Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng, Hồng Kông dậy sóng trước tin về luật an ninh quốc gia mới

22/05/2020 - 15:47

PNO - Theo báo cáo tại Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hôm 22/5, chi tiêu quốc phòng của quốc gia trong năm nay sẽ tăng 6,6% so với năm 2019, một tốc độ chậm hơn so với năm ngoái.

Con số, được đặt ở mức 1.268 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 178,16 tỷ USD), như một thước đo mức độ mạnh mẽ của quốc gia này về tăng cường khả năng quân sự. Trung Quốc thiết lập mức tăng 7,5% cho ngân sách quốc phòng vào năm 2019, vượt xa mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội cả năm là 6,1% của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái, khi dịch COVID-19 lan rộng từ Vũ Hán. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bỏ qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 và cam kết tăng hỗ trợ của chính phủ cho nền kinh tế.

Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc thường niên năm 2020 diễn ra từ ngày 22/5 sau khi phải hoãn lại do dịch COVID-19.
Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc thường niên năm 2020 diễn ra từ ngày 22/5 sau khi phải hoãn lại do dịch COVID-19

Cạnh tranh chiến lược

Bất chấp sự bùng phát của COVID-19, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc và Mỹ vẫn hoạt động ở Biển Đông và xung quanh đảo Đài Loan. Dịch bệnh càng làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

Bộ An ninh Nhà nước cảnh báo trong một báo cáo nội bộ gần đây rằng Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng thù địch đang gia tăng sau sự bùng nổ của COVID-19, có thể khiến mối quan hệ với Mỹ trở thành đối đầu vũ trang.

Trung Quốc thường khẳng định chi tiêu quốc phòng nhằm mục đích phòng thủ, chiếm tỷ lệ phần trăm tương đối thấp trong GDP, và các nhà phê bình chỉ muốn bôi nhọ nỗ lực hiển nhiên của nước này.

Trung Quốc chỉ báo cáo một con số chung về chi tiêu quân sự, không bao gồm các lĩnh vực chi tiết, và nhiều nhà ngoại giao, chuyên gia nước ngoài cho rằng khoản chi thực tế phải lớn hơn.

Nếu báo cáo này là đúng, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vào năm 2020 chỉ xấp xỉ một phần tư ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2019, đứng ở mức 686 tỷ USD.

Trung Quốc từ lâu đã lập luận rằng họ cần đầu tư nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Ví dụ, Trung Quốc chỉ có 2 tàu sân bay, so với 12 chiếc của Mỹ. Adam Ni - chuyên gia về hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney (Úc) - nói: "Khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, không có gì ngạc nhiên khi tăng trưởng chi tiêu quân sự cũng sẽ giảm".

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đạt được hai cột mốc quan trọng vào năm 2019, ra mắt tàu sân bay sản xuất nội địa đầu tiên của Trung Quốc và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên có khả năng vươn tới lãnh thổ của Mỹ.

Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, trên vùng cửa ngõ Biển Hồng Hải vào năm 2017. Bắc Kinh cũng đang thiết kế một thế hệ tàu khu trục và tên lửa mới để tăng cường khả năng răn đe đối với các nước láng giềng châu Á và hải quân Mỹ.

Các chuyên gia chỉ ra rằng việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng có thể mang lại cho nền kinh tế một động lực cần thiết, khi hoạt động sản xuất đang gặp khó khăn và tiêu dùng trong nước chùng xuống vì lo lắng về tỷ lệ thất nghiệp.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại cuộc họp ngày 22/5.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại cuộc họp ngày 22/5

Người dân Hồng Kông dậy sóng trước tin về luật an ninh quốc gia mới

Theo Reuters, các nhà hoạt động Hồng Kông sáng nay (22/5) đã kêu gọi người dân thực hiện tuần hành nhằm chống lại luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc dự định áp đặt đối với đặc khu hành chính này.

Theo Luật cơ bản, Quốc hội Trung Quốc trao quyền cho chính mình để thiết lập khung pháp lý và cơ chế thực thi nhằm ngăn chặn và trừng phạt âm mưu lật đổ, khủng bố, ly khai và can thiệp nước ngoài, "hoặc bất kỳ hành vi nào gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia".

Phát biểu trong báo cáo thường niên trước Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Lí Khắc Cường cho biết Bắc Kinh sẽ thiết lập một hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi pháp luật “ngôn luận” để đảm bảo an ninh quốc gia tại Hồng Kông và Ma Cao - một đặc khu khác.

Người biểu tình xô xát với cảnh sát trong một cuộc tuần hành chống lại luật an ninh mới - Ảnh: Reuters
Người biểu tình xô xát với cảnh sát trong một cuộc tuần hành chống lại luật an ninh mới - Ảnh: Reuters

Nhiều người lo ngại động thái của Trung Quốc sẽ làm tổn hại các quyền tự do và vị thế trung tâm tài chính thế giới của Hồng Kông hiện tại. Đây có thể là một bước ngoặt lịch sử của Hồng Kông.

Các nhà lập pháp dân chủ tại đặc khu kiên quyết phản đối và gọi luật an ninh quốc gia là “dấu chấm hết của Hồng Kông”. 

Cuộc tuần hành, nếu được thực hiện, dự kiến sẽ bắt đầu vào buổi trưa gần khu trung tâm tài chính và kết thúc tại Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông, báo hiệu thành phố sẽ sớm một lần nữa rơi vào tình trạng bất ổn.

Phương Uyên

 Tấn Vĩ (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI