Trung Quốc tái diễn "kịch bản Biển Đông" trên dãy Himalaya

30/11/2020 - 11:03

PNO - Trung Quốc xây dựng một ngôi làng trên lãnh thổ mà Vương quốc Bhutan tuyên bố chủ quyền, lặp lại chiến thuật gây hấn của họ ở biên giới với Ấn Độ và xa hơn là trên Biển Đông.

Ảnh chụp vệ tinh vào tháng 12/2019 và tháng 10/2020 cho thấy sự hình thành của “ngôi làng Trung Quốc” giữa khu vực Bhutan tuyên bố chủ quyền
Ảnh chụp vệ tinh vào tháng 12/2019 và tháng 10/2020 cho thấy sự hình thành của “ngôi làng Trung Quốc” giữa khu vực Bhutan tuyên bố chủ quyền

Đúng vào dịp Quốc khánh tháng Mười, Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng một ngôi làng mới trên núi Himalaya, nơi vùng Tây Tạng giáp Vương quốc Bhutan. 100 người đã chuyển đến hai mươi ngôi nhà mới bên cạnh sông Torsa, kỷ niệm ngày lễ bằng cách kéo cờ và hát quốc ca Trung Quốc. Điều đáng nói làng mới này nằm sâu khoảng 2km bên trong lãnh thổ mà Bhutan tuyên bố chủ quyền.

Việc xây dựng, được ghi lại trong các bức ảnh vệ tinh, tuân theo kịch bản mà Trung Quốc đã dùng suốt nhiều năm: gạt bỏ tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng sang một bên để củng cố vị thế của mình trong tranh chấp lãnh thổ, bằng cách đơn phương thay đổi hiện trạng trên thực tế, như cách mà Bắc Kinh đã áp dụng ở Biển Đông.

Chủ nghĩa bành trướng

Trong năm qua, Trung Quốc có những hành động chống lại nhiều nước láng giềng. Các hành động này phản ánh tham vọng của Trung Quốc là khẳng định các yêu sách lãnh thổ, lợi ích kinh tế và nhu cầu chiến lược của họ trên toàn thế giới.

Việc xây dựng ngôi làng ở Himalaya cho thấy, Trung Quốc đã mở rộng một chiến dịch rộng lớn hơn nhằm củng cố sườn phía nam của mình, bao gồm cả Bhutan - quốc gia Phật giáo với chỉ 800.000 dân, theo chủ nghĩa hòa bình. Bên cạnh việc xây dựng dọc tuyến biên giới tranh chấp, mùa hè vừa qua, Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố sở hữu hơn 140.000km2 lãnh thổ thuộc Sakteng Wildlife Sanctuary - một khu bảo tồn nổi tiếng của Bhutan.

Trong quá trình lấn chiếm, Trung Quốc đã gạt bỏ hàng chục năm đàm phán hoàn thiện tuyên bố biên giới hai nước. Vòng đàm phán thứ 25 trong năm nay đã bị hoãn lại do dịch COVID-19.

Bhutan - quốc gia bị chèn ép giữa hai gã khổng lồ châu Á - không gây ra mối đe dọa quân sự nào đối với Trung Quốc. Nhưng ở phía Trung Quốc, việc kiểm soát khu vực này sẽ mang lại cho họ một vị trí chiến lược gần dải đất hẹp thuộc Ấn Độ, gọi là Hành lang Siliguri.

Từ bỏ cam kết trước đây

Truyền thông Trung Quốc mới đây cáo buộc Ấn Độ gây ra căng thẳng với các nước láng giềng phía nam của Trung Quốc - một động thái tương tự như cách Trung Quốc lên án hành động của Mỹ ở Biển Đông. Song song đó, họ không giấu giếm việc xây dựng ngôi làng trên dãy Himalaya được thành phố Thượng Hải tài trợ. Ở Trung Quốc, các tỉnh giàu hơn thường tài trợ cho các dự án phát triển ở các vùng nghèo hơn, đặc biệt là ở khu tự trị Tây Tạng và Tân Cương. 

Ông Taylor Fravel - giáo sư chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts  (Mỹ) - cho rằng với việc xây dựng gần đây, Trung Quốc dường như đã từ bỏ những cam kết tiềm năng trong các vòng đàm phán biên giới trước đó với Bhutan, vốn đề nghị trao đổi các vùng lãnh thổ. Ông nhận định: “Ý tưởng thỏa hiệp từ những năm 1990 có thể không còn trên bàn đàm phán, vì Trung Quốc sẽ không muốn và không bao giờ rút khỏi phần lãnh thổ nơi họ đã xây dựng cơ sở hạ tầng”. 

Tấn Vĩ (theo NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI