Trung Quốc xả nước lần hai xuống hạ lưu sông Mekong: Ít hơn lần một

28/04/2016 - 09:28

PNO - Dự kiến sẽ mất khoảng 18-20 ngày nguồn nước mới này sẽ về đến Đồng bằng sông Cửu Long

Trung Quoc xa nuoc lan hai xuong ha luu song Mekong: It hon lan mot
Trung Quốc xả nước "cứu hạn''. Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được thông báo, Trung Quốc đã tăng xả trở lại, bổ sung nguồn nước cho hạ du sông Mekong từ 21/4 đến ngày 31/5 với lưu lượng 1.500 m3/giây, thấp hơn so với đợt trước (2.190 m3/giây).

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết tại hội nghị “Kêu gọi hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam,” ngày 26/4, tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, từ đầu đến giữa tháng 4, mực nước trên sông Mekong đã tăng lên và giúp giảm nhẹ tình trạng xâm nhập mặn. Sau đó mực nước đã giảm xuống, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gia tăng trở lại.

Với lượng xả như trên sẽ có tác động tích cực nhằm giảm bớt tình trạng xâm nhập mặn ở một số khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long khi nguồn nước xả này về đến Việt Nam.

Dự kiến sẽ mất khoảng 18-20 ngày nguồn nước mới này sẽ về đến Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đó, từ 15/3 đến 10/4, Nhà máy Thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) đã xả với lưu lượng xả 2.190 m3/giây để bổ sung nước cho hạ du sông Mekong.

Như vậy, đợt xả lần hai chỉ đạt chưa đến 3/4 đợt xả nước trước. Đồng thời, lượng nước này chỉ đáp ứng phần nào khả năng cứu hạn ở hạ lưu, chứ không giải quyết được vấn đề xâm nhập mặn.

Các chuyên gia thuỷ lợi cho rằng không nên quá lạc quan bởi nước trước khi về Việt Nam sẽ bị chặn lại hầu hết ở Thái Lan, Lào, Campuchia - những quốc gia cũng đang bị hạn hán nặng nề.

Trên thực tế, tình trạng xâm nhập mặn vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất đã lên tới hơn 90km (chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn), độ mặn lớn nhất tại các khu vực lớn hơn và vào sâu hơn trung bình nhiều năm từ 10 – 25 km. Hiện có 11/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu ( DRAGON), Đồng bằng sông Cửu Long cần lưu lượng 10.000 m3/ giây, trong khi lưu lượng nước hiện thời chỉ đáp ứng 1/3, nhiều vùng lúa đã chết hoặc tổn thất đến 70-80% nên nước về lúc này cũng không có ý nghĩa gì.

Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng chảy xuyên qua tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Trên hệ thống sông Mekong – dòng chảy cung cấp nước ngọt huyết mạch của Đông Nam Á, Trung Quốc đã xây dựng 6 con đập thủy điện và đang có kế hoạch xây thêm 14 con đập nữa.

Những con đập đó đang làm thay đổi rất lớn chất lượng nước và dòng chảy, làm giảm đáng kể lượng phù sa màu mỡ xuống hạ nguồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu nông dân, ngư dân sinh sống nhờ vào những dòng sông này.

Huy Bách (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI