Trung Quốc và nỗi lo dân số già

07/01/2019 - 09:00

PNO - Số trẻ chào đời ở Trung Quốc trong năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000, báo hiệu cuộc khủng hoảng dân số lâu dài ở quốc gia 1,4 tỷ dân.

Trung Quoc va noi lo dan so gia
Dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh 1,44 tỷ người vào năm 2029 và bắt đầu thời kỳ giảm liên tục từ năm 2030

Theo SCMP, từ năm 2016, Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách hai con, khuyến khích người dân sinh thêm con sau nhiều thập niên bị khống chế dưới lệnh cấm sinh con thứ hai. Theo thống kê ban đầu, số ca sinh ở Trung Quốc trong năm 2018 giảm xuống dưới 15 triệu ca - ít hơn 2 triệu ca so với năm 2017. Năm 2016, con số tương ứng là 17,86 triệu ca, năm 2015 là 16,55 triệu ca.

Trong báo cáo phân tích về tình hình dân số Trung Quốc, nhà nghiên cứu Yi Fuxian thuộc Đại học Wisconsin - Madison và nhà kinh tế học Su Jian ở Đại học Bắc Kinh viết: “Một quốc gia có dân số đông nhất thế giới đang bị thu nhỏ dần thành nhóm người già yếu, khiến chính sách phát triển dân số của Trung Quốc bắt đầu sai hướng, ảnh hưởng nghiêm trọng về sau”.

Ở Sơn Đông - một trong những tỉnh đông dân nhất Trung Quốc, tính từ đầu năm đến tháng 11/2018, số ca sinh là 64.753 - giảm 26% so với cùng kỳ năm 2017. Theo Sách Xanh về dân số và lao động vừa được Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố, dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh 1,44 tỷ người vào năm 2029 và bắt đầu thời kỳ giảm liên tục từ năm 2030. Hậu quả sẽ là thiếu hụt lực lượng lao động trẻ và dư thừa người già.

Theo dự đoán của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đến năm 2035, dân số già ở Trung Quốc sẽ là 400 triệu người. Hiện số người già ở Trung Quốc là 240 triệu người. Dân số Trung Quốc sẽ giảm còn 1,36 tỷ người vào khoảng giữa thế kỷ này, nghĩa là sẽ mất đi 200 triệu lao động. Nếu tốc độ sinh không thay đổi, dân số Trung Quốc có thể giảm còn 1,17 tỷ người vào năm 2065.

Truyền thông Trung Quốc đã nỗ lực khuyến khích người dân sinh thêm con thứ hai. Tháng 8/2018, tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc dành hẳn một trang lớn để đăng bài Có con là chuyện của mỗi gia đình, nhưng cũng là việc của đất nước. Bài báo dẫn chứng trường hợp của anh Wang Lin, chia sẻ về quyết định có con thứ hai: “Sau khi em bé thứ hai chào đời, con đầu lòng của tôi nhanh chóng nhận ra rằng mình cần một em gái. Con ý thức hơn về việc mình cần sự chia sẻ và gia đình nhỏ trở nên sống động và ấm áp hơn”.

Wang Lin thừa nhận, việc sinh con thứ hai là điều vợ chồng anh phải cân nhắc. Một trong những yếu tố chi phối là ngành chăm sóc trẻ sơ sinh của Trung Quốc chưa tạo điều kiện cho số đông gia đình. 

Sun Zhongyue (27 tuổi) là một kiểm toán viên ở Bắc Kinh. Cô đang có thai con đầu lòng và ngay từ bây giờ cô đã quyết định không sinh con thứ hai. Nguyên nhân là cô không muốn công việc bị gián đoạn quá nhiều, thêm nữa là chi phí giáo dục cũng như các chi phí xã hội khác quá cao. Thế hệ cha mẹ của Sun Zhongyue chỉ sinh một con nên giờ đây Sun Zhongyue là chỗ dựa của cha mẹ mình. Nghĩ đến trách nhiệm trước mắt, cô không còn tâm trí nào tính chuyện sinh thêm con. Cô chia sẻ: “Nuôi lớn một đứa trẻ là hành trình rất căng thẳng. Nó tốn cả tiền bạc và sức lực”. 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI