Trung Quốc từ chối nhập, các tỉnh Bình - Trị - Thiên tồn hàng ngàn tấn cá, mực

05/08/2019 - 06:39

PNO - Phía Trung Quốc từ chối nhập hàng khiến cá, mực khô ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình tồn đọng đã hơn 3 tháng qua, dân thu mua hải sản và ngư dân điêu đứng.

Chẳng ai thèm hỏi

Tại thị trấn Thuận An, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, các chủ cơ sở thu mua hải sản quy mô lớn đang “bó gối” trước sự im ắng của thị trường. Kho lạnh Chính Thủy trước đây mỗi tháng thu mua 300 - 400 tấn cá các loại từ tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân địa phương để cung ứng cho các doanh nghiệp ở địa phương và các tỉnh lân cận xuất khẩu. Ba tháng trở lại đây, điện thoại đặt mua không réo, xe đông lạnh cũng vắng hoe.

“Cơ sở chúng tôi thu mua tất cả các loại cá, đặc biệt là những loại cá xuất khẩu như ngừ, thu, hố. Hiện trong kho còn 500 tấn mà chẳng ai hỏi. Ngư dân muốn bán, chúng tôi cũng không dám mua. Lo thắt ruột nhưng đành chịu, chấp nhận bán lẻ trong tỉnh với giá rẻ mạt mà vẫn bán không chạy” - bà Nguyễn Thị Thủy, chủ cơ sở trên, cho hay.

Trung Quoc tu choi nhap,  cac tinh Binh - Tri - Thien ton hang ngan tan ca, muc
Đã vào chính vụ của nghề hấp cá, phơi khô để xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng nhiều hộ ở xã Gio Việt, H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã bỏ nghề

Kho lạnh Tám Thể do ông Trần Văn Châu làm chủ cũng đang lạnh ngắt. “Cơ sở tôi có cam kết tiêu thụ hải sản cho nhiều tàu cá ở địa phương. Hiện nay, giá cá nục đang rớt mạnh nhưng tôi vẫn cam kết tiêu thụ sản phẩm của ngư dân với giá 9.000 đồng/kg. Việc bí đầu ra khiến chúng tôi rất khó khăn, hơn 600 tấn cá các loại tồn đọng trong kho. Để đảm bảo cam kết với ngư dân, tôi phải vay mượn 3 tỷ đồng để xây dựng thêm hai kho cấp đông, dự trữ cá. Tiền “chết” hiện rất lớn, tôi không biết lấy đâu ra để trả lãi ngân hàng” - ông Châu than. 

Cơ sở thu mua đóng cửa thì ngư dân cũng chết. Ngư dân Nguyễn Văn Khế - ở thị trấn Thuận An - lo lắng: “Mấy chuyến biển vừa rồi, cá đều giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Các tàu đều lỗ chi phí dầu, đá. Nếu tình trạng này kéo dài, ngư dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn, tàu thuyền phải nằm bờ vì cơ sở không thu mua. Ngư dân chúng tôi đánh bắt xa bờ, quanh năm nhờ những cơ sở này thu mua, giờ họ không mua thì lấy đâu ra tiền để trả cho bạn (ngư dân) mỗi chuyến đi biển?”.

Tương tự, tại vùng biển Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình, hiện có hàng trăm tấn cá, mực đang tồn kho. Còn tại tỉnh Quảng Trị, hơn 23.000 lao động ngành thủy sản, tập trung chủ yếu tại huyện Gio Linh, cũng đang ca bài ca... bi đát. Ngư dân huyện Gio Linh mỗi năm khai thác khoảng 15.000 tấn, chiếm 60% tổng sản lượng hải sản trên toàn tỉnh, xuất sang Trung Quốc 6.000 tấn/năm. 

Hiện Gio Linh đã bước vào vụ chính, nhưng những cơ sở hấp cá phơi khô xuất khẩu nằm hai bên đường Xuyên Á, đoạn qua xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt, đang tạm ngừng hoạt động hoặc chỉ hấp với số lượng rất ít. Theo người dân nơi đây, thường từ 2,5kg cá nục tươi (12.000 đồng/kg), sẽ thu được 1kg cá nục khô (50.000 đồng) nhưng năm nay, thương lái không mua nên mọi người đang hoang mang. 

Trung Quoc tu choi nhap,  cac tinh Binh - Tri - Thien ton hang ngan tan ca, muc
Hàng ngàn tấn cá, mực tồn kho tại các điểm thu mua hải sản ở cảng cá Thuận An, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Chị Hồ Thị Vỹ - ở khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, H.Gio Linh - cho biết: “Gia đình tôi đang tồn đọng khoảng 22 tấn cá nục khô, có đem ra chợ bán nhưng chỉ được số lượng nhỏ. Giờ dân nơi đây như ngồi trên lửa vì cá không bán được mà phải lo đủ thứ; ngoài tiền điện bảo quản 7 triệu đồng/tháng, còn rất nhiều chi phí khác, như trả công cho người làm thuê. Nếu tiếp tục như thế này, chất lượng cá sẽ giảm, thậm chí bị hỏng, nguy cơ vỡ nợ là rất lớn”.

 Chị Nguyễn Thị Hương - chủ một lò hấp sấy cá ở biển Cửa Việt - cho biết, kho hàng của chị đang tồn 100 tấn. “Vào giữa tháng 7/2019, tôi bị trả hai container cá nục khô vì bạn hàng phía Trung Quốc đưa ra điều kiện hàng hóa phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nhưng tôi không có. Mấy hôm nay, có người tới hỏi mua cá nhưng mua số lượng ít nên tôi đang lo”.

Dân không làm, cán bộ lơ là

Lý giải việc cá rớt giá, khó tiêu thụ, bà Nguyễn Thị Thủy - chủ cơ sở kho lạnh Chính Thủy - cho rằng, thông thường, sau khi thu mua, sản phẩm của cơ sở bà và những cơ sở khác sẽ được hấp, sấy, đưa sang Trung Quốc, Philippines. Nhưng gần hai tháng nay, các thương lái không nhập sản phẩm và ép giá không bằng phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. “Bây giờ, liên lạc với các mối hàng truyền thống, họ đều lắc đầu. Họ nói không thể tiêu thụ, mình cũng đành chịu” - bà Thủy nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các cơ sở đông lạnh ở hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị thường liên kết với các doanh nghiệp chế biến tại các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Sản phẩm sau khi sơ chế được vận chuyển theo đường tiểu ngạch, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, bạn hàng Trung Quốc lấy lý do chính sách nhập khẩu được siết chặt, đòi giấy chứng nhận nguồn gốc và an toàn thực phẩm khiến cá, mực của ngư dân các tỉnh miền Trung bị ứ đọng. 

Các cơ quan chức năng cho rằng, để tiêu thụ sản phẩm, các kho đông lạnh cần mở rộng thị trường và có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản lớn trong và ngoài tỉnh. Việc kết nối không chỉ làm giảm sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định mà còn vì sự tồn tại, phát triển lâu dài, bền vững. Để làm được điều đó, phải đảm bảo các tiêu chuẩn nhất định. 

Trung Quoc tu choi nhap,  cac tinh Binh - Tri - Thien ton hang ngan tan ca, muc
Các hộ thu mua hải sản ở biển Cửa Việt, H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị khốn đốn vì thương lái Trung Quốc ngừng nhập hàng

Ông Võ Giang - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế - lý giải: “Trên thực tế, chính quyền đã nhiều lần khuyến cáo ngư dân và các tiểu thương chú trọng việc xây dựng thương hiệu, bảo đảm sự minh bạch về xuất xứ sản phẩm, chú trọng đến việc nâng cao công nghệ chế biến, áp dụng đầy đủ quy trình sản xuất thủy sản nhưng người dân chưa chịu làm” - ông Giang phân tích. 

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết, việc tồn đọng hơn 1.000 tấn cá trong kho cấp đông tại các cơ sở thu mua hải sản của tỉnh này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân, các cơ sở thu mua và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Theo ông Chính, một phần lỗi là do các cơ quan chức năng không sớm hướng dẫn người dân làm thủ tục về xuất xứ hàng hóa, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm. Khi phía Trung Quốc thay đổi phương thức nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc sản phẩm, bà con không có giấy tờ chứng minh nên không thể xuất hàng, dẫn đến tồn kho. “Nếu cá, tôm của dân không bán được thì chủ tịch huyện đi bán cá vẫn tốt, không có gì phải xấu hổ. Một khi sản phẩm ứ đọng nhiều, không chỉ chủ tịch huyện mà bí thư, chủ tịch tỉnh cũng phải đi bán bằng cách giới thiệu, quảng bá sản phẩm” - ông Chính nói. 

Tình cảnh cá, mực dưới biển bây giờ giống hệt nông sản trên bờ, vẫn là bán buôn tự phát, trông chờ lòng tốt của đối tác. Thực trạng này cho thấy, người dân vẫn kinh doanh kiểu “được chăng hay chớ”, ỷ lại nhà nước, còn nhà nước thì chậm chạp, lúng túng trong điều hành, thiếu quyết liệt, thiếu hoạch định căn cơ. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI