Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận việc huy động 'bất thường' đội máy bay ném bom, nhưng không đưa ra thêm chi tiết.
|
Hình ảnh cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng vào ngày 15/4 vừa qua |
Theo hãng tin Nga Sputnik, dường như Trung Quốc đang tập trung phòng thủ, nhằm ứng phó trường hợp chính quyền Mỹ tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu, nhằm vào khu dự trữ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Trên tư cách đồng minh lâu đời với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh được cho là sẽ bảo vệ Triều Tiên trong tình huống xung đột quân sự.
Bên cạnh đó, Trung Quốc luôn kêu gọi Hoa Kỳ không thực hiện hành động quân sự đơn phương chống lại Triều Tiên.
Bắc Kinh đang kêu gọi giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc khủng hoảng nóng dần trong tuần sau lời cảnh báo từ Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence rằng 'thanh gươm đã tuốt khỏi vỏ'.
Đáp trả, Triều Tiên cũng đe dọa 'biến nước Mỹ thành tro tàn'. Nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh dần mất kiên nhẫn với Bình Nhưỡng.
Dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Kim Jong Un, dường như mối bất ổn ngay cạnh biên giới Trung Quốc ngày một gia tăng và dồn dập hơn, sau hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Hồi đầu tháng này, một bài xã luận của giới truyền thông Trung Quốc thậm chí cảnh báo, Trung Quốc có thể buộc phải tấn công Triều Tiên để duy trì sự ổn định và an ninh trong khu vực.
Trung Quốc có quan hệ lịch sử mạnh mẽ với Triều Tiên. Trung Quốc đã giúp sức cho Triều Tiên trong chiến tranh liên Triều (1950-1953) .
Hơn nữa, Trung Quốc cũng là một đối tác thương mại quan trọng của Triều Tiên, mang lại nguồn tài chính chủ yếu cho nước này thông qua các hoạt động mua bán tài nguyên.
|
Mối quan hệ hữu hảo lâu đời giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang dần rạn nứt |
Tuy nhiên, mối quan hệ chiến lược dần bị xáo trộn trong những năm gần đây. Kể từ khi lãnh đạo Kim Jong Un nắm quyền tại Triều Tiên năm 2011, ông chưa từng có cuộc gặp nào với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Những năm gần đây, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cũng bất đồng khi nói đến vấn đề hạt nhân.
Trong khi Triều Tiên tuyên bố không bao giờ từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa, Bắc Kinh đã chính thức bác bỏ định hướng này của Bình Nhưỡng.
Mặt khác, thực tế hiện nay cho thấy Trung Quốc coi trọng quan hệ hợp tác kinh tế với Mỹ như thế nào.
Kể từ bữa tối thân thiện tại khu nghỉ mát của Tổng thống Donald Trump ở Florida vào đầu tháng 4/2017, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đã chia sẻ nhiều cuộc điện thoại.
Chính quyền của Mỹ có lẽ đang nhượng bộ thương mại để đổi lấy sự hợp tác từ Trung Quốc, trong việc kiềm chế Triều Tiên, thể hiện qua thay đổi đột ngột trong quan điểm của ông Trump rằng Trung Quốc 'không thao túng tiền tệ'.
Trước thông tin về hoạt động quân sự của Trung Quốc, ông Trump nói với các phóng viên một cách bí ẩn: 'Tôi tôn trọng [Chủ tịch Tập Cận Bình], và tôi nghĩ ông ấy sẽ cố gắng rất nhiều trong việc giữ ổn định khu vực'.
|
Dường như mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã tốt hơn rất nhiều kể từ cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo |
Hiện tại, Triều Tiên đang hành động theo hướng ngược lại với quan điểm của Trung Quốc.
Bắc Kinh không mong muốn một cuộc xung đột toàn diện giữa Mỹ và Bình Nhưỡng nổ ra. Trong trường hợp đó, Triều Tiên có thể sẽ trả đũa bằng cách đánh vào Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Mỹ tấn công quân sự vào Triều Tiên có thể dẫn tới thay đổi lớn lao ở Bình Nhưỡng. Trung Quốc từ đó sẽ mất đi vùng 'vùng đệm' chiến lược là Triều Tiên.
Do đó, thay vì chờ đợi phản ứng lại các sự kiện vũ trang, Trung Quốc đang chuẩn bị để chủ động. Với việc huy động lực lượng quân sự và đưa ra mối đe dọa từ Bắc Kinh về việc tấn công Triều Tiên, các chuyên gia quân sự hình dung được hai kịch bản.
Thứ nhất, trong trường hợp cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào lãnh đạo Triều Tiên, các lực lượng từ Trung Quốc sẵn sàng di chuyển qua sông Yalu để lấp đầy khoảng trống quyền lực.
Động thái này cũng ngăn chặn tình trạng di tản khổng lồ vào lãnh thổ Trung Quốc, và cho phép Bắc Kinh gây ảnh hưởng lên Triều Tiên dựa trên lợi ích chính trị của mình, chứ không phải của Washington.
|
Liệu Trung Quốc sẽ làm gì khi tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng lên từng ngày |
Thứ hai, một viễn cảnh sâu xa hơn, Trung Quốc xem tình hình bất ổn là nguy hiểm, và nắm bắt thời khắc hiện tại bằng cách hành động quân sự chống Triều Tiên trước Mỹ.
Tất cả những tình huống trên đều tiềm ẩn những mối nguy hiểm về pháp luật quốc tế và đạo đức.
Nếu Triều Tiên vẫn mong muốn phát triển vũ khí hạt nhân, thì giải pháp cuối cùng là vô hiệu hoá Triều Tiên.
Nhưng vũ khí hạt nhân không phải là vấn đề chính. Như cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Lawrence Wilkerson chỉ ra, Washington nhiều lần làm trái cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng của Hàn Quốc thông qua đối thoại và nhượng bộ chính trị.
Trong quá khứ, Trung Quốc từng kêu gọi nối lại đàm phán đa phương trong khu vực, mà Mỹ ngừng tham gia kể từ thời chính quyền Tổng thống George W. Bush.
Trung Quốc cũng đề xuất biện pháp kéo giảm chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên, giữa Triều Tiên và Mỹ.
Bây giờ, câu hỏi đặt ra là liệu cục diện 'dầu sôi lửa bỏng' như hiện nay có khiến Bắc Kinh thay đổi đến mức cân nhắc 'săn sóc' vấn đề Triều Tiên một cách quyết liệt?
Tấn Vĩ (Theo Sputnik news)