Trung Quốc: Số người tử vong do ung thư liên quan thuốc lá tăng mạnh

03/11/2021 - 07:22

PNO - Theo các nhà nghiên cứu, Trung Quốc cần kiểm soát việc sử dụng thuốc lá nghiêm ngặt hơn nhằm hạn chế tình trạng tử vong do ung thư đang gia tăng mạnh.

Theo ước tính của các nhà khoa học từ Học viện Khoa học y tế Trung Quốc và Đại học Y tế công đoàn Bắc Kinh, trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Kiểm soát Thuốc lá thuộc Tạp chí Y khoa Anh, số ca tử vong do các bệnh ung thư liên quan đến hút thuốc ở Trung Quốc sẽ tăng khoảng 50% trong 2 thập niên tới.

Số người hút thuốc giảm chậm đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ có khả năng bỏ lỡ mục tiêu cắt giảm tỷ lệ người hút thuốc vào năm 2030 xuống còn 20%, ​​so với tỷ lệ hơn 26% hiện nay. Các nhà nghiên cứu giải thích, nguyên nhân chính là hiện có đến khoảng một nửa số nam giới Trung Quốc hút thuốc và số phụ nữ trẻ ở nước này dùng thuốc lá cũng đang có xu hướng tăng nhanh.

Các nhà nghiên cứu lo ngại số ca tử vong liên quan đến thuốc lá ở Trung Quốc sẽ tăng cao. Ảnh: AFP
Các nhà nghiên cứu lo ngại số ca tử vong liên quan đến thuốc lá ở Trung Quốc sẽ tăng cao - Ảnh: AFP

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất và tiêu thụ thuốc lá lớn nhất thế giới, với 300 triệu người hút thuốc, tiêu thụ 40% lượng thuốc lá trên thế giới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 1/4 dân số Trung Quốc trên 15 tuổi hút thuốc, và quốc gia này có hơn 1 triệu người chết mỗi năm vì các bệnh do sử dụng thuốc lá.

Các nhà nghiên cứu dự báo, tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư liên quan đến hút thuốc ở Trung Quốc từ năm 2020 đến năm 2040 sẽ tăng 44% ở nam giới và 53% ở phụ nữ, tương đương 8,6 triệu ca tử vong trong vòng 20 năm. Nhưng Trung Quốc có thể ngăn chặn được 1,4 triệu ca tử vong do nguyên nhân này nếu đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc vào năm 2030, đồng thời duy trì xu hướng giảm này đến năm 2040.

Theo nghiên cứu, hút thuốc là nguyên nhân gây ra khoảng 10 loại bệnh ung thư, trong đó phổ biến nhất là ung thư phổi, gan, dạ dày và thực quản, chiếm 60% tổng số ca tử vong do ung thư ở Trung Quốc.

Năm 2016, quốc gia này đã đề ra kế hoạch “Trung Quốc khỏe mạnh năm 2030” nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng. Theo kế hoạch này, Trung Quốc đã tăng thuế, tăng cường giáo dục để cải thiện nhận thức về tác hại của thuốc lá, cấm hút thuốc trong nhà và mở thêm các trung tâm cai nghiện thuốc lá.

Trước đó, trong giai đoạn 2000-2016, Trung Quốc đã giảm tỷ lệ người hút thuốc từ 30% xuống 26%, trong khi Anh đã giảm tỷ lệ này từ 38% xuống 22%, Mỹ giảm từ 31% xuống 22% trong cùng thời kỳ, theo các số liệu của nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngăn thanh thiếu niên bỏ thói quen hút thuốc là điều cấp thiết nhằm bảo vệ với sức khỏe cộng đồng của Trung Quốc. Ảnh: EPA
Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngăn thanh thiếu niên hút thuốc là điều cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng của Trung Quốc - Ảnh: EPA

Theo các nhà nghiên cứu, gần 1/4 người hút thuốc bắt đầu có thói quen này trước khi trưởng thành, “điều quan trọng là Trung Quốc cần ngăn chặn hoàn toàn việc hút thuốc ở thanh thiếu niên”.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, tác hại do thuốc gây ra không đến tức thời, số ca tử vong do hút thuốc thường tăng lên mức cao nhất trong vài ​​thập niên sau khi một quốc gia ghi nhận tỷ lệ người hút thuốc đạt mức cao. Chẳng hạn, tỷ lệ người hút thuốc ở Mỹ lên mức “đỉnh” vào năm 1955, nhưng phải đến thập niên 1990 số ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới của nước này mới đạt mức cao nhất.

“Theo mô hình phân tích này, số ca tử vong do ung thư ở Trung Quốc dự kiến ​​sẽ gia tăng, trong khi quốc gia này hiện đã chiếm 30% số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu. Tình hình trong tương lai sẽ càng đáng lo ngại hơn vì Trung Quốc cũng đang nhanh chóng trở thành một xã hội bị già hóa”, các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI