Trung Quốc thiếu hải sản, Mỹ Latinh “lo sốt vó”

31/10/2020 - 20:16

PNO - Nợ nần chồng chất với Bắc Kinh, các nước khu vực Mỹ Latinh không thể chống lại Trung Quốc để bảo vệ vùng biển của mình.

Sự săn đuổi kinh tế của Trung Quốc đã quay trở lại, lần này là ở một số vùng biển nhạy cảm về sinh thái nhất trên thế giới - tại Quần đảo Galápagos ngoài khơi bờ biển Ecuador, ở Peru và sắp tới là vùng biển ngoài khơi Chile.

Theo báo cáo của nhóm bảo tồn biển Oceana, chỉ trong một tháng, một đội tàu gần 300 chiếc ngang nhiên đánh cá 73.000 giờ ngoài khơi Galápagos. Đội tàu cá của Trung Quốc vi phạm trắng trợn các quy định về bảo vệ môi trường và đánh bắt bền vững, đôi khi họ vi phạm cả chủ quyền nước sở tại, và cố gắng cướp đoạt tài nguyên để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng.

Cư dân quần đảo Galápagos hôm 25/8/2017 biểu tình bên ngoài tòa án nơi xét xử thủy thủ đoàn một tàu mang cờ Trung Quốc bị Hải quân Ecuador tịch thu vì đánh cá trộm - Ảnh: AFP/Getty Images
Cư dân quần đảo Galápagos hôm 25/8/2017 biểu tình bên ngoài tòa án nơi xét xử thủy thủ đoàn một tàu mang cờ Trung Quốc bị Hải quân Ecuador tịch thu vì đánh cá trộm - Ảnh: AFP/Getty Images

Không ai ngạc nhiên về việc các hải đội đánh cá biển xa của Trung Quốc hiện đang tiến về ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ. Theo đánh giá của các chuyên gia, người Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1/3 tổng lượng tiêu thụ thủy hải sản toàn thế giới, tình hình đó tất yếu dẫn đến việc Trung Quốc phải tìm kiếm các nguồn cá xa hơn và hậu quả là sự tàn phá môi trường biển.

Đã hiện diện ngoài khơi bờ biển phía tây của châu Phi ngày càng nhiều, nhưng những năm gần đây, tàu thuyền Trung Quốc tập trung nhiều về các vùng biển Nam Mỹ. Khu vực này phong phú về thủy sản vì được hưởng lợi từ dòng chảy Humboldt mang nguồn nước giàu chất dinh dưỡng từ Chile đến tận vùng bờ biển phía nam Ecuador.

Trung Quốc đã nhiều năm đánh bắt quá mức trên các đại dương của thế giới. Năm 2019, quốc gia này có điểm số kém nhất thế giới về Chỉ số đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUUFI). 

Trước đây, các nước Mỹ Latinh đã thận trọng trong việc chỉ trích các hành vi vi phạm này vì họ sợ bị trả đũa dưới hình thức giảm nhập khẩu nguyên liệu thô hoặc vì họ mắc nợ chính phủ Trung Quốc hàng tỷ USD. Tuy nhiên, những vi phạm gần đây của Bắc Kinh mang tính thách thức và gây nên sự thay đổi thái độ của nhiều nước Mỹ Latinh.

Để đánh bắt cá ở cả vùng biển quốc tế - và đáng lo ngại hơn, đôi khi trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một quốc gia - các tàu Trung Quốc đã tắt hệ thống nhận dạng tự động để che giấu vị trí của họ khi xâm phạm vùng biển họ không có quyền.

Các nước Mỹ Latinh “lo sốt vó” trước nhu cầu dường như vô hạn về hải sản cũng như cách thức bù đắp nguồn cung theo kiểu của Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Các nước Mỹ Latinh “lo sốt vó” trước nhu cầu dường như vô hạn về hải sản cũng như cách thức bù đắp nguồn cung theo kiểu của Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Nhưng Mỹ Latinh và Hoa Kỳ không mất cảnh giác trước sự hiện diện quanh năm của tàu cá Trung Quốc, tình hình thúc đẩy họ cấp bách tìm ra một giải pháp khu vực. Ủy ban thường trực Nam Thái Bình Dương (PCSP), một tổ chức khu vực dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, nổi lên như một cơ quan chủ trì các sáng kiến đối phó với Bắc Kinh, với ưu tiên là xây dựng sự đồng thuận khu vực trong việc giám sát và ngăn chặn các tàu cá Trung Quốc.

Thắt chặt an ninh các chuỗi cung ứng quốc tế thông qua khả năng truy xuất nguồn gốc tốt hơn cũng sẽ phát huy tác dụng: Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu chiếm thị phần lớn trên thị trường thủy sản toàn cầu và họ có thể chủ động hơn trong việc thiết lập các tiêu chuẩn và giám sát để ngăn chặn sản phẩm bất hợp pháp của Trung Quốc tham gia chuỗi cung ứng.

Và cuối cùng, có cả lựa chọn quân sự. Để chống lại các hoạt động gần đây của Trung Quốc ngoài khơi Galápagos, ngày 7/8, Hải quân Ecuador phối hợp của Cảnh sát biển Hoa Kỳ đã cử một tàu đến thị sát khu vực. Tuy nhiên, lực lượng hải quân Mỹ Latinh quá nhỏ để tham gia các hoạt động răn đe tàu Trung Quốc: Số lượng các tàu đánh cá của Trung Quốc đông hơn tổng đội tàu của hải quân Ecuador, Peru và Chile cộng lại.

Họ không thể tuần tra đầy đủ các vùng biển ven biển đất nước, họ thiếu sức mạnh không quân cần thiết để tham gia giám sát trên không vì khả năng của họ chỉ đủ để chống buôn lậu ma túy trên biển.

Thanh Vân (theo Foreign Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI