Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Biển Đông, và cam đoan với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng việc bồi đắp các thực thể ở Hoàng Sa, Trường Sa không nhằm mục đích quân sự. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc tiếp tục tăng cường vũ trang các hòn đảo nhân tạo như Vành Khăn, Subi và Chữ Thập.
Tất nhiên, Washington biết Bắc Kinh đang nói dối và Trung Quốc biết Mỹ hiểu rõ rằng họ đang không nói thật. Nhưng hiện tại không một thế lực siêu cường quân sự nào có thể ngăn chặn Trung Quốc biến những đảo đá nhân tạo thành pháo đài kiên cố. Trung Quốc tiếp tục tuyên bố quyền đối với hầu hết các tuyến đường thủy chiến lược và đã trang bị cho các tiền đồn nhân tạo với đường băng, lưới radar và hệ thống tên lửa.
|
Tên lửa hành trình chống hạm HQ-9 với tầm bắn lên tới 230km |
Trong lúc Tổng thống Donald Trump đến Osaka, Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 cuối tháng 6/2019, Trung Quốc thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông. Ngay lập tức, Lầu năm góc mô tả các hành động của Bắc Kinh là một mối đe dọa với tình hình “hàng hải tự do” trong khu vực.
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D
Trung Quốc đang gia tăng số lượng tên lửa đạn đạo tầm trung quanh khu vực ven Biển Đông và biển Hoa Đông, bao gồm cả tên lửa đạn đạo chống hạm (anti-ship ballistic missile - ASBM) mang tên DF-21D. DF-21D dựa trên một biến thể của tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 (CSS-5) với khả năng tấn công các tàu lớn, bao gồm cả tàu sân bay của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương. DF-21D có tầm bắn hơn 1.500km và được trang bị đầu đạn cơ động, dễ dàng lao về mục tiêu với tốc độ lên tới Mach 10, tương đương hơn 12.000km/giờ. Ấn bản năm 2004 về pháo binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã mô tả ASBM như là “sát thủ” tàu sân bay.
Trên thực tế, cuộc thử nghiệm ASBM đầu tháng 7/2019 trông như sự kiện “ra mắt” căn cứ quân sự mới trên đảo Hải Nam, là tỉnh cực nam của Trung Quốc, nằm sát Biển Đông. Như các nhà phân tích đã lưu ý từ năm 2018, căn cứ cách thành phố Đan Châu trên Hải Nam khoảng 10km về phía tây. Ngoài ra, loại tên lửa dễ vận chuyển này có thể được triển khai trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở khu vực Hoàng Sa trong tương lai.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26
Năm 2015, tại cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược Nhật Bản, Trung Quốc công bố loại vũ khí được phát triển mới nhất, bao gồm tên lửa DF-21D và “sát thủ đảo Guam” DF-26.
Tháng 5/2018, Trung Quốc tuyên bố rằng, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 có khả năng tấn công chính xác vào các mục tiêu trên bộ và trên biển. Dongfeng-26 có thể mang đầu đạn tên lửa thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân như một vũ khí “tùy biến chống tàu sân bay siêu lớn và tàu tấn công đổ bộ”. Theo các chuyên gia, DF-26 có tầm bắn lên tới 4.000km từ bờ biển Trung Quốc. Phạm vi này bao gồm các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam, và thậm chí đến cả miền bắc nước Úc hay lãnh thổ Alaska.
DF-26 không cần dựa vào mạng lưới thăm dò để hoạt động, nó có thể di chuyển nhanh, và không đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt về nơi xuất phát. Vì vậy, tên lửa rất hữu ích cho việc vận chuyển, che giấu, cũng như triển khai, phóng và thay thế trong chiến đấu thực tiễn.
|
Trung Quốc phô diễn dàn tên lửa hiện đại trong một cuộc diễu binh |
Tên lửa hành trình chống hạm YJ-62
YJ-62 là phiên bản “Trung Quốc” của RGM-109 Tomahawk từ Mỹ với các thông số nhìn chung tương tự như Tomahawk. Tuy nhiên, so với Tomahawk, phần cánh của YJ-62 nhỏ hơn, hướng về phía trước của ống xả. YJ-62 hay C-602 là tên lửa hành trình tầm trung, có thể phóng từ trên không, trên bộ hoặc trên biển. Mặc dù nằm trong dòng biến thể từ YJ-6, thân tên lửa của YJ-62 dường như mỏng, nhẹ hơn, và rõ ràng thiết kế hiện đại hơn so với YJ-6.
Mỗi tên lửa mang theo một đầu đạn nổ xuyên giáp nặng 300kg. Cánh C-602 có thể gập lại, kết hợp vây đuôi hình chữ thập. Tên lửa sử dụng động cơ phản lực, có thể đạt phạm vi tối đa 280km và phạm vi tối thiểu 40-60km. YJ-62 có tốc độ cận âm cao, tốc độ bay tối đa khoảng Mach 0,6-0,8 (740,88-987,84km/g). Độ cao hành trình 30m, và đoạn cuối của chuyến bay hạ xuống còn 7-10m.
YJ-62 vẫn đang sử dụng hệ thống dẫn đường radar chủ động tên lửa chống hạm của Trung Quốc. Từ năm 2016, Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa cùng với hệ thống tên lửa phòng không radar tầm trung, tầm xa thế hệ mới HQ-9. HQ-9 giống với hệ thống S300 của Nga, nhưng có các biến thể với tầm bắn lên tới 230km.
Được trang bị cả tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26, quân đội Trung Quốc có khả năng đánh chìm các tàu sân bay của Mỹ, thậm chí tấn công tiền đồn của Hoa Kỳ ở đảo Guam. Do đó, thế giới lo lắng rằng Bắc Kinh có thể sử dụng hệ thống tên lửa để hạn chế hàng hải tự do quanh khu vực.
Vụ thử tên lửa của Trung Quốc vừa qua không chỉ nhằm phô trương lực lượng, mà gửi một thông điệp đến Mỹ và các đồng minh rằng Bắc Kinh sẵn sàng trả đũa bất kỳ hành động khiêu khích nào tại Biển Đông và thậm chí tấn công sâu, mạnh vào khu vực nếu cần thiết.