Trung Quốc thúc đẩy sử dụng khẩn cấp vắc-xin COVID-19 bất chấp những lo ngại

26/09/2020 - 16:49

PNO - Bất chấp những lo ngại liên quan đến vắc-xin COVID-19 chưa hoàn tất thử nghiệm lâm sàng, Trung Quốc vẫn thúc đẩy sử dụng khẩn cấp loại vắc-xin được săn lùng này.

Các hộp vắc-xin SARS CoV-2 điều trị COVID-19 có dán dòng chữ Nhà nước cho phép sử dụng khẩn cấp do SinoVac sản xuất được xếp chồng tại nhà máy ở Bắc Kinh hôm 24/9 - Ảnh: AP
Các hộp vắc-xin phòng COVID-19 có dán dòng chữ "Nhà nước cho phép sử dụng khẩn cấp" do SinoVac sản xuất được xếp chồng tại nhà máy ở Bắc Kinh hôm 24/9 - Ảnh: AP

Kan Chai - cây viết được yêu thích - kể lại vào đầu tháng này: "Khi tôi lái xe trên đường, tôi đột nhiên cảm thấy hơi chóng mặt, như thể tôi đang lái xe trong tình trạng say rượu. Vì vậy, tôi phải tìm nơi đỗ xe, nghỉ ngơi một chút, sau đó cảm thấy khỏe hơn mới đi tiếp”.

Kan Chai là người hiếm hoi trong số hàng trăm ngàn người đã được tiêm vắc-xin Trung Quốc trước khi được cơ quan quản lý phê duyệt lần cuối để đưa vào sử dụng đại trà. Kan Chai không có phản ứng gì sau lần tiêm thứ nhất, nhưng anh cảm thấy choáng váng sau liều vắc-xin thứ hai, khi loại vắc-xin này được chấp thuận sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc.

“Sự cố” bất thường đã đặt ra các câu hỏi về đạo đức và an toàn, khi các công ty và chính phủ trên toàn thế giới đang chạy đua để phát triển vắc-xin ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Theo AP, các công ty Trung Quốc trước đó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt vì đã cung cấp vắc-xin cho các giám đốc điều hành và các nhà nghiên cứu hàng đầu của họ trước khi bắt đầu thử nghiệm trên người để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả. Trong những tháng gần đây, họ đã tiêm một số lượng lớn hơn nhiều - theo chỉ định sử dụng khẩn cấp được phê chuẩn hồi tháng 6 - và con số đó dường như sẽ còn tăng lên.

Một quan chức y tế Trung Quốc hôm 25/9 cho biết, nước này về cơ bản đã giải quyết được căn bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), nhưng cần phải thực hiện các bước để ngăn chặn dịch bệnh quay trở lại.

Cho đến nay vẫn chưa rõ chính xác ai và bao nhiêu người đã được tiêm, nhưng các nhà sản xuất vắc-xin Trung Quốc đã đưa ra một số manh mối. Công ty con CNBG của Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước đã tiêm vắc-xin này cho 350.000 người (ngoài các thử nghiệm lâm sàng), trong đó có khoảng 40.000 người đăng ký tiêm - một giám đốc điều hành hàng đầu của CNBG mới tiết lộ.

Giám đốc điều hành Yin Weidong cho biết, một công ty khác, SinoVac, đã tiêm vắc-xin cho 90% nhân viên và thành viên gia đình, tức khoảng 3.000 người, hầu hết đều nằm trong diện sử dụng khẩn cấp. Công ty cũng đã cung cấp hàng chục ngàn liều CoronaVac cho chính quyền thành phố Bắc Kinh.

Một ứng cử viên khác do quân đội và Cansino, một công ty dược phẩm sinh học, hợp tác phát triển, đã được chấp thuận sử dụng khẩn cấp cho quân nhân.

“Những người đầu tiên được ưu tiên sử dụng trong trường hợp khẩn cấp là các nhà nghiên cứu vắc-xin và các nhà sản xuất. Vì khi đại dịch xảy ra, nếu những người này bị nhiễm bệnh thì không có cách nào để sản xuất vắc-xin”, ông Yin giải thích.

Giờ đây, các công ty lớn của Trung Quốc - bao gồm gã khổng lồ viễn thông Huawei và hãng truyền hình Phoenix TV - đã thông báo rằng họ đang hợp tác với Sinopharm để cung cấp vắc-xin cho nhân viên của mình.

Một số người cũng cho biết họ làm việc trong các tổ chức “tuyến đầu” và nơi làm việc của họ đã cung cấp dịch vụ tiêm chủng với giá khoảng 1.000 nhân dân tệ (150 USD). Tuy nhiên, những người này không cung cấp thông tin chi tiết.

Điều đáng nói là các loại thuốc trên được chấp thuận để sử dụng khi chúng vẫn còn trong thời gian thử nghiệm giai đoạn 3 (giai đoạn cuối). Hiện các công ty Trung Quốc có bốn loại vắc-xin trong giai đoạn 3 là: 2 của Sinopharm, 1 loại của SinoVac và 1 loại của Cansino.

"Chính phủ Trung Quốc đã tham khảo các nguyên tắc sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới để tạo ra nguyên tắc của riêng mình thông qua một quy trình nghiêm ngặt", quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia, Zheng Zhongwei phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 25/9. Ông cho biết không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào trong các thử nghiệm lâm sàng.

 “Chúng tôi đã nói rõ rằng vắc-xin COVID-19 mà chúng tôi đưa vào sử dụng khẩn cấp là an toàn. Sự an toàn của chúng có thể được đảm bảo, nhưng hiệu quả của chúng vẫn chưa được xác định", Zheng nói thêm.

Zheng cũng trấn an rằng tất cả những người được tiêm trong trường hợp khẩn cấp đang được theo dõi chặt chẽ xem có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hay không.

Theo quy tắc khẩn cấp, những nhân viên có nguy cơ cao như nhân viên y tế, hải quan và những người phải làm việc ở nước ngoài được ưu tiên tiếp cận, nhưng Zheng từ chối cung cấp con số chính xác. “Trong trường hợp của Trung Quốc, áp lực trong việc ngăn chặn virus nhập khẩu và sự hồi sinh trong nước vẫn còn rất lớn”, Zheng nhấn mạnh.

Nhưng Diego Silva, một giảng viên về Đạo đức sinh học tại Đại học Sydney (Úc), nói rằng việc tiêm vắc-xin cho hàng trăm nghìn người ngoài các thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc là không có "giá trị khoa học". Bởi vì Trung Quốc hiện có rất ít ca lây truyền tại địa phương và những người nhập cảnh được kiểm dịch tập trung.

Trung Quốc từng có một quá khứ rắc rối với vắc-xin, nhiều vụ bê bối đã xảy ra trong vòng hai thập kỷ qua. Trường hợp gần đây nhất là vào năm 2018, khi Công ty Công nghệ sinh học Changsheng bị điều tra vì làm giả hồ sơ và sản xuất vắc-xin phòng dại không hiệu quả cho trẻ em.

Năm 2017, Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán, một công ty con của CNBG đứng sau một trong những loại vắc-xin trong thử nghiệm giai đoạn 3, bị phát hiện đã sản xuất vắc-xin bạch hầu bị lỗi và không hiệu quả.

Sự tức giận của công chúng về vụ việc trên đã khiến luật trừng phạt vắc-xin được sửa đổi lớn vào năm 2019. Trung Quốc đã thắt chặt giám sát quá trình phát triển và phân phối vắc-xin, đồng thời tăng hình phạt đối với việc ngụy tạo dữ liệu.

Việt Hưng (theo AP)

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI