói.
Đưa CĐS vào đầu tư công trung hạn và chương trình kích cầu
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành, quận huyện tập trung, khẩn trương xây dựng kế hoạch CĐS theo từng ngành, lĩnh vực phụ trách, hoàn thành trước 15/8. Các cấp lập danh mục các chương trình, dự án thực hiện CĐS gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, trình UBND thành phố để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của thành phố.
Ông yêu cầu trước ngày 31/8, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành uỷ hoàn thành kế hoạch truyền thông cho chương trình CĐS giai đoạn 2020-2030.
“Bởi vì trung tâm của CĐS là người dân. Do vậy, chương trình truyền thông phải chặt chẽ và có hiệu quả theo từng ngành, từng đối tượng, lĩnh vực cho phù hợp”, ông Phong nêu.
Trước 15/9, ông Phong giao Sở Kế hoạch - Đầu tư phải hoàn thành khẩn trương bổ sung các công trình, dự án thuộc chương trình CĐS vào chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM. Sở lập danh mục các công trình, dự án thuộc chương trình CĐS để xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành uỷ TPHCM - cho rằng, mục tiêu cuối cùng của DN khi ứng dụng giải pháp thông minh trên nền tảng số hoá thì năng suất lao động và chất lượng phải tăng, còn chi phí phải giảm.
Tuy nhiên, nếu DN không thấy, không “chạm” vào được thì sẽ không muốn làm. “Do đó, tôi đề nghị phải có một trung tâm giới thiệu các giải pháp thông minh của các DN, kết nối với các DN tự động hóa toàn thành phố để có thể trực quan hoá các giải pháp công nghệ, các ứng dụng của từng ngành nghề”, ông Nhân nói.
Về đào tạo nhân lực, theo Bí thư, tại Đại hội Đảng bộ TPHCM sắp tới, có 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm, trong đó có nhánh đào tạo nhân lực tự động hoá thuộc 8 lĩnh vực phải đạt trình độ quốc tế.
Quốc Ngọc