Trung Quốc:Thách thức dân số không đến từ hạn chế sinh đẻ

18/11/2013 - 11:40

PNO - PN - Cuối tuần qua, chính phủ Trung Quốc (TQ) vừa công bố những điều chỉnh chính sách kế hoạch hóa gia đình của nước mình. Theo đó, cặp vợ chồng nào có vợ hoặc chồng là con một sẽ được phép có hai con và tại các khu vực nông...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chính phủ TQ khẳng định, đó không phải là thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình mà chỉ là “nới lỏng”. Mục tiêu của việc thay đổi này là tạo sự cân đối trong vấn đề phát triển dân số với định hướng lâu dài.

Trung Quoc:Thach thuc dan so khong den tu han che sinh de

Trẻ em Trung Quốc đến trường (ảnh: AFP)

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia dân số, thay đổi này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các gia đình tại thành thị, bởi giá nhà và chi phí cho việc giáo dục con cái tăng cao, đã trở thành gánh nặng đối với các cặp vợ chồng có mức thu nhập trung bình. Do vậy, việc chỉ có một con là do bản thân họ thấy là nên làm.

TQ bắt đầu chủ trương một con từ năm 1979 để hạn chế nạn bùng nổ dân số. Song chính sách đó đã gây tác dụng ngược khi tỷ lệ người già càng lúc càng cao, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động trẻ. Giáo sư Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu TQ ở Washington D.C. nhận định: “Đây là thay đổi bắt nguồn từ yếu tố kinh tế nhiều hơn. Nếu vẫn giữ chính sách kế hoạch hóa gia đình như hiện nay, sau 20 năm nữa, TQ sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực một cách trầm trọng”.

Trung Quoc:Thach thuc dan so khong den tu han che sinh de

Từ nay, người mẹ trẻ này có thể sinh thêm một con - Ảnh: AFP

Chính sách một con đã thật sự làm biến đổi xã hội TQ, khi sinh suất giảm từ 4,77 vào những năm đầu thập kỷ 70 xuống còn 1,64 vào năm 2011 (theo thống kê của Liên Hiệp Quốc), dẫn đến hậu quả là TQ trở thành nước mất cân bằng giới tính bậc nhất thế giới vì số trẻ em trai cao hơn hẳn số trẻ em gái. Trong năm 2012, số trẻ em trai và trẻ em gái được sinh ra có tỷ lệ 118-100.

Chính phủ TQ cho rằng, kể từ khi chính sách một con được ban hành, nước này đã giảm bớt được khoảng 400 triệu trẻ em ra đời, khiến số người nghèo của TQ giảm hẳn, mang lại nhiều lợi ích cho an sinh xã hội và môi trường. Về mặt toàn cầu, việc hạn chế sinh đẻ ở TQ có thể làm chậm lại 5 năm so với ngày dân số thế giới dự kiến tăng lên bảy tỷ người. Tuy nhiên, theo Cơ quan Nghiên cứu phát triển TQ, chính sách này càng lúc càng gây ra xung đột xã hội, dẫn đến chi phí quản lý nhà nước trong lĩnh vực này tăng cao và tăng rủi ro cho người dân khi nạn phá thai bất hợp pháp và việc trẻ sơ sinh là gái bị giết chết ngay khi mới ra đời ngày càng nhiều hơn.

“Cuối cùng thì TQ cũng đã nhận thức được vấn đề: giải quyết thách thức trong vấn đề dân số không thể đến từ việc hạn chế sinh đẻ. Tôi cho rằng đây là một bước tiến, dù là rất nhỏ, theo hướng đi đúng đắn trong vấn đề dân số của TQ”, giáo sư Cai Yong của Trường đại học Bắc Carolina (Mỹ) nói. Trong khi đó, giáo sư Wang Feng, Giám đốc Trung tâm Chính sách công Brookings-Tsinghua ở Bắc Kinh dự đoán táo bạo hơn: “Tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu trong vòng một-hai năm nữa, chính phủ TQ sẽ bãi bỏ hoàn toàn chính sách một con. Thay đổi vừa rồi chỉ là nhằm thăm dò dư luận, vì họ biết chính sách này chẳng phục vụ cho lợi ích của ai cả”.

THIỆN NGA
(Theo Washington Post, Guardian, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI