Trung Quốc vừa căng thẳng quân sự với Indonesia, vừa sắp bị Nhật Bản kiện

15/07/2016 - 06:22

PNO - Trung Quốc vẫn đang trong thời kì chưa dứt điểm vụ kiện với Philippines thì nước này lại đang đứng trước nguy cơ bị Nhật Bản kiện do xâm phạm chủ quyền, cũng vì lý do này, Bắc Kinh cũng đang gây căng thẳng quân sự với Indonesia

Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác yêu sách "đường 9 đoạn” của Trung Quốc, Nhật Bản không chỉ cùng Philippines tập trận chung ở vùng biển gần Manila, mà đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền ở nước này còn quyết định yêu cầu Chính phủ kiện Trung Quốc.

Ngày 13/7, hãng tin Kyodo đưa thông tin, Ủy ban về khai thác tài nguyên biển Hoa Đông thuộc đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản đã cơ bản quyết định sẽ yêu cầu chính phủ Nhật Bản đệ trình trình tự pháp lý ở Tòa trọng tài thường trực PCA, căn cứ theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Trung Quoc vua cang thang quan su voi Indonesia, vua sap bi Nhat Ban kien
Nhật Bản sẽ kiện Trung Quốc vì phá vỡ thỏa thuận khai thác dầu khí ở biển Hoa Đông.

Ủy ban Khai thác tài nguyên biển Hoa Đông thuộc LDP cho rằng sau khi kết quả phán quyết vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông được công bố, Chính phủ Nhật Bản nên tận dụng tối đa vai trò của cơ quan tư pháp quốc tế.

Động thái này nhằm ngăn chặn và buộc Trung Quốc dừng hoạt động khai thác tại các mỏ dầu khí trên biển Hoa Đông.

Bởi xung quanh vấn đề mở khí đốt Xuân Hiểu ở biển Hoa Đông, dù năm 2008 Nhật-Trung đã đạt được thỏa thuận cùng khai thác, nhưng hiện nay Trung Quốc đang đơn phương tiến hành khai thác. LDP cho rằng hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại quy định Điều 76 của UNCLOS.

Nội dung chủ yếu của thỏa thuận Trung-Nhật năm 2008 gồm: Hai nước cùng khai thác tài nguyên ở một khu vực được xác định bằng hiệp thương: Hoan nghênh pháp nhân Nhật Bản tham gia khai thác ở mỏ dầu Xuân Hiểu theo quy định của luật pháp Trung Quốc về hợp tác đối ngoại để khai thác dầu khí đại dương.

Trung Quoc vua cang thang quan su voi Indonesia, vua sap bi Nhat Ban kien
Trung Quốc điều tàu tuần tra đến mỏ dầu khí Xuân Hiểu trên biển Hoa Đông

Căng thẳng giữa hai nước Trung - Nhật bùng phát tháng 9/2010 khi Nhật bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc do tàu này va chạm với hai tàu tuần tra biển của Nhật gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung, Nhật cùng tuyên bố chủ quyền. Căng thẳng ngoại giao khiến thỏa thuận về khai thác chung trên biển bị gác lại cho đến nay.

LDP khẳng định, Đảng này tin rằng cần vận dụng một cách đầy đủ cơ quan tư pháp quốc tế sau thành công của Philippines đối với vụ kiện của Trung Quốc về căn cứ pháp lý của "Đường chín đoạn" mà nước này áp đặt trên Biển Đông.

Trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, LDP đặt kế hoạch hoàn thành nội dung cụ thể của phương án kiện Trung Quốc ra PCA, và gửi yêu cầu tới Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tháng 7.

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, Bộ ngoại giao Trung Quốc trước đó từng nhiều lần tuyên bố hoạt động khai thác dầu khí mà nước này tiến hành trên biển Hoa Đông "nằm ở vùng biển thuộc quyền quản lý không tranh cãi của Trung Quốc", đồng thời cảnh cáo Nhật Bản "không có quyền phát ngôn bừa bãi".

Truyền thông Nhật Bản cho biết thêm LDP dự định sẽ quyết định nội dung cụ thể trong tháng 7 này và sẽ nêu yêu cầu khởi kiện Trung Quốc với Thủ tướng Shinzo Abe.

Ông Yoshiaki Harada, Chủ tịch Ủy ban khai thác tài nguyên trên Biển Hoa Đông đã lắng nghe ý kiến từ Bộ ngoại giao và Bộ tư pháp Nhật trong giai đoạn thảo luận.

Có thể thấy sau vụ kiện tụng với Philippiens, Trung Quốc vẫn còn "lằng nhằng" chưa chịu thực thi phán quyết thì nước này lại liên tiếp gây căng thẳng về vấn đề chủ quyền với các nước lân cận khác.

Được biết, ngoài Nhật Bản, Philippines, hiện nước này đang trong thời kì xung đột leo thang với Indonesia. Các tàu cá của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi chính phủ nước này và được hộ tống bởi các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, xâm phạm ngày càng nhiều các khu vực lãnh hải của Indonesia. Đây là lý do tại sao Indonesia lựa chọn các tàu cỡ lớn để truy đuổi và bắt giữ những tàu cá đánh bắt trái phép. Điều này cho thấy Indonesia sẽ không chấp nhận bất cứ hoạt động đánh bắt cá trái phép nào trong lãnh hải của nước này.

Trung Quoc vua cang thang quan su voi Indonesia, vua sap bi Nhat Ban kien
Trung Quốc cũng đang gây căng thẳng với Indonesia về vấn đề chủ quyền

Trung Quốc đang tìm cách khiêu khích quan điểm rõ ràng của Indonesia về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Lần đầu tiên, Trung Quốc thừa nhận rằng hai nước có tuyên bố chồng lấn về chủ quyền trong vùng biển xung quanh khu vực quần đảo Natuna, nằm ở phía Nam Biển Đông. Theo giới quan sát, bất đồng giữa Trung Quốc và Indonesia chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đánh bắt cá. Trung Quốc bao biện rằng, nước này có “chủ quyền lịch sử” ở những khu vực biển gần Indonesia để tiến hành khai thác khí đốt hay đánh bắt cá, dù tuyên bố này không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Indonesia khẳng định vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, vốn đã được Công ước về luật biển của Liên hợp quốc quy định, là vùng đặc quyền bảo vệ kinh tế của nước này, đặc biệt là đối với các hoạt động đánh bắt cá.

Trong những tháng qua, Indonesia đã thực hiện các biện pháp được cho là thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc. Hồi cuối tháng Năm, nước này đã công bố Sách Trắng quốc phòng lần đầu tiên trong gần thập niên qua.

Indonesia cũng kêu gọi xây dựng các cơ sở cho Không quân và Hải quân ở quần đảo Natuna. Ngoài ra, Indonesia cũng bắt đầu điều tàu chiến của Hải quân tới để đối phó với tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, vốn được điều đi để bảo vệ cho các tàu của ngư dân nước này.

Ông Don Emmerson, Giám đốc chương trình Đông Á của Đại học Stanford, nhận định: “Đang có sự leo thang từ phía Indonesia trong cách điều các tàu ra khu vực có tranh chấp. Giờ đây, Hải quân Indonesia đang can dự vào vấn đề xua đuổi các tàu cá Trung Quốc. Rõ ràng mục đích là để bảo đảm an ninh nước này, nhưng dấu hiệu khác cho thấy có sự thay đổi bản lề trong quan điểm của Jakarta”.

Có thể thấy, dù bị thế giới đồng loạt quay lưng nhưng Trung Quốc vẫn cứng đầu giống như kẻ "điếc không sợ súng", tuy nhiên, càng ngày càng nhiều quốc gia dám đứng lên mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước mình, điều này sẽ kiềm chế được tham vọng nuốt chửng biển Đông của Trung Quốc đáng kể.

Nhật Bản không những là một nước lớn trong khu vực mà còn là nước có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, vậy nên nước này không có nhiều lý do để kiêng nể Trung Quốc, chuyên gia nhận định, vụ kiện Nhật Bản - Trung Quốc sẽ diễn ra trong tương lai không xa nữa.

Tiêu Giao (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI