Trung Quốc thắt chặt kiểm soát tình trạng cho vay ngang hàng P2P

16/04/2019 - 06:00

PNO - Sau nhiều vụ bê bối, sụp đổ, thị trường cho vay ngang hàng P2P lớn nhất thế giới có thể phải thay đổi, khi Bắc Kinh chuẩn bị áp dụng yêu cầu cấp phép chặt chẽ hơn.

Ngành công nghiệp cho vay ngang hàng (P2P) của Trung Quốc cung cấp “nguồn sinh lực” quý giá cho một số người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ dễ tổn thương nhất của đất nước, trước những khó khăn từ hệ thống ngân hàng truyền thống.

P2P là các nền tảng trung gian cho vay dựa trên internet phù hợp với những nhà đầu tư tư nhân, những người có tiền nhàn rỗi sẵn sàng cho vay, và các cá nhân hoặc công ty nhỏ muốn vay. Nền tảng trung gian sẽ trừ ra một khoản phí nhỏ cho mỗi giao dịch. Các nhà đầu tư có thể đạt tới 10% lợi nhuận hàng năm nhờ cho vay P2P.

Trung Quoc that chat kiem soat tinh trang cho vay ngang hang P2P
P2P là cầu nối nhanh chóng giữa những người có vốn nhàn rỗi và những người cần vay tiền nhưng không đủ điều kiện để vay từ ngân hàng.

Số lượng các nền tảng P2P giảm đáng kể trong năm 2018 trong bối cảnh quy định được thắt chặt sau những vụ lừa đảo làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư. Mắt khác, một số nền tảng lớn nhất cũng gặp sự cố trong quý đầu tiên của năm 2019, bao gồm sự sụp đổ bất ngờ của Tuandai.com và Hongling Capital.

Trước đây Tuandai.com có khoảng 220.000 người cho vay và người vay, với dư nợ cho vay 14,5 tỷ nhân dân tệ (2,17 tỷ USD), còn Hongling Capital là một trong những nền tảng P2P hoạt động lâu nhất ở Trung Quốc.

Sự sụp đổ của Tuandai.com tạo nên cuộc biểu tình của hàng nghìn người trên đường đường phố Đông Quan, thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông. Các nhà đầu tư tức giận tập trung bên ngoài trụ sở của công ty sở hữu nền tảng, yêu cầu họ trả lại tiền.

Vụ việc diễn ra chưa đầy một năm sau làn sóng sụp đổ của các P2P vào tháng 7-8/2018, khi hơn 300 nền tảng thất bại do sự giám sát chặt chẽ hơn từ chính quyền.

Trung Quoc that chat kiem soat tinh trang cho vay ngang hang P2P
Các nhà đầu tư biểu tình trên đường phố Đông Quan sau khi sở hữu nền tảng P2P tuyên bố phá sản.

Đối với các nền tảng cho vay còn lại, Trung Quốc sẽ bắt đầu chương trình đăng ký thử nghiệm tại các thành phố thí điểm trong nửa cuối năm 2019.

Chương trình sẽ làm rõ mức vốn và ranh giới kinh doanh cho các dịch vụ P2P, phân loại chúng thành các nền tảng quốc gia hay khu vực.

Theo đó, các nền tảng quốc gia phải nắm giữ khoản dự phòng rủi ro chung bằng 3% số khoản cho vay thực hiện thông qua công ty của họ, và dành một khoản tương đương 6% cho mỗi khoản vay làm dự phòng tổn thất cho người cho vay.

Các tỷ lệ cho các nền tảng khu vực sẽ lần lượt là 1% và 3%. Yêu cầu dự trữ mới có khả năng tăng chi phí vay thông qua các nền tảng P2P.

Đồng thời, chương trình cũng sẽ đưa ra giới hạn đầu tư cho các nhà cho vay cá nhân, với mức trần 200.000 nhân dân tệ (29.817 USD) cho mỗi nền tảng và giới hạn 500.000 nhân dân tệ cho đầu tư tổng thể trên các nền tảng khác nhau.

Xue Hongyan, giám đốc trung tâm nghiên cứu tài chính internet tại Học viện Tài chính Suning, viết trong một lưu ý rằng chỉ có khoảng 100 nền tảng có thể tồn tại trong môi trường pháp lý mới, trong số 1.021 nền tảng cho vay P2P vẫn hoạt động vào cuối tháng 3/2019.

Trung Quoc that chat kiem soat tinh trang cho vay ngang hang P2P
Dịch vụ cho vay P2P tuy chiếm tỷ lệ không nhiều trên thị trường vốn quốc gia, đó lại là kênh huyết mạch cho những cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.

Trong những tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng chiến dịch cắt giảm nợ và cho vay rủi ro, nhằm gia tăng tốc độ tăng trường kinh tế. Các ngân hàng Trung Quốc đã gia hạn 1,69 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 252 tỷ USD) trong các khoản vay nội tệ mới vào tháng 3/2019, tăng mạnh từ 886 tỷ nhân dân tệ trong tháng 2/2019.

Do đó, thị phần của 50 công ty P2P hàng đầu tại Trung Quốc đã tăng từ khoảng 35% vào đầu năm 2017 lên 86% vào cuối năm ngoái, theo JP Morgan.

Tuy nhiên, dư nợ cho vay đã giảm xuống còn 733 tỷ nhân dân tệ vào tháng 3/2019, chưa bằng một nửa mức đỉnh 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (193 tỷ USD) vào tháng 6/2018.

Và dù cho vay P2P giúp cung cấp một huyết mạch quan trọng cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp ở Trung Quốc, nó vẫn là một phần rất nhỏ của thị trường vốn quốc gia Dữ liệu từ Dịch vụ Nhà đầu của Moody’s cho thấy năm 2018, P2P chỉ chiếm 2,4% tổng tài sản ngân hàng trong năm 2018 và con số đang giảm dần.

Tấn Vĩ (Theo SCMP)        

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI