Trung Quốc với dư chấn Shangri-La

04/06/2014 - 10:55

PNO - PN - Quan hệ giữa Trung Quốc (TQ) và các nước ASEAN đã bước sang một trang mới từ sau Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 13 (Đối thoại Shangri-La) ở Singapore. Nhận định về các phiên thảo luận, nhật báo hàng đầu của...

edf40wrjww2tblPage:Content

Shangri-La không chỉ nóng trong phòng họp, với những phát biểu trực diện và thái độ quyết liệt của các diễn giả, nóng trong phần chất vấn thảo luận, mà còn tạo thành dư chấn đối với TQ sau khi khép lại hội nghị.

Có thể kể những “nguồn lửa” tạo nên sức nóng trên, từ việc Nhật Bản muốn có vai trò lớn hơn tại khu vực, thông qua phát biểu của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tiếp theo là việc Hoa Kỳ chỉ trích mạnh mẽ TQ, nhấn mạnh chính sách xoay trục châu Á của mình, với phát biểu “đanh thép” của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel rằng, Washington không thể làm ngơ nếu nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức. Đó còn là việc Bắc Kinh “phản đòn” Tokyo và Washington, cho rằng hai nước đồng minh này đã hè nhau “khiêu khích và ác ý”, đi ngược tinh thần của Đối thoại Shangri-La.

Tuy nhiên, ngòi nổ thật sự kích hoạt “lò lửa” Shangri-La lần này là việc TQ gây căng thẳng ở Biển Đông khi hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tấn công tàu chấp pháp và ngư dân Việt Nam.

Truyền thông TQ đã ra rả giọng điệu lừa bịp cố lật ngược tình thế bị cô lập toàn diện của Bắc Kinh tại Đối thoại Shangri-La 2014, khi nói “các đại biểu đánh giá cao phản ứng của TQ trước những nhận xét ác ý từ phía Nhật Bản và Hoa Kỳ và trông đợi Bắc Kinh có vai trò lớn hơn để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực”. Sự ngụy biện, dối trá của TQ tiếp tục thổi bùng ngọn lửa của công luận. Phản bác lại ý kiến truyền thông TQ, tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) có bài xã luận "TQ phải dừng hành vi hung hăng ở Biển Đông", trong đó nêu: “Những hành động dùng vũ lực của TQ bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là điều hiển nhiên. TQ cần suy nghĩ nghiêm túc về việc họ nên hành xử thế nào mới xứng tầm với một nước lớn có trách nhiệm”.

Trung Quoc voi du chan Shangri-La

Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston - Ảnh: Getty Images

Phát biểu khai mạc Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 28 tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) tối 2/6, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhấn mạnh, các bên phải kiên định với nguyên tắc phi bạo lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp, không nên có bất kỳ hành động nào làm trầm trọng thêm tình hình, khiến căng thẳng leo thang.

Một ngày sau Hội nghị Shangri-La, trả lời phỏng vấn báo Sydney Morning Herald hôm 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston tuyên bố: “Cả Mỹ, Úc và Nhật đều rất lo ngại về những hành động đơn phương gây bất ổn, đặc biệt tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Tạp chí Anh The Economist bình luận, quan điểm chung của các đại biểu tại Shangri-La là tướng Vương Quán Trung, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội TQ, đã “bảo vệ quan điểm của TQ một cách tệ hại, lập luận của ông ta vụng về và có phần trẻ con khi nói không phải TQ khiêu khích, mà các nước khác đã làm như vậy”. Để rồi cuối cùng, ông Vương Quán Trung đã phải ngắc ngứ trước hàng loạt câu hỏi về “đường chín đoạn”.

Trong bài bình luận trên tạp chí The National Interest (Mỹ), nhà phân tích Abraham Denmark thuộc Cục Nghiên cứu châu Á của Mỹ khẳng định: “Bắc Kinh là nhân tố chính gây ra căng thẳng và khủng hoảng trong những cuộc tranh chấp này”. Ông Denmark cũng chỉ ra, cái gọi là tuyên bố chủ quyền của TQ thông qua “đường chín đoạn” chỉ dựa trên yếu tố lịch sử mơ hồ, hoàn toàn không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Chưa kể, tờ The Nation của Thái Lan dẫn lời giáo sư Eric Posner, Đại học Chicago (Mỹ): trong khi các nước nhỏ tuân thủ nghiêm túc UNCLOS thì TQ “chỉ ký lấy lệ” rồi phớt lờ công ước này để phục vụ mưu đồ chiếm trọn Biển Đông.

Trung Quoc voi du chan Shangri-La

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp ở Biển Đông - Ảnh: VIA

Vừa qua, Gazeta.ru, một trong các báo mạng hàng đầu của Nga đăng bài viết Người Việt Nam không bao giờ chấp nhận. Bài báo công phu, dẫn nhiều sử liệu được giới chuyên môn công nhận, chứng tỏ quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.

Đặc biệt, Gazeta.ru viết lại một sự kiện được nhắc đến nhiều trong các tài liệu của phương Tây là khoảng năm 1895-1896, tàu Bellona của Đức và tàu Ymedi Maru của Nhật chở hàng cho Anh bị đắm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Người dân Hải Nam của TQ đã chia nhau số kim loại quý, việc này khiến chính quyền Anh không hài lòng. Khi đó, nhà chức trách TQ đã lưu ý với chính quyền Anh rằng Hoàng Sa không phải là lãnh thổ TQ, vì vậy chính quyền nước này không chịu trách nhiệm những gì đã xảy ra tại đó.

 QUẾ LÂM (Theo Reuters, Xinhua, Kyodo, Gazeta.ru, TTXVN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI