Trung Quốc thừa nhận 2 loại vắc xin của nước này suy yếu trước biến chủng Delta

25/06/2021 - 18:46

PNO - Các kháng thể được kích hoạt bởi hai loại vắc xin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất trở nên kém hiệu quả hơn đối với biến thể Delta so với các chủng khác, dù vẫn đạt hiệu quả bảo vệ ở mức quy định.

Trong một cuộc phỏng vấn do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc phát sóng vào cuối ngày 24/6, Feng Zijian - nhà nghiên cứu và là cựu Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc – tiết lộ, hai loại vắc xin bị giảm hiệu quả thuộc nhóm vắc xin bất hoạt, chứa virus “đã chết” và không thể tái tạo trong tế bào người.

Tuy ông Feng Zijian không nêu ra tên loại vắc xin cụ thể, 5/7 loại vắc xin được sản xuất nội địa trong kế hoạch tiêm chủng đại trà của Trung Quốc là vắc xin bất hoạt. Trong đó bao gồm các sản phẩm từ Sinovac Biotech và Sinopharm, vốn được sử dụng tại nhiều nước khác như Brazil, Bahrain và Chile.

Người dân nhận vắc xin COVID-19 tại một điểm tiêm chủng tạm thời ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, hôm 21/6
Người dân Trung Quốc nhận vắc xin COVID-19 tại một điểm tiêm chủng tạm thời ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, hôm 21/6

Tuần trước, nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, biến thể Delta của COVID-19, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, đang trở thành biến thể thống trị toàn cầu với khả năng lây truyền nhanh hơn.

Các quan chức Trung Quốc cho biết, biến thể Delta đã gây ra một số cụm dịch ở ba thành phố ở phía nam tỉnh Quảng Đông, nơi có tổng cộng 170 bệnh nhân được xác nhận tại địa phương trong khoảng thời gian từ ngày 21/5 đến ngày 21/6. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người trong số họ nhiễm biến thể Delta.

Khoảng 85% các trường hợp dương tính với COVID-19 ở tỉnh Quảng Đông trong đợt bùng phát mới nhất được phát hiện ở thủ phủ của tỉnh, thành phố Quảng Châu. Ông Feng nói: “Trong đợt bùng phát ở Quảng Đông... không có trường hợp nhiễm nào được tiêm chủng chuyển biến nghiêm trọng, và không có trường hợp nghiêm trọng nào từng được tiêm chủng”.

Ở diễn biến khác, một nghiên cứu công bố ngày 25/6 chỉ ra rằng virus gây ra COVID-19 có thể đã bắt đầu lây lan ở Trung Quốc vào đầu tháng 10/2019, hai tháng trước khi trường hợp đầu tiên được xác định ở thành phố trung tâm Vũ Hán.

Các tác giả từ Đại học Kent (Anh) đã sử dụng phương pháp khoa học bảo tồn để ước tính rằng SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2019.

Trong báo cáo kết quả đăng trên tạp chí PLOS Pathogens, họ ước tính rằng thời điểm có nhiều khả năng nhất cho sự xuất hiện của virus là ngày 17/11/2019 và nó có thể đã lây lan ra toàn cầu vào tháng 1/2020.

Trường hợp nhiễm COVID-19 chính thức đầu tiên của Trung Quốc được ghi nhận vào tháng 12/2019 và có liên quan đến chợ thủy sản Hoa Nam ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, một số trường hợp ban đầu không có mối liên hệ nào với Hoa Nam, nghĩa là SARS-CoV-2 đã được lưu hành trong cộng đồng trước khi lan đến chợ.

Virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện tại Trung Quốc từ đầu tháng 10/2019 trước khi bùng phát tại chợ hải sản Hoa Nam vào tháng 12/2019
Virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện tại Trung Quốc từ đầu tháng 10/2019 trước khi bùng phát tại chợ hải sản Hoa Nam vào tháng 12/2019

Một nghiên cứu chung do Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào cuối tháng 3/2021 thừa nhận có thể đã có những ca nhiễm trùng lẻ tẻ ở người trước khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán.

Trong một bài báo được phát hành vào tuần này, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ) đã khôi phục dữ liệu trình tự mã gen bị xóa từ các trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Trung Quốc.

Dữ liệu cho thấy các mẫu lấy từ chợ Hoa Nam nói chung "không đại diện" cho SARS-CoV-2, mà là biến thể của một chuỗi gen tiền thân đã lưu hành trước đó, vốn cũng lây lan sang các vùng khác của Trung Quốc.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ xác nhận với Reuters rằng các mẫu bị xóa đã được nộp cho Kho lưu trữ đọc trình tự (SRA - một phần của Cơ sở dữ liệu Trình tự Nucleotide Quốc tế) vào tháng 3/2020, nhưng sau đó bị xóa theo yêu cầu của các nhà điều tra Trung Quốc. 

Các nhà phê bình cho rằng việc xóa tên này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang cố gắng che đậy nguồn gốc của COVID-19.

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI