Trung Quốc và 'cơn khát' dầu sau tình hình bất ổn tại vùng Vịnh

28/09/2019 - 14:00

PNO - Là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự bất ổn ở Trung Đông, cũng như từ mối quan hệ khốc liệt của Mỹ với Iran.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Bắc Kinh mua rất nhiều dầu thô từ Ả rập Saudi và đang đầu tư mạnh vào Iran. Vì vậy, Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự bất ổn ở Trung Đông, cũng như từ mối quan hệ khốc liệt của Mỹ với Iran.

Trung Quoc va 'con khat' dau sau tinh hinh bat on tai vung Vinh
Dù giảm hạn ngạch nhập khẩu dầu thô hơn 20% trong năm 2019, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới - Ảnh: Reuters

“Cơn khát” dầu của Trung Quốc

Cuộc tấn công vào các cơ sở dầu khí của Ả rập Saudi hôm 14/9 làm giảm nguồn cung 5,7 triệu thùng dầu mỗi ngày trên thị trường thế giới. 

Trong những thập niên gần đây khi Trung Quốc phát triển, dầu là nguồn nhiên liệu thiết yếu trong mọi ngành sản xuất. Tuy năm 2019, Bộ Thương mại Trung Quốc giảm hơn 20% hạn ngạch nhập khẩu dầu cho 58 công ty lớn, xuống còn 89,84 triệu tấn và các cơ sở tinh chế tư nhân xuống 70,65 triệu tấn; quốc gia này vẫn tiêu thụ khoảng 12 triệu thùng mỗi ngày với 70% nguồn cung dầu thô đến từ nước ngoài. Theo Cục Nghiên cứu quốc gia châu Á có trụ sở tại Seattle (Mỹ), Trung Quốc nhận khoảng 4,5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ vịnh Ba Tư.  

Nga và Ả rập Saudi liên tục cạnh tranh vị trí hàng đầu trong số các nhà cung cấp dầu cho Trung Quốc trong nhiều năm, tiếp theo là Iraq, Iran, Kuwait, Qatar... Dù Nga chiếm vị trí hàng đầu suốt ba năm qua, Ả rập Saudi dần thay thế ngôi vương trong bảy tháng đầu năm 2019 khi nguồn cung tăng 46,7% lên 1,55 triệu thùng mỗi ngày.

Sự gián đoạn nguồn cung tồi tệ nhất từ trước đến nay

Sự phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu của Ả rập Saudi có thể khiến Trung Quốc tranh giành thị trường để bù đắp thiếu hụt, giúp đẩy giá cao hơn. Nhưng đối với Trung Quốc, điều kiện hiện tại rất khác so với năm 2014 - khi giá dầu tăng trên 100 USD/thùng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại sau một thập niên tăng vọt, và những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh giảm 22% so với năm 2014. Trung Quốc có thể không còn đủ khả năng chi trả cho chính sách tăng nhập khẩu dầu bằng mọi giá.

Hai ngày sau vụ đánh bom, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc tuyên bố tăng trưởng hằng năm trong sản xuất công nghiệp giảm 4,4% trong tháng Tám so với 4,8% trong tháng Bảy, tạo nên xu hướng yếu nhất trong hơn 17 năm. Derek Scissors - nhà kinh tế châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington - cho rằng giá dầu cao hơn có thể gây áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc theo thời gian: “Vấn đề không phải giá cả cao bao nhiêu, mà là sự gián đoạn kéo dài bao lâu”.

Trung Quốc cần Iran, nhưng không muốn đối đầu trực tiếp với Mỹ

Vòng đàm phán mới vào tháng Mười dự kiến đưa Trung Quốc và Mỹ đến gần hơn trong việc giải quyết tranh chấp thương mại. Nhưng ngay cả khi điều đó trở thành sự thật, việc phân chia lợi ích quốc gia vẫn tiếp tục dẫn đến cuộc đụng độ về kinh tế giữa hai “gã khổng lồ”. 

Trung Quốc cần dầu và không bao giờ bận tâm đến tình trạng quan hệ giữa Iran với Mỹ. Do đó, cơn khát dầu có thể đẩy lùi mong muốn ngoại giao của Bắc Kinh trong việc tránh xung đột với Washington. Theo tạp chí Petroleum Economist, Trung Quốc đang chuẩn bị đầu tư 280 tỷ USD vào các lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu của Iran. 

Đổi lại, Trung Quốc sẽ có thể mua các sản phẩm năng lượng từ Iran với giá rẻ. Khi Washington siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, các công ty dầu khí lớn nhất của Trung Quốc ngừng giao dịch với Tehran, nhưng Bắc Kinh cũng tạo ra các công ty vỏ bọc, giao dịch với Iran không bằng USD và nằm ngoài các lệnh trừng phạt. Mặt khác, tiến sĩ Michal Meidan từ Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford (Anh) cho biết, Trung Quốc có lợi thế của người mua lớn nhất mà các quốc gia vùng vịnh - kể cả Ả rập Saudi, cũng không muốn làm phật lòng. 

Tấn Vĩ (theo Eurasia Review, SCMP, Reuters, NPR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI