Ý đồ lớn
Liên quan đến việc Tập đoàn ở Thiên Tân là Tianjin Union Development Group (UDG) Trung Quốc xây dựng cảng nước sâu (khoảng trên 11 m) sắp hoàn thành tại tỉnh Koh Kong của Campuchia, Ths. Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông nhận định, đây là kế hoạch nằm trong toan tính lâu dài của Trung Quốc.
|
Ảnh minh họa |
Ths. Hoàng Việt cho biết, Trung Quốc không chỉ làm cảng nước sâu ở Campuchia mà còn ở những nơi khác, trong đó có Châu Phi, Pakistan và một số quốc gia khác ở châu Á như: Thái Lan, Myanmar, Indonesia. Đây là việc nằm trong chiến lược của Trung Quốc trở thành cường quốc biển, vươn sức mạnh của mình ra nhiều phía và chi phối nhiều nơi.
“Cảng nước sâu ở Campuchia có 1 số điểm đáng lưu ý. Thứ nhất nó nằm sâu trong vịnh Thái Lan và nơi này là một phần trong biển Đông. Thứ hai trong bối cảnh gần đây, khi quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN căng thẳng, đặc biệt là cách ứng xử của Campuchia với ASEAN và Trung Quốc trái ngược nhau thì cho thấy chiến lược sử dụng sức mạnh của Trung Quốc bắt đầu có hiệu quả.
Đó là chiến lược “một vành đai, 1 con đường”. Và đương nhiên chiến lược này cũng nhằm mục đích là làm sao để Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Và để đạt được điều đó thì bước quan trọng đầu tiên đó là Trung Quốc phải làm chủ được biển Đông”, Ths. Việt lưu ý.
Nhìn nhận một cách sâu xa hơn về tầm quan trọng của biển, Ths. Việt cho rằng, trong tương lai tất cả các nền kinh tế phát triển phải phụ thuộc vào biển rất nhiều.
Không những biển mang lại nguồn tài nguyên lớn mà nó còn là đường giao thông tiện lợi nhất và rẻ nhất. Chính vì thế mục đích lớn nhất của Trung Quốc khi xây dựng các cảng nước sâu ở nhiều khu vực là nằm kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa thương mại.
“Trung Quốc là công xưởng sản xuất của thế giới nhưng việc vận chuyển hàng hóa còn yếu. Nếu hệ thống các cảng biển của Trung Quốc kết nối với nhau từ Á sang Phi, từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam thì họ sẽ phân phối và đưa các sản phẩm đi khắp nơi.
Đặc biệt là sức mạnh hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc sẽ đe dọa tất cả các nước khác trong nền kinh tế cạnh tranh. Chính vì vậy khi họ kết nối thành công như vậy thì sẽ trở thành cường quốc biển thực sự. Với những lợi thế về vốn, tiềm lực như hiện nay chắc chắn trong tương lai Trung Quố sẽ làm được như vậy”, Ths Việt nhấn mạnh.
Cái bẫy của Trung Quốc
Đưa ra quan điểm trước ý kiến cho rằng việc đưa cảng nước sâu tại Campuchia vào hoạt động Trung Quốc đang thể hiện tham vọng thay thế cảng bốc dỡ, trung chuyển hàng hóa hiện tại ở Singapore, Ths. Hoàng Việt cho rằng, điều này sẽ khó có khả năng xảy ra:
“Khả năng cảng nước sâu của Campuchia cạnh tranh với Singapore tôi cho rằng rất khó. Bởi vì cảng biển của Singapore nằm ở vị trí hoàn toàn khác, thuận lợi hơn nhiều. Nó nằm ở eo biển Malacca và ở khu vực đi lại rất nhộn nhịp.
Hơn nữa, công nghệ về cảng biển của Singapore đã có từ lâu, dịch vụ của họ cũng tốt. Vì thế trong một sớm một chiều để Trung Quốc cạnh tranh thì sẽ rất khó. Cho nên việc thay thế Singapore vào lúc này tôi nghĩ là không thể được”.
Theo Ths Hoàng Việt, cùng với việc xây cảng nước sâu tại Campuchia, thời gian qua, Trung Quốc cũng đang tìm cách thúc đẩy dự án kênh đào Kra cắt ngang qua Thái Lan để kết nối Vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương. Tuy nhiên dù đã được nhắc đến hơn 20 năm qua, nhưng dự án vẫn bế tắc và đang nằm trên giấy.
“Trong trường hợp Trung Quốc hỗ trợ Thái Lan xây được kênh đào Kra thì sẽ là chuyện khác. khi đó cảng biển của Singapore sẽ bị lu mờ trước Thái Lan và Campuchia.
Bởi vì con đường đi qua Kra ngắn hơn và an toàn hơn đi qua eo biển Malacca. Tuy nhiên việc xây dựng này vẫn nằm trong giả định. Việc này đã tiến hành trong 20 năm rồi nhưng kênh đào Kra vẫn chưa thể khởi động được và chưa có bước tiến gì vượt trội cả.
Thực tế để làm được điều này thì tiềm lực kinh tế phải rất mạnh và cần phải thật sự quyết tâm. Nhưng mà Thái Lan hiện cũng tồn tại nhiều vấn đề, trong đó có việc nền chính trị chưa ổn định nên họ chưa dám làm”, Ths Việt phân tích.
Thêm vào đó, Ths Việt cũng lưu ý các nước đang được Trung Quốc mời chào cho vay vốn để thực hiện dự án cảng biển kết nối, nhằm cụ thể hóa kế hoạch “một vành đai, một con đường”. Có 2 yếu tố mà vị chuyên gia nhắc đến, đó là về khoản vay vốn kéo dài với lãi suất cao và công nghệ lạc hậu, không đảm bảo chất lượng công trình.
“Các nước khi nhận được lời đề nghị của Trung Quốc cần phải cân nhắc. Bởi lẽ từ những thực tế dự án của chúng ta được Trung Quốc hỗ trợ thì thứ nhất họ không cho vay đơn thuần mà phải có lãi. Ở đây lãi suất không hề rẻ.
Thứ hai là công nghệ của Trung Quốc thường giá rẻ và lạc hậu. Điều này khiến nhiều nước phải cân nhắc và thận trọng. Không nên chỉ nhìn vào khoản tiền mà họ đưa ra để đưa ra các quyết định vay vốn đầu tư.
Gần đây Trung Quốc hứa cho Thái Lan vay tiền để làm một tuyến đường sắt kết nối giữa 2 nước, nằm trong kế hoạch một vành đai, một con đường. Tuy nhiên Thái Lan từ chối vì cho rằng hiệu quả kinh tế thấp, chủ yếu phục vụ cho người dân Trung Quốc sang Thái Lan. Nếu tuyến đường được triển khai và đi vào hoạt động có thể gây mất ổn định về xã hội, kinh tế và còn nhiều vấn đề khác.
Thứ hai là với lãi suất Trung Quốc cho Thái Lan vay khá cao thì với hiệu quả kinh tế không cao, khả năng Thái Lan bị lỗ không hề nhỏ. Và khi đó họ sẽ là một con nợ và phải phụ thuộc vào Trung Quốc”, Ths Việt nêu rõ.
Cần thận trọng
Phân tích những tác động tới Việt Nam, Ths Việt lưu ý, chúng ta cũng phải hết sức thận trọng và tỉnh táo khi cảng nước sâu ở Campuchia đi vào hoạt động. Bởi lẽ Campuchia rất gần Việt Nam và khả năng cảng biển của họ cạnh tranh với chúng ta là điều có thể xảy ra.
“Trước đây Campuchia không phải là quốc gia phát triển lắm nên hệ thống cảng biển họ không được chú trọng vì không hoạt động nhiều. Bây giờ Trung Quốc đầu tư vào thì tôi cho rằng nó phục vụ chủ yếu mục đích của Bắc Kinh. Tiềm năng, lợi thế về vốn của Trung Quốc là chính và nó sẽ cạnh tranh với hệ thống cảng biển của Việt Nam.
Trong khi đó các cảng biển của Việt Nam thì hoạt động vẫn còn kém. Trong trường hợp này nếu Việt Nam không thay đổi về năng lực thì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng vận chuyển của Việt Nam”, Ths Việt lo lắng.
Đánh giá vấn đề một cách khách quan nhất, Ths. Hoàng Việt cho rằng, khi Trung Quốc phát triển một loạt hệ thống cảng biển và thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hải giữa các nước trong khu vực và trên thế giới thì Việt Nam cũng có thêm cơ hội. Tuy nhiên so với tiềm năng hiện có của chúng ta thì cái hại sẽ nhiều hơn cái lợi.
“Nếu chiến lược “một con đường” của Trung Quốc làm cho tất cả các quốc gia cùng phát triển thì Việt Nam cũng nằm trong số đó. Nếu chúng ta tận dụng tốt thì sẽ được hưởng lợi.
Điều quan trọng nhất trong các hiệp ước đa phương như thế này là Việt Nam phải có năng lực cạnh tranh tốt. Tuy nhiên trong trường hợp này tính cạnh tranh của chúng ta không tốt lắm nên cái hại nhiều hơn cái lợi”, Ths Việt khẳng định.
Tuyền Châu