Trung Quốc thay đổi cách thức tập trận không quân ở Biển Đông

17/12/2019 - 10:00

PNO - Mới đây, Trung Quốc đã chuyển hướng phương pháp tiếp cận của quân đội nước này ở Biển Đông “từ thụ động sang chủ động”, thể hiện qua các cuộc tập trận có sự tham gia sâu của lực lượng không quân.

Báo Hồng Kông SCMP dẫn nguồn Nhật báo Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA Daily) số ra ngày 15/12 xác định sự chuyển hướng này là nhằm “chuẩn bị cho những cuộc đối đầu bất ngờ”.

Trung Quoc thay doi cach thuc tap tran khong quan o Bien Dong
Không quân PLA thay đổi cách tiếp cận từ thụ động sang chủ động - Ảnh: Xinhua

Tờ PLA Daily cho biết quân đội Trung Quốc tăng cường tập trận tại Biển Đông và một đơn vị không quân của hải quân trực thuộc Bộ tư lệnh Phương Nam mới hoàn thành diễn tập thám sát cảnh báo sớm để xác định hơn 10 loại tín hiệu vô tuyến của “kẻ thù”.

Khác với các cuộc tập trận năm ngoái về trinh sát cảnh báo sớm, cuộc diễn tập này kéo dài hơn về thời gian, ngay từ đầu được đặt vào chế độ “đối đầu” và tập trung vào huấn luyện bay đêm. Ông Yan Liang, một cán bộ cấp chỉ huy sư đoàn, nói với PLA Daily rằng cuộc diễn tập “liên tục thách thức nhân lực và khí tài của đơn vị, và đã nâng cao được năng lực tác chiến của quân đội”  

Cuộc tập trận được tổ chức vào giữa tháng 11 và có sự tham gia của hai tốp chiến đấu cơ. Các máy bay chủ động tìm kiếm và chia sẻ thông tin về một nhóm các mục tiêu trên biển. Cuộc tập trận này trái ngược hoàn toàn với các cuộc tập trận trước đó khi các máy bay chiến đấu được thông báo trước về “đối phương” và những mối nguy hiểm họ có thể gặp. Lần này, quân đội Trung Quốc tập trung vào việc tăng cường khả năng chiến đấu trong những tình huống đối đầu “gần với thực tế”.

Trong năm 2019, Mỹ đã tiến hành ít nhất 85 cuộc tập trận quân sự chung với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, một động thái được các nhà phân tích của Trung Quốc cho là nhằm tăng cường khả năng tương tác của Washington với các quốc gia khác và tạo ra “sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn” nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc hàng hải.

Từ đầu năm 2018, Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã “sa lầy” trong một cuộc chiến thương mại đánh vào thuế quan, ảnh hưởng rõ nét đến quan hệ song phương, trong đó có các cuộc trao đổi quân sự giữa hai nước.

Mỹ và trung Quốc đã đạt được thỏa thuận giải quyết tình trạng bế tắc “giai đoạn một” hôm 13/12, gửi một thông tin tích cực đến các thị trường chứng khoán thế giới, nhưng vẫn bỏ ngỏ câu hỏi về việc thỏa thuận có thể đi xa đến đâu trong việc làm dịu quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc.

Quế Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI