Trung Quốc tham vọng quảng bá văn hóa từ văn học mạng

05/07/2022 - 19:14

PNO - Theo Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc, hơn 500 triệu người đã đọc văn học Trung Quốc trực tuyến vào cuối năm 2021 - một con số chưa từng có trong lịch sử văn học nước này.

Không chỉ trong nước, một báo cáo do Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) công bố cho thấy các tác phẩm văn học Trung Quốc xuất bản trên internet đã thu hút hơn 100 triệu độc giả ở nước ngoài vào năm 2021. “Văn học trực tuyến trở thành một kênh quan trọng để thế giới tiếp cận Trung Quốc và tìm hiểu văn hóa của nước này”, báo cáo cho biết. Trong năm 2021, số lượng tác giả văn học trực tuyến ở các nước đã tăng gấp ba lần trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. 

Công ty xuất bản trực tuyến và sách điện tử China Literature đang kinh doanh rất thành công khi thói quen đọc văn học mạng của người dân Trung Quốc và các nước khác đang tăng
Công ty xuất bản trực tuyến và sách điện tử China Literature đang kinh doanh rất thành công khi thói quen đọc văn học mạng của người dân Trung Quốc và các nước khác đang tăng

Tại khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ người viết văn học mạng đứng đầu với 36,2%, tiếp theo là Bắc Mỹ với hơn 30%. Nhiều phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết mạng của Trung Quốc và trở nên khá nổi tiếng ở nước ngoài, bao gồm phim truyền hình ăn khách Flower Thousand Bone, Nirvana in Fire và Empresses in the Palace… Năm 2020, giá trị thị trường của văn học mạng Trung Quốc là gần 25 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,92 tỷ USD) và hơn 21 triệu nhà văn trực tuyến đã tạo ra khoảng 29 triệu tác phẩm (theo Hiệp hội Xuất bản Âm thanh - Video và Kỹ thuật số Trung Quốc). 

Theo một báo cáo của công ty xuất bản trực tuyến và sách điện tử China Literature, cả việc đọc và viết tiểu thuyết trên mạng đã trở thành phương tiện giải trí quan trọng đối với nhiều người ở cả Trung Quốc và nước ngoài, đặc biệt là thế hệ gen Z. China Literature kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ thói quen yêu thích của cư dân mạng Trung Quốc: đọc tiểu thuyết nhiều kỳ. Họ đang cố gắng xuất khẩu mô hình kinh doanh thành công này ra thế giới, với kế hoạch tăng gấp đôi số lượng nhà văn ở Bắc Mỹ viết cho họ vào năm 2021. Cách đây một tháng, thông qua một nền tảng trực tuyến, văn học mạng còn “nhảy” lên NFT (viết tắt của Non-Fungible Token, một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép - đang khá “hot” thời gian qua).

Trước sự lớn mạnh không ngừng của văn chương mạng (cả tích cực lẫn tiêu cực), chính quyền Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới để quản lý ngành công nghiệp văn học mạng từ hai năm trước. Chẳng hạn: nhà văn phải xuất bản nội dung bằng tên thật; các nền tảng xuất bản trực tuyến phải kiểm soát tỷ lệ truyện võ hiệp, tiểu thuyết lãng mạn, webtoon (truyện tranh đăng mạng) và các chủ đề theo quy định, các nhận xét và tương tác của người dùng sẽ được giám sát. Đồng thời, phải “đúng đắn về mặt chính trị và trong một diện mạo lành mạnh và tích cực”. Các cơ quan chức năng liên quan đến xuất bản phải giám sát các nền tảng xuất bản trực tuyến và đánh giá chặt chẽ từng nền tảng. 
Năm 2018, có 21% trong tổng số 309 phim truyền hình và phim ăn khách của Trung Quốc được chuyển thể từ văn học trực tuyến. Năm 2019, tỷ lệ này tăng lên 42% trong số 100 phim truyền hình. Con số này trong ba năm qua vẫn đang tiếp tục tăng lên. 

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI