Trung Quốc: Thiếu trẻ em, trường mẫu giáo chuyển sang chăm sóc người già

21/07/2024 - 15:58

PNO - Tại một trường mẫu giáo cũ ở Sơn Tây, những người cao tuổi vui vẻ cùng lắc lư trong tiếng nhạc rộn ràng. Đây là hình ảnh nổi bật gần đây ở Trung Quốc khi tình trạng già hóa dân số tăng nhanh.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy, hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ bước vào tuổi già trong những thập niên tới, tỉ lệ sinh thấp hơn số người mất đi. Cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến ngành giáo dục khi hàng ngàn trường mầm non trên cả nước phải đóng cửa vì không thể tuyển sinh. “Số lượng trẻ em tiếp tục giảm. Sau khi trường mẫu giáo của tôi vắng học sinh, tôi đã nghĩ cách tận dụng nó một cách tốt nhất” - Hiệu trưởng Li Xiuling (56 tuổi) cho biết.

Những phụ nữ lớn tuổi sinh hoạt tại một trung tâm ở tỉnh Sơn Tây, nơi trước đây là trường mẫu giáo - Nguồn ảnh: AFP
Những phụ nữ lớn tuổi sinh hoạt tại một trung tâm ở tỉnh Sơn Tây, nơi trước đây là trường mẫu giáo - Nguồn ảnh: AFP

Trường mẫu giáo của Li từng phục vụ tới 280 trẻ em nhưng đã phải đóng cửa vào giữa năm ngoái. Tháng 12/2023, trường đổi thành Impressions of Youth - một trung tâm giải trí dành cho người ở độ tuổi nghỉ hưu trở lên. “Trung tâm giờ có hơn 100 người tham gia vào các lớp học âm nhạc, khiêu vũ, người mẫu và các môn học khác. Đó là một ý tưởng khá tiến bộ. Họ đến đây để thực hiện những ước mơ họ từng có khi còn trẻ” - Li nói thêm.

Vào một sáng mưa tháng Bảy, một giáo viên hướng dẫn một hàng phụ nữ lớn tuổi ăn mặc chỉn chu đi quanh lớp học trong những chiếc váy sườn xám truyền thống, tay cầm những chiếc dù hồng. Trong một lớp học khác, “học sinh” ngồi thành hình bán nguyệt, đánh trống châu Phi theo nhịp những bài hát sôi động. Bà He Ying (63 tuổi) cho biết việc tham gia trung tâm đã giúp bà vượt qua sự thiếu tự tin sau khi nghỉ hưu và gặp gỡ được những người bạn mới. “Tôi từng cảm thấy cuộc sống văn hóa của mình… rất nghèo nàn, rằng việc tiếp tục sống không còn nhiều ý nghĩa” - bà chia sẻ.

Theo số liệu của chính phủ, gần 15.000 trường mẫu giáo ở Trung Quốc đã đóng cửa vào năm ngoái khi số lượng học sinh giảm 5,3 triệu so với năm 2022. Trung tâm Impressions of Youth vẫn còn lưu giữ dấu vết của trường mẫu giáo, với giường tầng và bàn viết nhỏ xếp dọc theo những bức tường được trang trí đầy màu sắc.
Yan Xi - cô giáo từng dạy học tại trường mẫu giáo và hiện đang dạy lớp cho người về hưu - phải mất một thời gian để làm quen với sự thay đổi này. “Trẻ nhỏ tin vào những gì bạn nói, nhưng người già… có cách riêng của họ. Tôi phải suy nghĩ nhiều hơn về cách giao tiếp với người cao tuổi” - Yan Xi nói.

Một số cơ sở khác trên khắp Trung Quốc đã đạt được thành công khi chuyển từ giáo dục mầm non sang chăm sóc, dạy các kỹ năng cho các “bô lão”. Bà Sun Linzhi (56 tuổi) cho biết các trung tâm này đã đáp ứng được nhu cầu về trường đại học dành cho người cao tuổi. “Kể từ khi gia nhập trung tâm, tôi cảm thấy mình như trẻ lại” - bà tâm sự.

Trung Quốc có kế hoạch phát triển một hệ thống chăm sóc người cao tuổi quốc gia vào năm 2025, trong tình hình nước này hiện thiếu viện dưỡng lão, mật độ bố trí các cơ sở chăm sóc người già không đều giữa các khu vực. Chính phủ ước tính rằng, các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi - từ du lịch dành cho người cao tuổi đến chăm sóc y tế ứng dụng công nghệ - có thể đạt giá trị 30.000 tỉ nhân dân tệ (4.000 tỉ USD) vào năm 2035. Cô Li cho biết, dù trung tâm kinh doanh tốt, cô vẫn cảm thấy hoài niệm về những ngày ngôi trường tràn ngập những đứa trẻ ồn ào. “Tôi đã đầu tư rất nhiều cảm xúc vào đó” - cô nói và chỉ tay về phía những chiếc giường tầng và bàn học không còn sử dụng - “Chúng tôi giữ chúng như một kỷ niệm”.

Thu Thanh (theo CNA, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI